'Xào' giáo trình bán cho sinh viên

21/09/2017 08:41 GMT+7

Mặc dù nhiều môn học đã có sẵn những giáo trình thuộc hàng kinh điển, các trường ĐH có thể mua về sử dụng nhưng trường nào cũng kêu gọi hoặc giảng viên tự đăng ký viết dù chỉ là cắt dán các giáo trình đã có.

Chỉ khác tên... tác giả
Một cán bộ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Ở một số trường có quy định, mọi môn học đều phải cố gắng viết giáo trình của trường mình. Tuy nhiên, có những môn không cần thiết vì có những sách kinh điển đã xuất bản, ví dụ những môn thuộc chuyên ngành marketing, quản trị kinh doanh, kế toán, du lịch, luật... Thế nhưng, hầu như trường nào cũng viết và xuất bản dẫn đến việc xào xáo của nhau, cập nhật thêm sách nước ngoài một tí, không có cái mới, cái riêng nào cả. Những giáo trình này xuất hiện nhan nhản, mỗi cuốn một nhóm tác giả khác nhau nhưng nội dung thì y chang. Đã từng xảy ra rất nhiều vụ kiện cáo, giảng viên trường này kiện giảng viên trường kia vì sao chép giáo trình của mình”.
Tiêu chí để phong học hàm, học vị
Theo quy định, mỗi năm, giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao tương ứng với chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhiệm. Theo đó, tối thiểu là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc tương đương; một bài báo được công bố trên tạp chí khoa học có phản biện hoặc một báo cáo khoa học tại hội thảo chuyên ngành. Tại nhiều trường, việc viết giáo trình được xem như hoạt động nghiên cứu khoa học và được quy đổi thành điểm như một bài báo khoa học để phong học hàm, học vị.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM phản ứng: “Việc xuất bản giáo trình nhan nhản, bất chấp đã có nhiều giáo trình hay, còn xuất phát từ cái “danh” và tiêu chí để phong học hàm, học vị. Có những tiến sĩ không viết được một bài báo khoa học nghiêm túc nhưng ra giáo trình liên tục, mấy năm mà xuất bản hàng chục cuốn và nghiễm nhiên được quy đổi thành bài báo khoa học. Trong khi đó, ngay cả những tên tuổi đầu ngành để viết được một cuốn giáo trình chất lượng phải mất cả vài năm”.

tin liên quan

Dễ như 'sản xuất' luận văn sau đại học
  Nghiên cứu khoa học để lấy học vị giờ đã trở thành 'công nghệ' và công nghệ sản xuất luận văn, luận án đã trở nên chuyên nghiệp khiến những đóng góp về mặt khoa học đang trở thành vấn đề đáng báo động.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, mỗi giáo trình phải có ít nhất 2 người biên soạn, trong đó phải có một tiến sĩ. Các trường có hội đồng thẩm định gồm 4 - 5 người để đánh giá đề cương phù hợp chưa, nội dung có đủ điều kiện xuất bản hay không. Thế nhưng, vị cán bộ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Đa số hội đồng thẩm định của các trường làm theo tiêu chí tất cả sinh viên đi học đều phải có giáo trình, khuyến khích giảng viên viết để “trường ta cũng có giáo trình, môn nào cũng có đầy đủ”. Do đó, việc xét duyệt, đánh giá ở một số trường nhiều khi cũng khá dễ dãi”.
Không những thế, còn xảy ra tình trạng những tên tuổi đầu ngành không viết mà để một thạc sĩ khác biên soạn, sau đó đứng tên chung. “Nhưng thực chất giáo trình đó cũng lại cóp nhặt mỗi nơi một ít, đọc lên là biết không phải tên tuổi đầu ngành viết”, giảng viên một trường ĐH nhìn nhận. Việc đứng tên chung còn có tình huống bi hài, như trường hợp 2 vợ chồng cùng là giảng viên một trường nhưng khác chuyên ngành, vợ viết rồi đưa chồng đứng tên chung vì lý do mỗi cuốn phải có ít nhất 2 người biên soạn, và để cả hai cùng được tính điểm nghiên cứu khoa học!
Sinh viên mua giáo trình, dễ được “cho qua” môn học !
Ông Lã Hoài Tuấn, cán bộ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng giáo trình của giảng viên viết xong bán ra ngoài rất khó nên sinh viên ở nhiều trường bị bắt buộc mua. “Trừ những ngành chuyên biệt, còn những môn học phổ biến thì nên dùng giáo trình của các trường ĐH lớn và người đầu ngành biên soạn. Viết mà không có gì sáng tạo, riêng biệt, thậm chí chắp vá làm sai lệch kiến thức thì người chịu thiệt nhất vẫn là sinh viên”, thạc sĩ Tuấn nêu quan điểm.
Theo một giảng viên khác, lạm phát giáo trình xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kinh tế. “Rất nhiều giảng viên chủ động đăng ký viết, xuất bản và phát hành để thêm thu nhập. Các nhà xuất bản hiện nay cũng chạy theo cơ chế thị trường, dễ dãi trong việc cấp phép. Nếu giảng viên tự chịu trách nhiệm tiêu thụ thì được duyệt rất dễ. Sách in xong, chính giảng viên mang lên bán cho sinh viên, biến giảng đường thành cái “chợ”, nhìn rất kỳ cục. Thậm chí, nó gần như là quy định ngầm, nếu sinh viên mua giáo trình của thầy cô thì môn đó mới dễ “cho qua”. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM, cho rằng hiện nay nhiều trường ĐH đã có nhà xuất bản nên việc duyệt sách, giáo trình ngày càng dễ dãi.
Thạc sĩ D.Q, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng hình ảnh một giảng viên bước vào giảng đường, bắt đầu tiết học bằng việc rao bán giáo trình do mình viết, không còn xa lạ ở các trường ĐH. “Điều này vô cùng phản cảm, làm mất hình ảnh người thầy”, ông D.Q nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.