'Giao thừa vợ nấu cháo lươn...' in trên lịch gây bão mạng có đúng là tục ngữ?

25/01/2022 15:12 GMT+7

Mạng xã hội đang chia sẻ hình ảnh một tờ lịch Giao thừa Nhâm Dần 2022, trong đó có câu viết được chú thích rõ là tục ngữ: ‘Giao thừa vợ nấu cháo lươn/Chồng ăn chồng..., vợ trườn ra sân’ khiến nhiều người bất ngờ vì lần đầu tiên nghe và sao tục ngữ lại phồn thực với nhiều từ nhạy cảm đến vậy?

Hình ảnh tờ lịch tràn ngập mạng xã hội từ tối qua đến giờ, nhận rất nhiều chia sẻ nhưng không ai truy tìm nguồn gốc ra tờ lịch này có thật hay không. PV cũng cố gắng xác minh nhưng cũng không có căn cứ để xác định được tờ lịch này được chính thức phát hành hay do kỹ thuật photoshop "đính kèm" câu tục ngữ trên để tạo trend hay cố tình gây bão mạng xã hội.

Ca dao tục ngữ đôi khi vẫn có tính tục theo dân gian

Riêng về câu tục ngữ được nhiều người thắc mắc xen lẫn phẫn nộ thì TS Hà Thanh Vân, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi thấy hình ảnh tấm lịch trên cho biết, câu lục bát đang “gây bão” mạng xã hội không phải là tục ngữ, mà là ca dao vì làm theo thể 6 - 8, có vần. Tục ngữ thường là câu ngắn, có vần nhưng không ra thể thơ. Do đó, yếu tố đầu tiên, trên tờ lịch ghi đây là câu tục ngữ là không chính xác.

Theo TS Hà Thanh Vân, nguyên văn câu ca dao này là: “Thương chồng thì nấu cháo lươn/Chồng ăn chồng... cho trườn ra sân”.

TS Hà Thanh Vân cho hay, đặc tính của ca dao là có dị bản, tức là những câu ca dao tương tự như thế, có thể đổi đi một vài từ nhưng vẫn giữ tinh thần, ý nghĩa như ban đầu.

Từ câu ca dao gốc, có một số dị bản khác đổi “cháo lươn” thành “cháo gà” như: “Thương chồng thì nấu cháo gà/Chồng ăn chồng... gấp ba ngày thường” hoặc “Thương chồng thì nấu cháo gà/Chồng ăn chồng... cửa nhà rung rinh”.

Cũng theo TS Hà Thanh Vân, trong ca dao, tục ngữ của Việt Nam có một số câu có tính chất tục một chút. Đây là điều bình thường, vì trong văn học dân gian Việt Nam, một số câu chuyện cười cũng có hàm nghĩa tục để gây cười.

Tờ lịch "gây bão" mạng xã hội

chụp màn hình

Ý nghĩa của câu ca dao này, TS Hà Thanh Vân cho rằng đây là câu ca dao diễn tả tình cảm vợ chồng bình thường, chăm sóc người chồng không phải chỉ về tinh thần còn về ý nghĩa đời sống quan hệ vợ chồng.

“Câu ca dao này mang ý nghĩa vui đùa hài hước, diễn tả tình cảm thương yêu giữa vợ chồng, hơi tục một chút để gây cười vì phù hợp một bộ phận tầng lớp nhân dân”, TS Hà Thanh Vân lý giải.

"Không phù hợp"

Chưa biết câu ca dao trên tờ lịch có thật hay chỉ là sản phẩm của photoshop, nhưng theo TS Hà Thanh Vân, nếu có thật, câu ca dao được in vào ngày cuối cùng của năm, ngay thời điểm năm hết Tết đến như vậy là không phù hợp.

TS Vân phân tích: “Kho tàng ca dao Việt Nam đâu thiếu những câu hay mà không tục. Người biên soạn đưa câu này lên lịch nếu có thật thì không phù hợp với văn hóa truyền thống phong tục ngày Tết của Việt Nam. Chưa kể, phía đơn vị soạn lịch đã tự ý sửa để câu sai lệch, chữ “thương chồng” và “giao thừa” hoàn toàn khác nhau. Sự cố ý gò ép như vậy để phù hợp với ngày cuối năm là không chấp nhận được”.

TS Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay, dị bản trong ca dao tức là thay đổi một số từ nhưng tinh thần của câu vẫn là thế, ý nghĩa không thay đổi. Mở đầu câu ca dao “thương chồng” tức là dân gian muốn nhấn mạnh tình cảm, sự chăm sóc của người vợ đối với người chồng. Do đó, việc biến từ “thương chồng” thành “giao thừa” là xuyên tạc, không chấp nhận được.

Sau cùng, TS Hà Thanh Vân nói thêm, trong ca dao Việt Nam, đặc biệt là ca dao Tây Nam bộ có một số câu tục nhưng mang ý hài hước, thậm chí một số câu còn dùng cả từ chỉ bộ phận sinh dục của người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.