Bí quyết có vườn nông sản trĩu quả của bà mẹ bốn con

Tấn Đạt
Tấn Đạt
16/05/2021 18:10 GMT+7

Với diện tích chỉ 10 mét vuông nhưng bà mẹ bốn con này đã trồng được một khu vườn với nhiều loại nông sản trĩu quả khiến ai cũng thích thú.

Tất bật với công việc, phải chăm sóc gia đình và 4 đứa con nhỏ nhưng chị Nguyễn Thị Luyện, 35 tuổi ngụ Q.12, TP.HCM, vẫn không ngừng dành tình yêu thương của mình cho khu vườn trên sân thượng.

Nơi để giảm "stress", căng thẳng trong cuộc sống 

Để đến khu vườn của chị Nguyễn Thị Luyện, chúng tôi phải leo 4 lầu và một chiếc cầu thang nhỏ khá nguy hiểm.

Khi được hỏi về vườn nông sản của mình, chị Luyện thể hiện niềm vui, sự thích thú qua ánh mắt như biết cười. Chị kể câu chuyện bắt đầu vào đầu năm 2019, chị cùng chồng chuyển nhà đến Q.12, TP.HCM. Thời điểm này chị mang bầu đứa thứ 3, dù thai nhi đã là tới tháng thứ 7 nhưng chị vẫn khiêng chậu cây, những cục đất nhỏ từ dưới nhà lên sân thượng (lầu 5) để làm vườn rau thủy canh.

Sau 4 lầu, chúng tôi phải leo lên một chiếc cầu thang nhỏ mới lên được khu vườn của chị Luyện

Ảnh: Tấn Đạt

 

Dưa lưới ML38

Ảnh: Tấn Đạt

Dưa loại Hami 04  trĩu quả

Ảnh: Tấn Đạt

 “Về đây thấy cái vườn của chủ nhà cũ thích quá nên mình muốn làm nông. Thế là mình mua đất, giàn rau thủy canh đem lên đây, lắp ráp và cải tạo lại trồng. Lúc đó phụ huynh và ông xã la quá trời nhưng mình nghĩ  cần có thực phẩm sạch cho gia đình ăn với lại bầu bì đi chợ nóng nực, khó chịu lắm nên mới làm  vườn rau tại nhà”
 

Vườn nông sản rộng 10 mét vuông

Trái chật kín khu vườn

Ảnh: Tấn Đạt

Sau khi sinh đứa bé thứ 4 vào giữa năm 2020, đến cuối năm này chị Luyện làm lại khu vườn 10 mét vuông trên sân thượng đã trồng rau trước đó. Chị và chồng đã tạo giàn leo mới, rồi mua các loại hạt như dưa gang, dưa lưới… về trồng. Chỉ sau gần 5 tháng, cây  đã say trái. Hiện tại vườn có hơn 50 gốc cây dưa các loại và cho hơn 100 trái.

Con trai lớn 7 tuổi của chị Luyện lên thăm vườn

Ảnh: Tấn Đạt

Nguồn thực phẩm sạch cho gia đình

Ảnh: Tấn Đạt

Với người phụ nữ 35 tuổi này, khu vườn tại gia không chỉ là nơi cung cấp nguồn nông sản sạch cho mọi người trong nhà mà còn là nơi để chị giảm "stress", căng thẳng trong cuộc sống. “Phải chăm sóc và lo đủ thứ cho 4 đứa nhỏ từ việc ăn uống, đi học, sinh hoạt nhưng mỗi khi lên đây nhìn khu vườn, hòa mình vào thiên nhiên, bản thân cảm thấy “nhẹ” lại, thoải mái hơn rất nhiều. Đặc biệt là thoả mãn niềm đam mê trồng trọt, nấu ăn. Mình tin rằng đây sẽ là nơi tạo ra nhiều bài học quý giá về thiên nhiên cho các con, khi chúng lớn hơn chút nữa”.

Chị Luyện cho biết  khi lên khu vườn chi hòa mình vào thiên nhiên, cảm thấy “nhẹ” lại, thoải mái hơn

Chị Luyện tâm sự: “Nhìn cái vườn mà nhớ lại tuổi thơ lắm. Mình ở Quảng Nam, nhà hồi đó nghèo phải đi theo mẹ từ nhỏ để trồng lúa, cuốc đất, đào khoai. Những hình ảnh làm nông đã in hằn trong tâm trí của mình. Đẹp và trân quý chúng vô cùng. Đến năm 13 tuổi cả nhà phải vào TP.HCM lập nghiệp, mãi đến năm 2020 mới được cảm nhận lại được công việc đẹp đẽ mà tuổi thơ đã từng”.

Nhìn vườn mà nhớ lại tuổi thơ 

Ảnh: Tấn Đạt

Video vườn nông sản trĩu quả

10 giờ tối lọ mọ chạy lên thăm khu vườn

Nhìn những trái dưa dưới căng mọng, to tướng, sà xuống đất, ít ai biết rằng người phụ nữ 4 con này đã phải “thức khuya, dậy sớm” để chăm sóc vườn kỹ lưỡng và bài bản như thế nào.

“Sau khi đưa hai đứa lớn đi học, mình lật đật cho hai đứa nhỏ ăn và tranh thủ chạy lên thăm khu vườn, bắt sâu. Chiều chồng đi làm về nhờ trông con phụ là chạy  lên xem tình hình ra sao. Đêm khi con ngủ hết, tầm 10 giờ tối lọ mọ chạy lên thăm khu vườn, xem có bị sâu bệnh hay không và phải xử lý kịp thời,”, chị Luyện kể.

 

 

Ngoài ra chị còn trồng khổ qua

Cà chua

Dùng sữa tươi để chăm bón dưa lưới

Ngoài có hệ thống tưới nước tự động, chị Luyện còn ủ phân đạm cá (cá đồng cùng men vi sinh nông nghiệp, sau 1 tháng sẽ ra thành phẩm) và tạo phân từ chuối rục, trứng gà, sữa đặc rồi ủ thêm rác nhà bếp để bón cho cây hoặc dùng xơ dừa khi thiếu đất… để giúp khu vườn tươi tốt hơn.
“Chuối rục, trứng, sữa mình hòa nhau, trộn thêm men vi sinh nông nghiệp, ủ trong 1 tháng lên men tạo thành 1 hỗn hợp đồng nhất vàng sệt. Khi sử dụng, mình chỉ cần dùng một lượng nhỏ chừng 1 nắp chai pha chung với 10 lít nước là ổn. Nên sử dụng hỗn hợp này khi cây đã đậu trái,  giúp trái có vị ngọt hơn”, chị Luyện nói.
Chị Luyện còn chia sẻ giá thể trồng dưa lưới tại vườn chị chủ yếu là sơ dừa và đất trộn với phân hữu cơ. Khoảng 30% là đất, 70% sơ dừa, tro trấu, phân hữu cơ. Bên cạnh đó, chị Luyện còn bật mí việc giúp giàn dưa lưới ngọt, thanh hơn chị còn dùng sữa tươi để chăm bón. “Hồi đó, lúc sinh đứa thứ 3 sữa mình nhiều lắm, phải hút ra trữ đông. Khi nào con dùng không hết trong bình, còn cặn thì mình đổ và trộn với nước tưới vào gốc cây rau. Đến giờ thì hay dùng sữa hộp còn thừa để tưới hoặc sữa tươi, nước cơm, vo gạo còn dư”, chỉ Luyện nói.

Chị Luyện và 4 đứa con: 3 trai 1 gái

Ảnh: Tấn Đạt

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.