Bến đậu của những mối tình

13/09/2013 03:20 GMT+7

'Chúng tôi yêu nhau đã lâu, nhưng không có điều kiện tổ chức cưới hỏi. May mà có đám cưới tập thể'. Đó là lý do thường thấy nhất trong số 100 cặp tham gia lễ cưới tập thể 2013.

Từ muôn nẻo khác nhau, các đôi lứa tham gia đám cưới tập thể cùng chung một con đường - d
Từ muôn nẻo khác nhau, các đôi lứa tham gia đám cưới tập thể cùng chung một con đường
- Ảnh: Như Lịch
 

Không còn 'dài cổ' chờ đám cưới

Là đôi cô dâu - chú rể lớn tuổi nhất trong lễ cưới tập thể diễn ra vào đầu tháng 9, song chị Trần Thị Xuân Trang (39 tuổi, giáo viên tiểu học một trường ngoại thành TP.HCM) và anh Huỳnh Minh Nhanh (36 tuổi, thợ hàn) vẫn năng động, hào hứng không kém những đôi lứa khác. Chị Xuân Trang nhớ lại: 'Chúng tôi đã có một đám cưới chung thật tuyệt vời, nhất là cảnh rước dâu bằng xe đạp qua nhiều cây số. Tâm trạng khi ấy rất thoải mái, hòa đồng'.

Chị Trang cho hay, anh chị quen nhau hơn 2 năm nay. Biết mình khá lớn tuổi, tình cảm cũng đã chín muồi, rất muốn đến với nhau bằng một đám cưới, ngặt nỗi gia cảnh hai bên đều khó khăn nên ngày vui đó cứ trì hoãn dần. Đầu tháng 5.2013, chị Xuân Trang tình cờ đọc được bản tin về lễ cưới tập thể trên báo và họ là cặp đầu tiên đăng ký tham gia sự kiện này.

Tương tự, anh Bùi Công Đạt (28 tuổi, quê Hà Tĩnh, nhân viên Trạm y tế Krông Năng - Đắk Lắk) và chị Vi Thị Quyên (23 tuổi, quê Nghệ An, công nhân may tại Bình Dương) yêu nhau đã 4 năm nhưng chưa biết bao giờ mới có ngày thành hôn. “Phép màu” đã đến khi chị Quyên nghe trên đài thông tin về đám cưới tập thể chỉ tốn 1 triệu đồng/cặp và được hỗ trợ tất cả chi phí cho những đôi khó khăn. Không chỉ gọi điện giải thích, chị Quyên còn đưa những bài viết liên quan trên mạng để anh Đạt tìm hiểu thêm. Thế nhưng họ cũng lo lắng liệu Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (Ban tổ chức lễ cưới tập thể) có chấp nhận cho những người thu nhập thấp ở ngoại tỉnh? “Nếu không có đám cưới này, cuộc tình tụi em có thể sẽ rất mong manh”, Vi Thị Quyên nói.

Giữ gìn hạnh phúc

Trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, các cô dâu - chú rể có một ngày tìm hiểu về kỹ năng “Xây dựng gia đình hạnh phúc”. Theo nhiều đôi, những trò chơi đầy ý nghĩa kèm theo lời giảng trong ngày huấn luyện vẫn khắc sâu trong tâm trí của họ.

Đơn giản nhất mà cũng ấn tượng nhất có lẽ là trò chơi bịt mắt tìm nhau. Đầu tiên, các cặp bị tách rời ra. Sau đó, với nỗ lực tối đa, bất chấp những trở ngại và bóng tối, rốt cục họ đã tìm được nhau. “Thông qua trò chơi đó, mình và người ấy hiểu nhau hơn. Mặt khác, tụi mình có dịp trải nghiệm thử thách và thấy tự tin hơn, biết quý trọng hơn tình cảm đang có”, một chú rể nhận xét.

Chị Nguyễn Thị Mẫn, cô dâu trẻ tuổi nhất (18 tuổi), hồn nhiên kể: “Do quá thích thú với lễ cưới tập thể nên mới đây vợ chồng em lại bảo nhau: “Ước chi hôm nay là ngày người ta tổng duyệt chương trình. Tụi em sẽ sang lại cuộn băng quay ngày cưới để gia đình, họ hàng hai bên ở xa đều xem được”. Mẫn cho hay, vợ chồng đều làm công nhân may với tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, vì vậy luôn nhắc nhau chi tiêu tiết kiệm để có thể giữ gìn tổ ấm lâu dài.

Đã có 322 đôi cưới tập thể

Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM đã tổ chức lễ cưới tập thể cho 322 đôi công nhân và người lao động có thu nhập thấp tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác. 

Dự kiến ngày 28.9 là 'ngày trăng mật' của các đôi tham gia lễ cưới tập thể 2013, nhằm tạo điều kiện cho họ có một ngày vui chơi, giao lưu, đồng thời cũng là dịp bổ sung kiến thức hôn nhân, gia đình; kỹ năng duy trì hạnh phúc lứa đôi.

Nguyễn Như

>> Đám cưới tập thể 100 đôi công nhân với áo dài, khăn đóng
>> Đám cưới tập thể 100 đôi công nhân
>> Video clip: 10 cặp đồng tính tổ chức "đám cưới tập thể
>> 10 cặp đồng tính tổ chức "đám cưới" tập thể ở Hà Nội
>> Tổ chức đám cưới tập thể cho người khuyết tật
>> Tổ chức đám cưới tập thể cho 12 cặp công nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.