Giới công nghệ Mỹ cảnh báo hậu quả của lệnh cấm Huawei

Thu Thảo
Thu Thảo
08/06/2019 21:41 GMT+7

Các hãng công nghệ Mỹ nói với Bộ Thương mại Mỹ rằng quyết định cấm bán linh kiện, dịch vụ cho Huawei Technologies có thể gây tổn hại đáng kể đến lợi nhuận doanh nghiệp và đặt an ninh quốc gia trước rủi ro.

Theo The Washington Post, một số hãng công nghệ làm giấy phép xin kinh doanh với Huawei sau thời điểm lệnh cấm thương mại áp lên công ty Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 8. Các hãng Mỹ cho rằng việc cấm thương mại với Huawei sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng phát triển công nghệ mới của doanh nghiệp. Trong số các công nghệ mới trên, nhiều công nghệ được quân đội Mỹ sử dụng.
Huawei là hãng sản xuất điện thoại lớn thứ nhì thế giới và là nhà cung ứng thiết bị viễn thông hàng đầu, quan trọng trong đợt ra mắt mạng di động thế hệ kế tiếp. Huawei cũng là cái tên mua chip máy tính Mỹ lớn thứ ba thế giới, theo Hiệp hội Ngành công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen thương mại hồi tháng trước vì vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran. Washington dời thời điểm lệnh cấm có hiệu lực xuống 90 ngày để làm dịu tác động lên giới doanh nghiệp nước nhà. Theo quy định của Bộ Thương mại, các hãng Mỹ muốn tiếp tục làm ăn với Huawei phải nộp xin giấy phép. Nhiều hãng chip và phần mềm có khách hàng là Huawei đã tranh luận họ có nên xin giấy phép hay không.
Nhiều hãng, đặc biệt là các nhà sản xuất chip, viết rõ trong đơn xin giấy phép dự báo tài chính và nhiều dữ liệu khác cho thấy họ sẽ bị thiệt hại đáng kể. Giới doanh nghiệp lập luận rằng lệnh cấm thương mại gây tổn hại đến triển vọng của giới sản xuất chip Mỹ bằng cách khiến giới doanh nghiệp Trung Quốc ít phụ thuộc vào hàng Mỹ hơn và tìm nhà cung ứng thay thế.
Một số hãng chip cho hay doanh thu biến mất vì không có đơn hàng từ Huawei và các chi nhánh của hãng này có thể khiến công ty bị buộc phải cắt giảm nghiên cứu và phát triển, làm chậm quá trình phát triển chip máy tính mới. Điều này cũng có thể làm tổn thương công nghệ quân sự của Mỹ, vì quân đội cần chip nhanh hơn, tốt hơn. Cơ sở hạ tầng quan trọng có phụ thuộc vào chip máy tính cũng dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công.
Hiện chưa rõ liệu lập luận này có được Bộ Thương mại Mỹ và Nhà Trắng để tâm hay không. Các đơn xin giấy phép dạng này thường được giả định là đã bị từ chối. Các hãng cũng thận trọng vì sợ chỉ trích về chính sách của Mỹ có thể khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump phật lòng và doanh nghiệp bị trả đũa.
Cách đây không lâu, ZTE cũng bị đưa vào danh sách đen thương mại và giới công nghệ Mỹ cũng được nộp đơn xin giấy phép để tiếp tục kinh doanh với công ty Trung Quốc. Khi đó, ZTE đang đàm phán với chính phủ Mỹ về việc vi phạm lệnh trừng phạt Iran, và việc đưa ZTE vào danh sách đen là cách để gây thêm áp lực lên doanh nghiệp. Mỹ sau đó dỡ bỏ lệnh cấm ZTE sau khi công ty đồng ý nộp phạt 1 tỉ USD và cơ cấu lại dàn quản lý.
Liệu Mỹ có chiến lược tương tự với Huawei hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Một số người cho rằng động thái với Huawei là chiến thuật để gây thêm áp lực lên Bắc Kinh trên bàn đàm phán thương mại. “Chính phủ Trung Quốc liên tục đưa Huawei lên bàn đàm phán thương mại. Tôi nghĩa Huawei biết rằng những người duy nhất cứu được họ trong vấn đề với Mỹ là chính phủ Trung Quốc”, Phó chủ tịch James Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.