'Bệnh' đổ thừa

05/04/2014 09:15 GMT+7

Dù biết là thói quen không tốt nhưng nhiều người trẻ vẫn cứ đổ thừa, quy lỗi thường xuyên.

Loại bỏ thói quen trốn tránh không dám đối diện những cái xấu, cái dở của bản thân
Loại bỏ thói quen trốn tránh không dám đối diện những cái xấu, cái dở của bản thân
- Ảnh: Shutterstock 

“Thủ sẵn” lý do chính đáng Kim Oanh, học sinh (HS) Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai, cho biết trong giờ trả bài kiểm tra môn văn, giáo viên nhận xét bài văn của một HS đã sao chép câu chữ từ một bài viết trên mạng vì có nhiều đoạn y hệt. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận, HS này lại bảo rằng “không biết, chắc là vô tình giống nhau”. Đây chỉ là một trong rất nhiều phản ánh về thực trạng hay đổ lỗi khi sai phạm, thất bại, hoặc không hoàn thành đúng lời hứa của giới trẻ hiện nay.

“Lớp mình có người được thầy cô gọi là chuyên gia đi học trễ, nhưng lúc nào cũng có lý do chính đáng.

Lúc bị bể bánh, xe bị trật xích vì kẹt xe, dù sự thật được kể là… do ngủ quên, dậy trễ”, Văn Toàn, HS Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM, kể lại. Hoàng Khoa, HS Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM), nhìn nhận thường mỗi khi không thuộc bài, chưa làm bài tập về nhà theo yêu cầu của giáo viên, HS chẳng bao giờ dám nhận trách nhiệm, thẳng thắn thừa nhận, xin lỗi giáo viên mà “thủ sẵn” một vài lý do để đổ lỗi như: nhà cúp điện, bệnh đột xuất... Chẳng riêng giới HS mà nhiều sinh viên (SV), những người đã đi làm, cũng là “nhân vật chính” của câu chuyện này. Thói quen phổ biến đến mức khi được đề cập đến, hầu hết ý kiến cho biết đều đã từng viện cớ để đổ lỗi cho người khác, cho các điều kiện bên ngoài khi mắc lỗi.

Hay câu chuyện đi tìm việc của  những cử nhân, kỹ sư trẻ cũng là minh chứng rõ nét của khuynh hướng tìm cách đổ thừa. “Từng tiếp xúc, phỏng vấn nhiều SV vừa ra trường, mình thấy họ bị đánh rớt vì thiếu nhiều kỹ năng, vì khả năng không đáp ứng được yêu cầu của công ty. Lẽ ra nên thừa nhận để sửa đổi, rèn luyện thêm thì họ ta thán vì đời quá đen, thậm chí bảo công ty khắt khe, rồi chỉ trích người phỏng vấn không có trình độ, năng lực”, Minh Hoàng, phụ trách phòng nhân sự một công ty ở Q.1, TP.HCM, nói.

Chữa bằng cách nào ?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, cho rằng đây chính là “bệnh” phổ biến ở giới trẻ hiện nay. “Khi phạm một lỗi hay sai sót là họ có xu hướng đẩy trách nhiệm cho một nhân tố hoặc yếu tố nào đó mà không phải là bản thân”, ông Duy nói. Thạc sĩ tâm lý học Ngô Toàn, Trung tâm Phúc Tuệ (thuộc Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội), cũng thẳng thắn: “Đổ tội, vấy lỗi trước thất bại là biểu hiện tính cách của một số người, đáng lưu tâm là nó đã và đang không ngừng gia tăng mức độ để biến chuyển thành vô vàn chiêu trò và chiến thuật tinh vi. Có thể thấy ở nhiều dạng như: chỉ trích, cáo buộc, hối tiếc, tội lỗi, bó tay, trừng phạt và tức giận”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “bệnh” này. Theo ông Duy, đó là họ lựa chọn phong cách sống “tốt khoe xấu che” để giữ lấy danh dự, đã khiến hình thành thói quen trốn tránh không dám đối diện những cái xấu, cái dở của bản thân.

Theo các chuyên gia, cứ tìm cách đổ thừa, đổ lỗi như vậy chắc chắn sẽ gặp nhiều phiền toái, hệ lụy.

“Bất kỳ hoàn cảnh nào cũng thoái thác trách nhiệm thì rất khó có ý thức cho sự lựa chọn khôn ngoan trong cách đáp ứng với mọi tình huống, thất bại. Nếu cứ bào chữa, biện hộ để đổ lỗi, quy tội thì càng khó giải quyết được vấn đề và thành tựu như ý.

Khi đó sẽ không thể nhìn ra những hạn chế của bản thân nên khó để phát triển và hoàn thiện nhân cách”, ông Toàn nói. Ông Duy thì bảo “bệnh” có tên ngồ ngộ này nhưng hậu quả không ngộ. Nếu cứ tái diễn thường xuyên sẽ hình thành lối sống vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Ông Duy cũng cho rằng xã hội cần phải xóa “bệnh thành tích” một cách triệt để. Phụ huynh, giáo viên cần phải làm gương, khi có sai, có dở thì phải nhận sai, nhận dở. Bên cạnh đó, phải biết khen những ai trung thực, nhận lỗi để khuyến khích bạn trẻ dám đối diện với lỗi lầm của chính mình mà không đổ thừa. Chia sẻ với những ai mắc phải “bệnh” này, ông Duy cho rằng nên nhìn lại bản thân. “Ai cũng có sai lầm và không sai lầm nào được giải quyết nếu chúng ta trốn tránh. Vì có trốn thì có đuổi, mà có đuổi thì chạy, mà chạy luẩn quẩn hoài thì mệt lắm. Thế nên hãy dừng lại đối diện và vượt qua. Một người thành công không phải là một người bất bại mà là một người khi thất bại biết đứng lên và bước tiếp chứ không phải là đổ thừa tại…”, ông Duy nói.

Bình luận:

“Khi thất bại, mình rất hay đổ thừa cho hoàn cảnh, rằng mình có thể làm tốt hơn cả thế, chỉ do chưa may mắn thôi. Vì thế, mình đang tập thay đổi thói quen xấu này”.

Nguyễn Quỳnh Như
(lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Vũng Tàu)

“Đổ lỗi hoàn cảnh sẽ tạo thói quen ngụy tạo lý do và trốn tránh sự thật. Vì thế dám chấp nhận sự thật để trưởng thành hơn”.

Huỳnh Minh Hiển
(sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng)

“Hãy coi thất bại là tiền đề để thành công. Nếu cứ đổ lỗi thì không bao giờ có được điều đó. Đây là bệnh xấu, cần phải chữa gấp”.

Trần Văn Sang
(Trường THPT Trưng Vương TP.HCM)

Nhật Hạ - Trâm Anh 

 >> Công an và bệnh viện đổ thừa qua lại
 >> Đừng đổ thừa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.