9X Sài Gòn giành giải Nhất cuộc thi tài năng Graffiti: Gia đình từng phản đối

Lê Nam
Lê Nam
27/05/2021 16:47 GMT+7

Từng bỏ ngành công nghệ sinh học để theo đuổi đam mê với nghệ graffiti, Lưu Đoàn Duy Linh lần đầu tiên ghi dấu ấn bản thân với tác phẩm giành giải Nhất cuộc thi thi tài năng Graffiti cho viện Pháp tổ chức.

Trong khuôn khổ cuộc thi tài năng graffiti được Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, tại vòng chung kết – trình diễn JAM, DAES - Lưu Đoàn Duy Linh (26 tuổi, ở TP.HCM) đã xuất sắc vượt 6 tài năng khác giành giải Nhất với tác phẩm theo chủ đề: "Hòa bình, Công bằng và Thể chế vững mạnh".
Lưu Đoàn Duy Linh biết đến graffiti lần đầu vào năm 2013. Graffiti đã nhanh chóng trở thành niềm đam mê lớn đối với anh, mặc dù lúc đó anh đang theo học ngành công nghệ sinh học. Năm 2017, sau một quá trình dài suy ngẫm, Linh quyết định theo học ngành thiết kế đồ họa. Là thành viên của nhóm “Graffiti Wallovers”, với tài năng và đam mê của mình, Linh quyết tâm theo đuổi con đường của mình trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại và thiết kế Art toys.

Quán quân cuộc thi tài năng graffiti trải lòng về nghề

Giải Nhất tài năng graffiti vẽ gì?

Nói về cảm xúc khi nhận được giải thương này, Linh tỏ ra bất ngờ: “Mình rất vui khi được giải nhất, từ xưa đến giờ đây là lần đầu tiên tham gia cuộc thi lớn, vô tình được thứ hạng cao”. Với chiến thắng này, Duy Linh sẽ có một chuyến lưu trú sáng tác tại Pháp (Lyon) trong vòng 15 ngày (dự kiến vào cuối năm nay) và tham gia liên hoan nghệ thuật đường phố vào tháng 11 tại TP.HCM.

Thông điệp mà 9X gửi gắm trong bài thi là về nữ thần công lý cầm cán cân, một bên là vũ khí, tiền bạc, một bên là tình yêu và lý trí, cán cân đó lúc nào cũng nghiêng về lý trí nhiều hơn.

Miêu trả về nội dung bức tranh, chàng nghệ sĩ trẻ nói: “Tổng thể bức tranh là hình ảnh nữ thần công lý với dải băng che mắt để phủ lấp đi những thị phi, phù phiếm khiến con người đấu đá, tranh giành. Cùng với cán cân nghiêng về cảm xúc và lý trí, bên còn lại là tiền và vũ khí, hay nói cách khác, tiền chính là vũ khí, là thứ châm ngòi, là ma lực, là đại diện của quyền lực và sức mạnh, thứ khiến cho con người u mê mà lao vào đấu đá lẫn nhau”.
“Hình ảnh những chiếc lông vũ là đại diện cho những chú chim bồ câu, thể hiện khát vọng hòa bình và hạnh phúc trong một thế giới dần bị tha hóa bởi đồng tiền. Chi tiết cán cân nghiêng về trái tim và bộ não thể hiện mong muốn về một thế giới tươi sáng, nơi mà công lý được xây dựng bằng sự thông minh, khôn khéo của khối óc và sự ấm áp, bao dung của con tim”. Tác phẩm sau khi hoàn thiện được trưng bày ngày trước tòa nhà Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, đã gây thích thú và bất ngờ cho rất nhiều người”, 9X nói thêm.

Tác phẩm đang được trưng bày trước tòa nhà Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM

Lê Nam

Với một đề tài khá khó mà ban tổ chức dành cho Linh. Theo Linh, kích thước tranh mà ban tổ chức đưa ra phù hợp để người vẽ thực hiện trong hai buổi. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất chính là việc rất nhiều khán giả đứng phía sau quan sát người vẽ thực hiện trực tiếp.

Mê vẽ tranh từ nhỏ nhưng không có điều kiện học

Mê vẽ tranh từ nhỏ nhưng học hết THPT, thi đỗ ngành công nghệ sinh học ở Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, 9X mới có nhiều thời gian để tìm hiểu về nghệ thuật graffiti và theo đuổi nó.
“Mình muốn thi mỹ thuật nhưng gia đình phản đối nên không có tiền để theo các lớp học vẽ. Vì vậy, sau khi học xong ngành công nghệ sinh học, mình quyết định rẽ hướng qua graffiti đến tận bây giờ”. Linh kể, lúc đầu chỉ đi vẽ cho vui, sau này có thể kiếm thu nhập từ những cái mình vẽ nên gia đình dần dần ủng hộ. “Hồi xưa mình cũng đấu tranh để đi vẽ nhiều hơn là học trên trường. Chắc đấu tranh giữ quá nên gia đình bảo: thôi cho nó đi vẽ luôn”, Linh cười.
“Hồi nhỏ mình có xem mấy bộ phim về hiphop, mình cũng thích vẽ, cũng tập từ từ, cũng có quen mấy người trong hội nhóm graffiti. Thi đại học xong mình tiếp cận nhiều hơn, mình gặp mọi người nhiều hơn, mình sẽ học hỏi, xem mọi người cách vẽ thế nào. Lần đầu tiên vẽ thì mình vẽ ở tường nhà mình, cứng tay rồi mới đi xin tường ở nhà dân, từ đó mới lên từ từ”, 9X chia sẻ.
Để vẽ được graffiti, người vẽ phải dành nhiều thời gian luyện tập và thực hành. “Tùy thuộc tần suất mình vẽ nhiều hay ít, ví dụ một năm mình vẽ ít cũng không bằng người ta 1-2 tháng vẽ nhiều”, Linh nói phải mất đến 2 năm mới có thể tự tin thực hiện các tác phẩm bên ngoài. “Mỗi lần vẽ như vậy mình quen được người bạn mới, bộ môn này tiếp cận cộng đồng, giúp mình gặp được nhiều người cùng chí hướng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới”, đó là lợi ích mà graffiti mang lại.

Dáng người nhỏ nhắn nhưng làm chủ không gian rộng lớn

Lê Nam

“Xin tường” là khái niệm mà dân vẽ graffiti thường nói với nhau khi muốn tìm kiếm không gian để thực hiện tác phẩm. “Lúc đầu tụi mình vẽ bản phác thảo trước, xong mình đi ngoài đường thấy cái tường nhà dân, mình tới hỏi con có thể vẽ hình này lên tường nhà cô để trang trí cho đẹp, thì không biết ý cô làm sao”, Linh kể khá may mắn khi nhiều lần xin được nhưng cũng không ít lần bị từ chối.

Từ đam mê đến nghề nghiệp

Hiện nay, graffiti không chỉ là đam mê mà còn trở thành một công việc đầy sáng tạo của Linh. Nhu cầu vẽ graffiti tại các không gian ngoài trời cho dự án cộng đồng, trang trí tường cho các quán cà phê… cũng ngày càng được ưa chuộng. Nhiều nhãn hàng dành cho giới trẻ cũng tìm tới các nghệ sĩ graffiti đường phố để truyền tải các thông điệp mà họ mong muốn thông qua các bức vẽ phá cách và đầy cảm hứng của người vẽ graffiti. Vì vậy, Linh và nhóm bạn có thêm nhiều động lực để theo đuổi công việc này.

Vẽ graffiti phải leo cầu thang, giàn giáo để thực hiện các tác phẩm kích thước lớn

Lê Nam

Tuy nhiên, Linh cũng thành thật đánh giá, vẽ graffiti không thể ổn định bằng các công việc khác vì còn tùy thuộc vào dự án và nhu cầu khách hàng. Thực tế cho thấy, những nghệ sĩ graffiti đều phải thêm một nghề tay trái mới có thu nhập ổn định. Hơn nữa, công việc này cũng đòi hỏi sức trẻ và sự dẻo dai khi làm nghề: “Không phải mình chỉ vẽ dưới thấp không còn phải leo giàn giáo, vẽ trên cao. Chưa kể lượng sơn phải hít vào mỗi ngày cũng hại sức khỏe. Dù có đồ bảo hộ, mặt nạ nhưng sau này, tầm 30-40 tuổi mà chèo giàn giáo cũng hơi khoai”, Linh nói, những ai thật sự đam mê với graffiti mới theo đuổi được công việc này.

Duy Linh thực hiện phác thảo ý tưởng trên máy tính trước khi thực hiện trên tường

Lê Nam

Vậy người vẽ graffiti sẽ làm gì khi đến tuổi… “nghỉ hưu”? – Linh trả lời: “Bản thân mình cũng có dự định làm một số ngành nghề liên quan đến thiết kế nhân vật, mình đang hướng về sản xuất Art toys (đồ chơi thiết kế, đồ chơi nghệ thuật)”.
Hiện nay, tài năng graffiti này và 3 người bạn đang ấp ủ thực hiện một triển lãm riêng với chủ đề “góc nhìn về Sài Gòn của người trẻ” tại một chung cư cũ ở đường Trần Hưng Đạo, Q.1. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạo nên thời gian triển khai chưa thể như kế hoạch dự kiến. Các thành viên vẫn đang miệt mài hoàn thiện tác phẩm và chờ ngày được ra mắt công chúng yêu nghệ thuật graffiti vào một dịp không xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.