“4 quá” ở nhà thiếu nhi

30/08/2010 17:18 GMT+7

Hiện tại, hệ thống vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi của thủ đô đang trong tình trạng “4 quá”: quá thiếu, quá yếu, quá tải và quá đắt.

Đó là nhận xét của chị Dương Việt Hà - Phó chủ tịch Hội đồng Đội kiêm Phó giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội.

Thiếu trầm trọng

Theo thống kê mới nhất của ngành giáo dục, Hà Nội hiện có 775.566 học sinh từ lớp 1 - 9, chưa kể số trẻ trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo. Công tác tổ chức vui chơi sau giờ học, tăng cường thể chất, giáo dục kỹ năng sống là bài toán không dễ giải quyết trong điều kiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí của thủ đô còn yếu, thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu. 

Cụ thể kết quả khảo sát do Thành Đoàn Hà Nội thực hiện tháng 3.2010 cho thấy Hà Nội nằm trong số các địa phương có hệ thống thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi yếu nhất cả nước. Trong tổng số 29 quận, huyện trong phạm vi khảo sát, Hà Nội có duy nhất cung thiếu nhi cấp thành phố (Cung thiếu nhi Hà Nội - PV) được xây dựng cách đây hơn 50 năm và 4 nhà thiếu nhi cấp quận, huyện. Trong đó, Nhà thiếu nhi thị xã Sơn Tây “gánh” toàn bộ hoạt động vui chơi giải trí phục vụ trẻ em khu vực Sơn Tây và huyện Mê Linh. Còn nhiều huyện ngoại thành vẫn nằm trong “vùng trắng” về điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi.

Theo báo cáo của Ban Công tác thiếu nhi thuộc T.Ư Đoàn, tính đến tháng 7.2010, cả nước có 305 nhà thiếu nhi, trong đó có 1 trung tâm hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư, 58 nhà thiếu nhi cấp tỉnh, 249 nhà thiếu nhi cấp huyện. Ngoài ra còn có 12 trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, trung tâm hoạt động văn hóa thể thao. T.Ư Đoàn đang trực tiếp đầu tư, triển khai xây dựng 19 trung tâm hoạt động thanh thiếu niên.

Phó chủ tịch Hội đồng Đội kiêm Phó giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội Dương Việt Hà cho biết ngoại trừ hệ thống cơ sở vật chất được tiếp quản từ thời bao cấp, 15 năm qua, Hà Nội không có nhà thiếu nhi cấp huyện trở lên được đầu tư xây mới. “Số lượng điểm vui chơi ít, cơ sở vật chất xuống cấp, lỗi thời nhưng vẫn thu hút rất đông trẻ em sử dụng vì không còn chỗ nào tốt hơn. Dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ trẻ em do tư nhân đầu tư ngày càng nở rộ, đánh vào nhu cầu và thực trạng yếu kém tại các điểm vui chơi do Nhà nước quản lý nên giá vé không rẻ chút nào”, chị Hà giải thích.

Không chỉ có Cung thiếu nhi Hà Nội, với hệ thống cơ sở vật chất hiện tại, tình trạng quá tải còn phổ biến ở hầu hết các điểm vui chơi công lập tại thủ đô. Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Nhà văn hóa Q.Ba Đình - chị Lê Thị Khanh xác nhận: với 15 loại hình giáo dục kỹ năng, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao... như hiện nay, cơ sở của chị cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của thanh thiếu niên. Trong dịp cuối tuần và dịp hè, toàn bộ phòng ốc được sử dụng liên tục từ 6 giờ sáng đến 21 giờ cùng ngày mà vẫn không “tải” nổi nhu cầu.

Ngoại trừ hệ thống cơ sở vật chất được tiếp quản từ thời bao cấp, 15 năm qua, Hà Nội không có nhà thiếu nhi cấp huyện trở lên được đầu tư xây mới”. Chị Dương Việt Hà - Phó chủ tịch Hội đồng Đội kiêm Phó giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội

Mang tiếng ở giữa thủ đô...

Chiều chiều rảnh rỗi, chị Nguyễn Thị Liễu (nhà trong ngõ chợ Khâm Thiên) phải đi bộ cả cây số sang dãy nhà H1, khu tập thể Văn Chương để cho bé Bông - cô con gái chưa đầy 4 tuổi của mình - có chỗ nô đùa, chạy nhảy. Bởi quanh khu nhà chị Liễu hiện nay nhà cửa san sát, chợ họp kín mặt đường, chẳng còn khoảng trống để làm sân chơi cho trẻ nhỏ.

Trong khi sân chơi ở khu tập thể Văn Chương rộng hơn 200m, xen giữa là bức tường thấp, ngăn theo từng ô, có lắp đặt cầu trượt, đu quay, bập bênh... Trên mỗi món đồ chơi đều có trang trí nhân vật hoạt hình sinh động. Công trình do UBND phường Văn Chương đầu tư xây dựng ngót chục năm nay nhưng đồ chơi vẫn còn khá mới. Cách đó không xa, sân chơi ở dãy nhà E khang trang hơn, ngoài đồ chơi trẻ em còn có khu vực dành cho thanh niên lên xà, cử tạ. Ở khu Trung Tự, sân chơi cũng được lắp đặt các loại đồ chơi cơ bản, bao quanh sân có rào chắn bằng loại lưới mắt cáo để hạn chế tình trạng chiếm dụng làm nơi bày hàng, bán quán.

Khảo sát tại nhiều khu vực trong nội thành, PV Thanh Niên ghi nhận thực tế: một vài khu chung cư, tập thể cũ lại có nhiều khoảng trống, sân chơi hơn một số khu chung cư cao cấp, đô thị mới hình thành cách đây trên dưới chục năm. Chẳng hạn như khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính nổi tiếng với nhiều căn hộ hiện đại bậc nhất Hà thành, nhưng lại thiếu sân chơi cho trẻ em. Khoảng trống trước các tòa nhà đều được tận dụng làm bãi gửi ô tô hay cho thuê các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. “Mang tiếng ở giữa thủ đô mà con trẻ nhà chúng tôi lại quá thiệt thòi, chẳng biết chơi đâu nên suốt ngày ru rú trong nhà, không có chỗ vận động, thể trạng yếu hơn nhiều so với trẻ cùng độ tuổi ở nông thôn”, ông Trần Văn Lợi (ở khu nhà 1A, tổ 56 phường Trung Hòa) than phiền.

Còn tại khu Y Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, cả tòa nhà chung cư 17 tầng, bao quanh là hàng chục dãy nhà tập thể chung nhau sử dụng một sân bê tông áng chừng 100m2. Thời gian đầu mới san đổ nền, thanh thiếu niên thường xuyên chiếm làm sân bóng đá. Cực chẳng đã, người dân đồng loạt kiến nghị lên phường, xin phép đổ trụ bê tông chôn ngang mặt sân, giành lại sân chơi cho trẻ. “Có chỗ cho con trẻ vận động, hóng mát vào mùa hè là may rồi. Chúng tôi nào dám mơ đến chuyện được đầu tư thiết bị, đồ dùng cho bọn trẻ vui chơi”, bà Huyền (ở nhà dãy Y1) bày tỏ.

* "Đa số con em gia đình có mức sống khá trở lên mới có thể tham gia các lớp năng khiếu, các trò chơi dịch vụ. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ những hộ nghèo, ví dụ bằng thẻ miễn giảm cho các em khi tham gia trò chơi, những lớp năng khiếu...". (Bà TRẦN THỊ NGỌC ANH - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM)

* "Nếu không cân nhắc cẩn thận thì sẽ hạn chế quyền tiếp cận những dịch vụ công ích của trẻ em. Lúc đó, quyền được vui chơi giải trí chỉ dành cho những trẻ có điều kiện, còn những trẻ vùng sâu vùng xa, trẻ nghèo thì phải đứng ngoài lề". (Ông VŨ TUẤN MINH - cán bộ UNICEF tại Việt Nam)

*"Mỗi tháng, trung bình 2 - 3 lần tôi đưa con trai vào chơi ở Công viên Tao Đàn. Vào đây có cây xanh mát mẻ, chúng tôi luôn thấy thoải mái, hít thở không khí trong lành. Thỉnh thoảng, tôi cũng dẫn cháu đến một số trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi chơi, nhưng mỗi lần như vậy thường tốn khoảng 50 ngàn - 60 ngàn đồng để mua vé tham gia những trò chơi". (Ông LÊ THÀNH - ngụ P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM)

* "Tụi em rất thích nhào lộn và vượt chướng ngại vật. Không có sân chơi cho những môn mạo hiểm này, tụi em thường vào công viên và tận dụng những địa hình mấp mô để luyện tập. Người lớn hay phê phán đây là trò chơi nguy hiểm nên nếu tập trong nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa sẽ bị cấm. Thực ra, môn này rèn những kỹ năng hữu ích, đối phó trong tình huống nguy cấp như bị cướp giật, cháy nổ…". (PHẠM ĐỨC THẮNG - học sinh lớp 12, trường THPT Hoa Lư, Q.12, TP.HCM)

* "Sân chơi ở TP.HCM còn ít, thiếu đầu tư. Mỗi lần đi vào nhà thiếu nhi hoặc những trung tâm thấy phiền vì phải chờ đợi. Còn ở công viên cứ tiện đường là ghé vô, các bé lại được chơi miễn phí thỏa thích. Tôi thấy Công viên Tao Đàn như vậy là "ngon" rồi. Các bé được tiếp xúc với cát, làm quen các trò chơi như xích đu, cầu tuột, leo thang, leo dây…". (Chị TRẦN THỊ THÚY - ngụ P.4, Q.8, TP.HCM).

Như Lịch
(ghi)

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.