Bí quyết thuyết phục nhà tài trợ chi tiền giúp bạn tạo quỹ

02/08/2016 11:35 GMT+7

'Cần phải dốc hết trái tim của mình ra, càng làm thì càng có nhiều người theo và họ sẽ đóng góp cho mình', Chủ nhiệm tổ chức tình nguyện Y Tâm chia sẻ.

'Làm sao để thuyết phục nhà tài trợ tin tưởng để tài trợ cho mình?', 'Làm gì để cân bằng giữa công việc tình nguyện và công việc chính?'… Đó là những vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm, chia sẻ trong tọa đàm “Từ thiện, tình nguyện, công tác xã hội – Câu chuyện từ những người trong cuộc” diễn ra vào cuối tháng 7 tại TP.HCM vừa qua.
Dốc hết trái tim của mình ra…
Chị Đào Thị Minh Lệ (còn được biết đến với cái tên Nguyệt Đình Khôi), Chủ nhiệm tổ chức tình nguyện Y Tâm, nhìn nhận: “Thời gian đầu đi xin tài trợ và để những người khác tin mình là rất khó. Trước đây, mình viết nhiều bài thực tế, cảm động về những hoàn cảnh bất hạnh và có nhiều người tin tưởng nhưng vẫn chưa đủ để họ cho tiền. Sau đó, mình lập thành một nhóm nhỏ, cùng bỏ tiền túi ra để đến bệnh viện trao tiền. Rồi mình nghĩ đến ý tưởng gây quỹ bằng cách ôm thùng ra chợ để xin tiền cho trẻ ung thư. Mình cập nhật tất cả những thông tin đóng góp nên ngày càng có nhiều người tham gia”.
Chị Lệ nhấn mạnh: “Cần phải dốc hết trái tim của mình ra, càng làm thì càng có nhiều người theo và họ sẽ đóng góp cho mình”.
Nguyễn Thùy Dương, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM đặt câu hỏi: “Có phải những người làm từ thiện gieo vào suy nghĩ người dân là đem đến cái gì cho họ, chứ không phải là để phát triển cộng đồng?” Ảnh: Như Lịch
Anh Lê Trương Thanh Tiến, phụ trách Hội từ thiện Trái tim yêu thương, chia sẻ: “Ban đầu quyên góp từ thành viên trong nhóm, sau đó lan ra bằng cách mỗi người vận động thêm một người bạn mới. Nhóm còn có những cách gây quỹ khác như đi bán báo ở công viên, lúc đầu chỉ bán được 100 tờ nhưng đến tuần thứ 3 là bán được 2.000 tờ báo. Nhóm còn tận dụng truyền thông Facebook và các mối quan hệ cá nhân để thu hút nhà tài trợ đến với mình. Sau mỗi chương trình diễn ra, tụi mình đều gửi báo cáo tổng kết cho họ”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nữ, sáng lập Tủ sách Ước mơ, cho rằng: Lập một tổ chức xã hội cũng giống như khởi nghiệp một công ty, phải bắt đầu từ chính đam mê và niềm tin của chính mình, sau đó lan tỏa ra người thân, bạn bè, những người xung quanh...
“Yêu cầu để xây dựng niềm tin này là phải minh bạch, rõ ràng và hiệu quả, đồng tiền phải được sử dụng tối ưu nhất. Không có tổ chức nào hiệu quả ngay từ đầu, nhưng mình phải cố gắng hoàn thiện liên tục để làm tốt hơn”, chị Nữ nói.
Không thể cứ mãi “có gì cho nấy”
Một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Làm thế nào để cân bằng giữa công việc tình nguyện và công việc chính?”. Anh Lê Trương Thanh Tiến thừa nhận: “Đây là vấn đề nhức nhối. Riêng đối với mình, mình làm rất nhiều việc và thời gian khá linh động. Mình tìm những công việc bán thời gian, kết nối với các công ty dịch vụ để có đủ chi phí cuộc sống”.
Một cách gây quỹ bằng nuôi heo đất của nhóm Những ước mơ xanh Ảnh: Như Lịch
Chị Nguyễn Thị Nữ thì chia sẻ: “Mình luôn tạo sự quân bình, sắp xếp thời gian nào dành cho công ty, lúc nào cho tình nguyện. Mình cam kết tập trung hoàn toàn và không lẫn lộn việc này việc kia. Đôi khi quá bận việc ở công ty thì mình nhờ các bạn khác hỗ trợ cho mình”.
Đề cập nguyên do chuyển từ công việc thiện nguyện sang công tác xã hội, chị Đào Thị Minh Lệ tâm tình: “Ba năm trước, tụi mình vẫn làm từ thiện theo cách của mình. Chẳng hạn mình có cái áo, mình cứ mang đi cho thôi, ai mặc thì tùy chứ không quan tâm đến nhu cầu của họ".
"Sau một thời gian dài chuyên đi phát quà từ thiện, phát cơm, phát tiền, mình cảm thấy rất mệt mỏi, rất áp lực vì không thể giúp họ phát triển. Chính người dân ở một số nơi tụi mình đến nói rằng họ cần cây cầu hơn là cho gạo vì hàng ngày con cái họ phải qua sông đi học. Từ đó, tụi mình hiểu rằng việc cho người ta cần câu quan trọng hơn rất nhiều so với cho con cá”, chị Lệ đúc kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.