Giao thông cho người khuyết tật vẫn ‘nằm’ trên giấy

Dù đã được đề cập trong luật Người khuyết tật, nhưng giao thông tiếp cận - thuận lợi tối đa hóa cho mọi người dân, trong đó có người khuyết tật, ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa hoàn thiện.

Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT đang triển khai đề án “Hệ thống giao thông tiếp cận vì cộng đồng” nhằm trợ giúp người khuyết tật. Theo thống kê, người khuyết tật chiếm khoảng 10% dân số, trong đó những người có thể tham gia giao thông tương đối lớn, gồm những người khuyết tật vận động (ngồi xe lăn), người khiếm thị, khiếm thính, nhưng trên thực tế, hạ tầng đô thị cũng như các phương tiện công cộng hiện nay vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức cho người khuyết tật.
Theo khảo sát, mới chỉ có vài tỉnh, thành triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông, trong đó, TP.Hà Nội đi đầu trong việc miễn phí xe buýt cho người khuyết tật (áp dụng từ năm 2007). Tuy nhiên, rất hiếm bắt gặp hình ảnh người khuyết tật đi xe lăn trên xe buýt Hà Nội, không chỉ do hệ thống xe buýt cũ chưa có lối lên thích hợp với xe lăn, quan trọng hơn, hệ thống tiếp cận cho người khuyết tật lên xe buýt như các bến xe, điểm đầu cuối, nhà chờ xe buýt, vỉa hè… chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cho người khuyết tật sử dụng.
Hiện tại Hà Nội đã có một số tuyến phố có sơn kẻ vạch đường cho người khuyết tật (phần đá lát có rãnh riêng, sơn phản quang… để dễ nhận biết) nhưng chưa tạo được sự đồng bộ và đạt chuẩn, như có những viên gạch lát sai rãnh, dẫn đến dẫn hướng sai; có đoạn chắp nối cẩu thả với miệng cống, gốc cây; sử dụng loại gạch dẫn đường chưa đúng vị trí (như gạch rãnh là dẫn đi thẳng, gạch chấm bi báo hiệu các góc cua, điểm giao cắt), gạch không bảo đảm chất lượng chống trơn trượt, nhanh mòn…
Không chỉ Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương lớn khác vỉa hè dành cho người bình thường đã thiếu, vỉa hè dành cho người đi xe lăn còn khó khan hơn, khi độ chênh lệch giữa hè và nền đường quá cao, vỉa hè bị hàng quán chiếm dụng. Đối với các xe buýt (trừ xe buýt nhanh BRT có cửa xe cao ngang bằng cửa nhà chờ), thời gian dừng xe ngắn, cửa xe hẹp và bậc cửa cao là nguyên nhân làm cho người đi xe lăn không thể sử dụng phương tiện này. Lối sang đường không có bảng báo hiệu bằng chữ nổi hay tín hiệu âm thanh để bảo đảm an toàn cho người khiếm thị…
Kinh nghiệm từ các nước
Các nước phát triển như Nhật Bản, Úc, châu Âu... đều có hệ thống giao thông tiếp cận khá tối ưu cho người khuyết tật. Điển hình như Nhật Bản, trên xe buýt, tàu điện luôn có ghế ưu tiên cho người khuyết tật. Hệ thống loa tự động liên tục thông báo điểm dừng để người khiếm thị nắm bắt thông tin. Đặc biệt, dù xe buýt ở Nhật chỉ có một tài xế, không có phụ xe như ở VN, nhưng tài xế được đào tạo và yêu cầu phải ân cần hỗ trợ người mù, người đi xe lăn lên xuống xe buýt và không thu tiền vé của họ. Tại trạm chờ, khi xe buýt đến, tài xế hạ gầm xuống thấp và mở lối cho xe lăn chạy lên. Các con đường đều có lối đi riêng cho người đi bộ, người khuyết tật, máng trượt cho người đi xe lăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc này không khó nhưng VN chưa làm được vì dù chủ trương, nghị định đã có nhiều, nhưng sự quan tâm thực chất của các cơ quan thực thi tại địa phương với giao thông cho người khuyết tật vẫn chưa đủ.
Bộ GTVT đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành giao thông đảm bảo 100% công trình nhà ga, bến xe, bến tàu đảm bảo điều kiện tiếp cận với người khuyết tật. Đồng thời, đảm bảo tối thiểu 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc giám sát thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, cần xây dựng các tuyến đường mẫu và nhân rộng các loại xe vận tải hành khách công cộng, tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là người khuyết tật, đưa vào vận hành các phương tiện giao thông để người khuyết tật tham gia giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.