Giết người sao quá dễ: Nước mắt của người mẹ

29/07/2015 11:45 GMT+7

(TNO) Khi bà M. nghe tòa tuyên phạt con mình mức án tử hình vì tội giết người, bà xem như đó cũng là bản án cho chính mình, lòng dạ bà như chết từ khoảnh khắc đó.

(TNO) Khi bà M. nghe tòa tuyên phạt con mình mức án tử hình vì tội giết người, bà xem như đó cũng là bản án cho chính mình, lòng dạ bà như chết từ khoảnh khắc đó.

Bị cáo Nguyễn Quang Mạnh bị tuyên án tử hình

Tội phạm giết người đang trẻ hóa
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong những năm gần đây, tội phạm trong lứa tuổi từ 14 đến 30 tuổi chiếm gần 70% trong tổng số tội phạm giết người. Phần lớn chưa có tiền án, tiền sự; chỉ số rất ít có 1 tiền án hay 1 tiền sự về các hành vi cố ý gây thương tích.
Đa số tội phạm giết người có trình độ học vấn thấp, tỷ lệ người trẻ phạm tội có trình độ văn hoá cấp I và cấp II chiếm hơn 60%. Bên cạnh đó, có tới 46% xuất thân trong những gia đình có vấn đề như bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp; 18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn…
Trao đổi với Thanh Niên Online, đại tá Trần Văn Quảng, Phó trưởng phòng Phòng phòng chống tệ nạn xã hội, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, cho biết tình hình tội phạm giết người trong giai đoạn hiện nay đang ‘trẻ hoá’, tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng, đặc biệt nhiều vụ xuất phát từ những nguyên nhân rất vô lý.
Bị can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh: C.A
Trong đó, một số vụ án giết người có động cơ phạm tội do ảnh hưởng mặt trái của phim ảnh bạo lực hoặc trò chơi điện tử, thậm chí vì đua đòi ăn chơi. Như vụ án đầu tháng 7.2014, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt Trần Văn Sơn (14 tuổi) và Trần Văn Đức (13 tuổi) vì ra tay sát hại bà của mình một cách dã man, để cướp 4 triệu đồng nướng vào trò chơi điện tử.
Hay vụ án Nguyễn Quang Mạnh (27 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) chỉ vì cần có tiền đi hút keo chó, Mạnh chém chết chị Nguyệt (16 tuổi, vừa sinh con được 2 tuần). Có mặt trong phiên xử án tại TP.HCM, bà Trương Thị M. (mẹ của bị án Mạnh) với vẻ mặt bần thần, đôi mắt in hằn nét mệt mỏi theo thời gian mà bà đã phải gánh chịu nỗi đau đớn do đứa con hư hỏng gây ra. Nhắc đến con trai, bà M. cố nuốt nước mắt vào trong, đôi môi như run rẩy: “Có chết tôi cũng không tin nổi con mình ra tay giết người. Tôi đã không dạy nó nên người nên nó hư hỏng, chơi với đám bạn xấu, sa vào nghiện ngập...”.
Bà M. cho biết, kể từ khi hay tin con mình phạm tội giết người, bà mất ngủ vì quá đau buồn. Và đến khi bà M. nghe tòa tuyên phạt con mình mức án tử hình vì tội giết người, bà xem như đó cũng là bản án cho chính mình, lòng dạ bà như chết từ khoảnh khắc đó.
Thiếu cha mẹ, con cái dễ phạm tội
Không nghe lời lớp trưởng, một nữa sinh đã bị đánh hội đồng tại Trà Vinh - Ảnh cắt từ clip.
Đại úy Nguyễn Nam Hào, điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Bộ công an, cho rằng gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân. Đối với đứa trẻ, cha mẹ là tấm gương để noi theo. Vì vậy, hành vi người lớn phải mang tính đạo đức và chuẩn mực mới tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển nhân cách.
Những trẻ thiếu cha hoặc mẹ, do thiếu thốn tình cảm, chúng thường tự ti, nên khi gặp điều kiện bất lợi trong cuộc sống sẽ dễ bị người khác lợi dụng, lôi kéo vào con đường tội phạm.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải có trách nhiệm giáo dục đạo đức, pháp luật cho người chưa thành niên. Những đứa trẻ “cá biệt” trong lớp cần được quan tâm đặt biệt từ nhà trường. Không nên cách ly những trẻ “cá biệt”, bởi sẽ gây tổn thương cho chúng, khiến chúng ác cảm với nền giáo dục và cuối cùng chúng rời xa tập thể. Từ đó, những đứa trẻ có thể có hành vi tiêu cực như hung hãn, đánh nhau, rượu chè, ma túy... và dễ phát sinh tội phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.