|
Lừa mua giúp… băng vệ sinh
Để trở thành người giao hàng đêm sẽ có nhiều cách, như nhận làm công ở các dịch vụ giao hàng, hoặc tự mở dịch vụ sau đó giới thiệu trên các trang rao vặt, mạng xã hội và chờ điện thoại yêu cầu của khách hàng.
Mở dịch vụ “A lô là có” từ nửa năm nay, Nguyễn Thuận, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, đã ăn nên làm ra, tạo việc làm cho gần chục lao động trẻ. Họ luôn túc trực điện thoại của khách, chấp nhận yêu cầu của mọi khách hàng ở bất kỳ khu vực nào tại TP.HCM. Thuận kể: “Nhưng đôi lúc gặp nhiều trường hợp xui rủi lắm, mà nhất là bị lừa”.
Có lần đã 3 giờ sáng, chàng trai này nhận điện thoại yêu cầu mua giúp bánh mì và thuốc lá từ một game thủ đang chơi tại tiệm internet C.T (trên đường Trần Quang Khải, Q.1). Do nhân viên đều đang đi giao ở các điểm khác nên Thuận phải tự mình đi giao, qua đó cũng muốn thể hiện sự chiều lòng khách hàng, tạo dựng thêm những “khách mối”, “khách hàng thân thiết, quen thuộc”.
Mua được vật phẩm như yêu cầu, nhưng khi đến nơi gọi điện thoại cả chục lần khách vẫn không nghe máy. “Sau đó thì họ nhắn lại gọn lỏn: “Tao chờ lâu quá nên ra ngoài ăn khuya rồi”. Mặc dù thời gian từ khi nhận đơn hàng đến lúc giao chưa đầy 30 phút”, Thuận kể. Vậy là chàng trai này có trải nghiệm khá “đắt”: chạy từ Q.2 lên Q.Bình Thạnh mua bánh mì rồi đem đến Q.1 để… tự ăn.
Lần khác, dịch vụ của Thuận nhận được đơn hàng từ một khách nữ ở Q.7 với yêu cầu khá tế nhị: “Mua giúp em gói băng vệ sinh” với đảm bảo phí vận chuyển sẽ cao gấp nhiều lần. “Cô ta nói rõ địa điểm với giọng khẩn khoản nên mình không từ chối. Ấy vậy mà lần đó phải tiếp tục bổ sung vào danh sách những lần bị lừa”, Thuận rầu rĩ.
Còn Lâm Văn Thiện, sinh viên Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ Ladec, kể lại cơn ác mộng khiến cậu phải bỏ nghề. Đó là khi giao hàng ở hẻm đường Thành Thái (Q.10), gặp khách là người đồng tính nam, kêu phải vào tận nhà để giao chứ không chấp nhận đưa ngoài cổng. “Anh ta bất ngờ nắm tay, sờ soạng khiến mình sợ quá vội đạp xe chạy thoát thân”, Thiện nhớ lại.
Bị nghi là trộm
Làm tốt công việc giao hàng không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để chịu được áp lực “khung giờ ở VN nhưng sống theo giờ Mỹ”, như lời ví von của những người trong nghề, mà còn phải biết linh động xử lý những tình huống không thể lường trước. Như có lần Tuấn Vũ chạy giao cơm cách hơn 15 km. Giá cơm 30.000 đồng, thêm chi phí vận chuyển 25.000 đồng. Khách đưa tờ 500.000 đồng, nói không có tiền lẻ. Trong túi Vũ cũng chẳng đủ tiền trả lại, đành phải chở khách đi cả cây số đến cửa hàng xăng dầu đổi tiền, rồi lại trở khách về. “Tình huống này dễ gặp lắm. Vì ra đường giờ khuya vô cùng nguy hiểm, không nên đem theo nhiều tiền trong người nên đôi lúc rơi vào tình cảnh không có tiền thối lại”, Vũ tâm sự.
Hay chuyện những người giao hàng đêm bị dân phòng, cảnh sát khu vực hỏi thăm diễn ra khá thường xuyên. Bởi thời điểm 2, 3 giờ sáng họ phải lân la khắp các con hẻm vốn tĩnh lặng nên luôn bị đề phòng, nghi ngờ là kẻ trộm. “Mình từng bị một lần nên giờ đây mỗi khi đi làm phải đem theo giấy đăng ký xe, bằng lái, CMND”, Thuận nói.
Công Trọng thì từng gặp phải cảnh bị khách lừa kêu đứng đợi, vào nhà lấy tiền trả, nhưng sau đó đã cao chạy xa bay. “Mình đợi 20 phút không thấy đâu, gọi điện thoại lại thì ò í e. Vội tìm thì phát hiện là hẻm thông với đường khác. Vậy là bị quỵt tiền”, Trọng chua chát.
Ngoài ra, theo những người giao hàng đêm, điều đáng lưu ý nhất là đừng bao giờ sử dụng những chiếc xe máy đắt tiền, bởi đi lại vào giờ khuya rất nguy hiểm và nguy cơ bị cướp xe là rất cao.
5 triệu đồng và 5 kg “Kể từ khi làm nghề này đến nay đã gần 3 tháng, do đặc thù công việc nên chưa bao giờ mình có giấc ngủ ngon thật sự”, Lê Tuấn Vũ cho biết. Vì vừa làm vừa học, nên khi hết ca làm (6 giờ), Tuấn Vũ phải lật đật chạy về phòng trọ, tranh thủ ngủ... 30 phút rồi lên giảng đường. Chiều chợp mắt thêm 2, 3 tiếng đồng hồ để tối tiếp tục công việc giao hàng mưu sinh. “Giao hàng đêm đôi lúc được khách thương tình nên cho thêm vài ngàn đồng. Để dành, cộng với lương cũng đủ xoay xở cuộc sống. Nhưng từ khi làm, dù kiếm thêm được hơn 5 triệu đồng, đổi lại mình sụt 5 kg vì thức khuya, ngủ không đủ giấc”, Vũ tâm tình. “Cũng vì mưu sinh nên mình phải chấp nhận thôi. Đi chạy xe ôm thì thu nhập ba cọc ba đồng, hên xui lắm. Đi giao hàng đêm có lương cứng cũng đỡ. Ban ngày thì phải đi học rồi”, Trần Công Trọng, sinh viên Trường CĐ Bách Việt chia sẻ. |
Lê Thanh - Thanh Nam
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 10: Lơ lửng thợ leo cây
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 9: Thợ lặn khắc phục sự cố công trình
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 8: Ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ
>> Nhảy tàu mưu sinh
>> Mưu sinh quá nguy hiểm
Bình luận (0)