Theo chân một nhóm sinh viên ĐH Công đoàn đi săn lùng những bộ trang phục chuẩn bị cho đêm hội Vũ điệu ma quỷ (Halloween) tổ chức tại công viên Hồ Tây, chúng tôi đến khu phố cổ.
Phố Hàng Mã vốn là nơi bán đồ chơi trung thu, nay nhộn nhịp người mua bán đồ đạc phục vụ lễ hội “Ma quái” du nhập vào VN.
Tại đây, rất nhiều loại trang phục cực kỳ kinh dị như mặt nạ ma quái, quần áo phù thủy... Tuy nhiên, theo Dũng, chàng sinh viên mà chúng tôi bám đuôi cho rằng những thứ mua được có thể đụng hàng nên sau khi mua về phải thiết kế lại, càng kinh dị càng tốt.
|
Ngoài những trang phục màu đen, mặt nạ kinh dị, được ưa thích nhất là chiếc “mặt nạ tắm máu” có hình sọ người 2 lớp, bên trong có ống nối với một túi “máu”.
Khi lễ hội lên cao trào, người đeo mặt nạ bóp mạnh túi, “máu” sẽ phun lên trên mặt để tạo thêm sự khủng khiếp, ma quái. Mỗi chiếc mặt nạ như vậy giá tới 80.000 đồng.
Ngoài ra, mũ phù thủy, cướp biển từ 50.000-60.000 đồng/chiếc, mặt nạ quỷ từ 30.000-50.000 đồng/chiếc, đèn lồng quả bí ngô từ 20.000-50.000 đồng/chiếc, trang phục phù thủy ma quái trên dưới 100.000 đồng/tùy loại, nhện ma 30.000 đồng/chiếc…
Theo những người bán hàng, trẻ con Hà Nội cũng rất khoái những mặt hàng này. Các buổi tối, cha mẹ các em thường dẫn đi mua cho những bộ quần áo bí ngô, mặt nạ, mũ cướp biển hay áo choàng của… ma.
Theo các chủ cửa hàng, ngoài việc giá cả tăng, năm nay rất khó tìm hàng độc cho lễ hội hóa trang. Các loại trang phục, mặt nạ đều là những mẫu từ năm ngoái có cách điệu thêm một chút. Những trang phục cho trẻ em hầu như rất ít. Phần lớn khi mua về, bố mẹ các em sẽ bỏ công chỉnh sửa lại cho vừa vặn với con.
Tại các trường đại học, lễ hội Halloween cũng đang được chuẩn bị, hứa hẹn một đêm hội kinh dị sẽ diễn ra vào tối 31.10.
“Nhân vật” chính của lễ hội Halloween ở “chính quốc” là những đứa trẻ hóa trang trong những bộ trang phục quái dị, đi gõ cửa những ngôi nhà để xin bánh kẹo, khi chủ nhà mở cửa, các em sẽ hỏi “Trick or treat?” (cho kẹo hay bị ghẹo)...
Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Halloween chỉ là chương trình hóa trang ma quỷ, những buổi biểu diễn thời trang đậm chất rùng rợn. Đối tượng tham gia phần lớn là học sinh sinh viên muốn có một hoạt động ngoại khóa cầu vui.
Ý nghĩa của lễ hội Hallowen ở phương Tây cũng mang đậm chất nhân văn, bắt nguồn từ câu chuyện một người tên Jack sống tham lam và keo kiệt, không giúp mọi người và hay chơi đùa với ma quỷ nên khi chết không được lên thiên đàng hay địa ngục, ma quỷ cũng không bắt đi, khiến Jack trở nên “bơ vơ”.
Truyền thuyết này khiến lễ hội Hallowen trở thành dịp chuyển tải thông điệp: sống không tham lam, ích kỷ, có lòng bác ái, biết giúp đỡ kẻ khó khăn và không nên chơi đùa với ma quỷ (theo nghĩa bóng là những trò lừa đảo xấu xa, hoặc những người xấu...).
Tuy nhiên, khi hỏi về ý nghĩa của lễ hội này, hầu hết sinh viên đều không biết.
Bạn Thanh Loan, sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng, nói: “Em chỉ biết Halloween là dịp để mọi người diện trang phục quái dị, để hù dọa nhau cho vui vẻ mà thôi”.
Nhóm sinh viên ĐH Công đoàn mà chúng tôi theo lên Hàng Mã mua đồ cũng vậy, năm nào cũng tham dự Vũ điệu ma quỷ tại công viên Hồ Tây nhưng hầu hết đều mù tịt về ý nghĩa nhân văn của nó.
Trao đổi với chúng tôi, sinh viên Dũng cho rằng: “Những ngày thường học hành rất căng thẳng, nên cứ có chương trình lễ hội nào dành cho giới trẻ là chúng em tham gia để xả stress. Halloween cũng vậy. Quan trọng là độc đáo, khác người để gây ấn tượng càng mạnh càng tốt, càng vui, thế là được”.
Phi Loan
Bình luận (0)