TNO

Giao lưu với “Người ăn rong” ở Sài Gòn

02/03/2014 15:30 GMT+7

Ngày 1.3.2014 vừa qua, nhà báo Ngữ Yên đã có buổi giao lưu và chia sẻ với bạn đọc tại nhà sách Cá Chép, TP.HCM về quyển sách ẩm thực "Người Ăn Rong 2".

Ngày 1.3.2014 vừa qua, nhà báo Ngữ Yên đã có buổi giao lưu và chia sẻ với bạn đọc tại nhà sách Cá Chép, TP.HCM về quyển sách ẩm thực "Người Ăn Rong 2".

Giao lưu với “Người ăn rong” 2 

Quyển sách "Người ăn rong 2" tập hợp những bài tạp bút về ẩm thực đăng rải rác trên báo Sài Gòn Tiếp Thị và tạp chí điện tử Tuần Việt Nam của báo Vietnamnet từ năm 2009 đến tháng 9.2013 của Ngữ Yên (bút danh của nhà báo Trần Công Khanh), từng công tác tại báo Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ).

Trong buổi giao lưu, nhà khảo cổ học - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã đặt nhiều câu hỏi “khó” cho tác giả Ngữ Yên về ẩm thực, chẳng hạn tại sao lại gọi là “bánh canh” chứ không phải là “bún canh”, tại sao anh lại tâm đắc với mắm và tương làm theo lối cổ truyền đến thế. Nhiều bạn đọc thân thiết của anh cũng bày tỏ sự đồng cảm với anh về những giá trị ẩm thực đã mất đi, hình ảnh các món ăn rong cũng dần phai nhạt vì mất đi sự đặc sắc, sự suy tư của những người con từ mảnh đất khác về sống ở Sài Gòn mà vẫn cứ hoài niệm hương vị quê hương…

Nhà báo Ngữ Yên cho biết, anh vốn là người gốc miền Trung, bởi vậy lúc sống ở Sài Gòn anh cứ trăn trở về vị nước mắm bây giờ không phải nước mắm, nước tương không ra nước tương. Cũng vì vậy mà anh cứ phải lang thang đi tìm những nơi còn sản xuất theo phương pháp truyền thống.

 Giao lưu với “Người ăn rong” ở Sài Gòn 2

Có một nỗi buồn trong anh, là nhiều người Sài Gòn đã quên đi những hương vị mặn mòi mà chấp nhận những mặt hàng công nghiệp. Tuy nhiên, khi đọc những bài như Lạc vào xứ thần tương, Đi tìm nước tương ngày cũ, Nước mắm đi Tây từ thế kỷ 17 qua con đường gia vị…, nhiều người đã bị anh thuyết phục về các giá trị ẩm thực truyền thống.

Cuốn sách cũng có nhiều bài viết thú vị về bánh mì Sài Gòn, mì Sài Gòn, đặc sắc là các món miền Trung ở Sài Gòn đã bị biến đổi ra sao.

Còn rất nhiều về chủ đề ẩm thực Sài Gòn mà nhà báo Ngữ Yên còn phải tiếo tục ra sách mới thể hiện được. Nhiều bạn đọc giao lưu với nhà báo Ngữ Yên gợi ý: Phải viết về các món nhậu Sài Gòn cho cuốn sách tiếp theo, vì đó là những món ăn ngon nhất, chế biến nhanh nhất.

Giang Vũ
Ảnh: Nhật Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.