Bài 2: Phủ sóng tổ chức Đoàn trong các khu công nghiệp: Làm được không?

23/10/2012 09:40 GMT+7

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang vận động doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập tổ chức Đoàn. Có nơi kêu “rất khó”, nhưng có nơi làm được và mang lại hiệu quả bất ngờ. Câu chuyện "phủ sóng" tổ chức Đoàn trong khu công nghiệp, đang đặt ra nhiều câu hỏi cho chính cán bộ Đoàn và các chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang vận động doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập tổ chức Đoàn. Có nơi kêu “rất khó”, nhưng có nơi làm được và mang lại hiệu quả bất ngờ. Câu chuyện "phủ sóng" tổ chức Đoàn trong khu công nghiệp, đang đặt ra nhiều câu hỏi cho chính cán bộ Đoàn và các chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

“Khó” và “cực kỳ khó”

Theo thống kê của Tỉnh Đoàn Hà Nam, hiện địa phương này có 212.000 thanh niên, chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay số thanh niên công nhân mà Đoàn tập hợp được rất ít. Toàn tỉnh Hà Nam có 58 cơ sở Đoàn trong các loại hình doanh nghiệp, với gần 4.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó chủ yếu là doanh nghiệp (DN) nhà nước và công ty cổ phần với 30 đơn vị và hơn 2.000 đoàn viên; DN tư nhân có 27 đơn vị với hơn 1.000 đoàn viên; chỉ duy nhất một đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức Đoàn với hơn 300 ĐVTN.

Phủ sóng tổ chức Đoàn trong các khu công nghiệp: Làm được không 
Chương trình văn nghệ của Cty Sơn Hà được ĐVTN và lãnh đạo Cty đánh giá cao.

Tại TPHCM, con số khả quan hơn khi có 230/1.324 DN có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức Đoàn. Nhưng chỉ có 5.000 đoàn viên/ 350.000 công nhân tại các nhà máy, DN thì quả là rất khiêm tốn.

Đồng Nai là “thủ phủ” của khu công nghiệp, tuy nhiên theo đại diện Tỉnh Đoàn Đồng Nai, để thành lập tổ chức Đoàn trong các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài là cực kỳ khó.

Trong nhiều năm qua, mặc dù cán bộ Đoàn các cấp rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác này song tính cho đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 102 DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức Đoàn với gần 4.300 đoàn viên.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TPHCM cho rằng, do chủ các DN hiện chưa có nhận thức đúng về tổ chức Đoàn nên việc thành lập là vô cùng khó.

Nhiều chủ DN quan niệm, đẻ ra một tổ chức thì phải có kinh phí để nuôi. Họ không nhận thức được, hoạt động Đoàn tại DN thực chất là bám sát nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Tổ chức Đoàn càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả thì lợi ích DN ngày càng nhiều, trong đó có lợi ích của người lao động và chủ DN.

Cùng quan điểm, ông Bùi Hồng Mai, Phó Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh chia sẻ, tại nhiều DN có tổ chức Đoàn, người lao động, đặc biệt là ĐVTN được nhiều lợi ích thiết thực.

Nhiều DN cùng với tổ chức Đoàn đã tổ chức được các cuộc thi tay nghề, các chương trình hỗ trợ học tập nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân, giáo dục về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động đối với DN, góp phần thúc đẩy các phong trào sản xuất, kinh doanh, giúp cho các DN tăng năng suất lao động… “Tuy nhiên, về những điều tích cực nêu trên thì không phải chủ DN nào cũng nhìn ra”, ông Mai nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại diện chủ DN tư nhân, ông Nguyễn Quốc Hán, Tổng giám đốc Công ty thương mại Quốc Anh, DN sử dụng hàng trăm công nhân để sản xuất nông sản xuất khẩu thì quan ngại, không phủ nhận về những lợi ích mà tổ chức Đoàn mang lại cho công nhân và DN. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, Đoàn vẫn còn mang bệnh hình thức và chưa sát thực tế.

Phủ sóng tổ chức Đoàn trong các khu công nghiệp: Làm được không 1
Thể thao của Cty Sơn Hà được ĐVTN và lãnh đạo Cty đánh giá cao. 

Làm được

Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động. Kèm theo đó là gần 1.000 DN ngoài quốc doanh với tổng số đoàn viên lên đến 8.500 và hơn 11.000 hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp.

Thành Đoàn Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các cấp bộ Đoàn cơ sở khảo sát và vận động DN thành lập tổ chức Đoàn. Thế nhưng, đến nay, mới có 27 DN ngoài quốc doanh thành lập tổ chức Đoàn và 10 DN thành lập tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên.

 

Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất cả Bắc lẫn Nam đều cho rằng, sở dĩ chúng ta kêu khó thành lập tổ chức Đoàn trong các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài là “người của Đoàn” chưa làm cho các ông chủ này hiểu về Đoàn. Không ít chủ DN mơ hồ, hoặc hiểu chưa đúng về hoạt động Đoàn. Họ cho rằng đẻ ra tổ chức Đoàn là phải nuôi, đôi khi sợ ảnh hưởng kinh doanh, mà không nghĩ rằng, có tổ chức Đoàn trong Cty đời sống tinh thần của công nhân sẽ nâng cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Cty sẽ được thúc đẩy đi lên bằng những sáng kiến từ ĐVTN. Cán bộ Đoàn nên có các cuộc gặp, tổ chức các hội nghị, hội thảo…, mời các chủ DN tham gia để họ hiểu hơn về tổ chức Đoàn.

Anh Nguyễn Sỹ Trường, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Thành Đoàn Hà Nội cho biết, năm tới, Đoàn sẽ vận động DN, làm sao để họ hiểu ra, khi đưa Đoàn vào DN, ngoài quyền lợi của thanh niên công nhân, chính Cty, đơn vị đó cũng hưởng lợi.

“Để thiết thực hơn, Thành Đoàn sẽ phân loại DN có khả thi thành lập và DN không khả thi để có biện pháp hỗ trợ”, anh Trường nói.

Vấn đề đặt ra ở đây, thành lập tổ chức Đoàn trong DN có khó không? Nhiều DN đã có tổ chức Đoàn Thanh niên hoạt động cho rằng không khó. Thậm chí, họ khẳng định Đoàn đã mang lại cho thanh niên, công nhân những lợi ích thiết thực.

Đoàn Thanh niên Cty Sơn Hà thành lập tháng 3-2012, đúng dịp sinh nhật Đoàn. Đoàn Thanh niên Cty ra mắt bằng một bữa tiệc văn nghệ sân khấu khiến hàng nghìn cán bộ, công nhân rất hào hứng.

Tiếp theo đó, là buổi khám, cấp phát thuốc miễn phí được tổ chức Đoàn phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội giúp hàng trăm lao động được hưởng thứ lợi ích từ trước đến nay chưa từng có.

Từ đó đến nay, Đoàn Thanh niên Cty liên tục tổ chức các hoạt động đem lại lợi ích, cổ vũ thanh niên như: Khám, phát thuốc cho công nhân, tổ chức giải bóng đá giữa các phân xưởng, thi văn hóa ứng xử công sở, hội trại, chương trình từ thiện…

Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang, Bí thư Đoàn Cty Sơn Hà thì vấn đề quan trọng nhất là Cty được sự quan tâm của ban lãnh đạo. Trước khi thành lập tổ chức Đoàn trong Cty, những người được chỉ định sẽ làm cán bộ Đoàn có tâm trạng khá lo lắng vì chưa có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, khi bắt tay chuẩn bị, mọi người lại được truyền cảm hứng bởi không khí Đoàn sôi nổi, các chương trình đều đem lại niềm vui, lợi ích cho cán bộ, công nhân nên ai cũng vui, thoải mái. Bây giờ, trong Cty, nhiều người đã nói, “may mắn từ khi có Đoàn”.

Nhờ có tổ chức Đoàn, các phong trào tiết kiệm, thi đua sản xuất, thi tìm hiểu và thực thi pháp luật… được đẩy mạnh trong Cty, đem lại lợi ích không nhỏ cho DN.

Anh Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty Sơn Hà cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, DN gặp nhiều khó khăn thật sự nhưng để thành lập tổ chức Đoàn trong Cty là không quá khó.

Nhiều DN quan ngại phần kinh phí hoạt động, nhưng ngoài phần kinh phí cơ bản từ Cty cấp, lãnh đạo Cty biết khơi gợi, giao việc cho Đoàn Thanh niên tự đảm nhận các công trình, phần việc khó, trích tiền thưởng công trình tập thể để tạo quỹ thì không có vấn đề gì đáng ngại.

Theo Quỳnh Lam - Nguyễn Hà / Tiền Phong

>> Ở những nơi thiếu vắng tổ chức Đoàn - Bài 1: "Cuộc sống đâu chỉ có cơm ăn và áo mặc"...
>> Tổ chức Đoàn phải kiên trì, sáng tạo
>> Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn
>> Rèn luyện đoàn viên là vấn đề sống còn của tổ chức Đoàn
>> Hoạt động của tổ chức Đoàn ngày càng đổi mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.