Giới trẻ có thờ ơ với sách?

29/03/2006 21:57 GMT+7

Người lớn bây giờ vẫn thường than: “Tụi trẻ thời này ít đọc sách quá, chẳng bù lại ngày xưa, người ta có thể quên ăn quên ngủ vì sợ làm gián đoạn nửa chừng một câu chuyện hay mà mình đang đọc". Còn sinh viên ngày nay, phải chăng đã có quá nhiều thú vui giải trí mà chuyện đọc sách đối với họ đã trở nên “xưa rồi diễm”?

Lực bất tòng tâm!

"Tụi em cũng ham đọc sách lắm, nhưng túi tiền của sinh viên luôn trong tình trạng "viêm mãn tính", việc bỏ ra vài ba chục ngàn để mua sách cũng phải bầm gan tím ruột". Thúy Hòa, sinh viên ĐH Huế thở dài phân trần. "Đầu tiên" là "tiền đâu". Khi hàng tháng, giới sinh viên vẫn phải gửi những bức tâm thư sướt mướt: "Mẹ ơi mẹ đẹp như tiên/mẹ thêm dấu huyền mẹ gửi cho con" thì việc phải chi ra vài chục ngàn để mua một quyển sách quả là việc mặc áo quá đầu. Khoản học bổng "u ta chi" cũng chỉ tạm đủ cho các khoản chi phí ăn ở sinh hoạt, đó là còn chưa kể các khoản phát sinh như sinh nhật, liên hoan... Trong khi đó, giá các loại sách lại tương đối “nặng ký”, trung bình một quyển sách từ 150 đến 300 trang có giá 30 đến 50 ngàn, đồng nghĩa với... cả tuần cơm bụi.

"Nhiều khi ra tiệm thấy quyển sách hay định cầm lên mua nhưng đến khi nhìn thấy giá thì đành để lại. Tự nhủ khi nào ra trường đi làm có tiền thì mua!", Quang Dũng, sinh viên khoa Sử ĐH Huế tâm sự. Vì thế, nếu có dịp vi hành thăm nom không gian học tập của giới sinh viên, số sách vở được trưng bày trên giá chỉ toàn là giáo trình chuyên ngành bởi đó là những loại sách không thể không có để đối phó với các kỳ thi, còn chuyện mua thêm sách tham khảo để đọc và nghiên cứu thì... bó tay!

Thiếu... thời gian?

"Thời buổi cơm áo gạo tiền - kinh tế thị trường, sinh viên cũng phải xoay theo thời cuộc, một ngày, ngoài 4 tiếng đồng hồ dành cho việc mài đũng quần trên ghế giảng đường, còn nào là làm thêm, ăn uống, giặt giũ, đi chơi với người yêu... còn thời gian đâu mà đọc thêm sách", lời tâm sự thật lòng ấy của Hoàng Chương, sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng là tâm trạng chung của không ít các bạn trẻ ngày nay. "Lúc trước còn học phổ thông, mình đọc nhiều sách lắm. Nhưng bây giờ, đi làm thêm đến tối mịt mới về, mệt bở hơi tai, không còn tâm trí đâu mà đọc sách nữa. Đó là chưa kể những khoản phát sinh ngoài ý muốn. Chỉ cố gắng đọc sách học đã đủ là cực hình rồi huống hồ gì là sách tham khảo thêm". Hồng Phương, sinh viên khoa Ngữ văn ĐH Huế phân trần. Thêm vào đó, thời gian thì không nở ra, mà các loại hình “ăn chơi nhảy múa” lại không ngừng được tăng lên theo cấp số nhân, nên cà phê, bi-da, nhậu, chát chít, mua sắm, tán gẫu... đã là "một phần tất yếu của cuộc sống" của các sinh viên ngày nay. "Time" dành cho sách xem ra không còn khả thi cho lắm!

Sách photo đắt hàng

Chưa ở đâu, sách photocopy lại được ưa chuộng như trong giới sinh viên. Trước các cổng trường học, bao giờ cũng có cả dãy cửa hàng chuyên photo sách để bán. Loại sách này giá rẻ, chất lượng cũng tạm được chỉ có điều hình thức xấu và không thể để lại hậu thế. Nhưng hợp túi tiền vẫn là sự lựa chọn số 1. Nếu như các quyển giáo trình 300 trang giá đến ba bốn chục ngàn thì cũng với số tiền ấy, cánh sinh viên có thể sở hữu hai đến ba cuốn sách như vậy, tuy chỉ là bản sao. Đành tự an ủi: "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Bên cạnh đó, những cửa hàng bán sách cũ, sách nối bản... sinh viên vẫn luôn là những khách hàng "ruột" bởi vẫn có thể sở hữu những bộ sách như Chiến tranh và hòa bình hay Sông Đông êm đềm với giá thành chỉ bằng 1/3 so với giá sách mới được bán trên thị trường.

Nếu “hoàn cảnh” hơn thì mượn của bạn bè hay thư viện về ngâm cứu. Chuyện lạc, mất sách sau 4 năm học của sinh viên cũng là chuyện thường ngày ở giảng đường bởi đứa nào cũng khó như nhau, mà sách thư viện thì mỗi lần mượn là một lần khó nên thôi, cứ mượn qua, đổi lại một vòng trong sinh viên với nhau rồi cuối cùng chẳng biết sách mình đi về đâu. Đã nghèo còn gặp phải eo, nhiều sinh viên khi ra trường còn đèo thêm gánh nợ đền sách cho thư viện.

Ngạn ngữ phương Đông đã từng có câu: "Hãy để lại cho con một ngôi nhà, một cái nghề và một quyển sách". Vẫn biết việc đọc sách cần thiết và quan trọng đến như vậy, nhưng để mua một quyển sách với giá bằng cả tuần cơm bụi, đối với sinh viên ngày nay, đó vẫn còn là chuyện xa vời?

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.