Biến phế phẩm thành giải thưởng

17/09/2009 17:25 GMT+7

Từ những vật liệu phế phẩm như săm xe đạp, chai lọ... hai học sinh của trường THPT Nguyễn Huệ (Huế) là Hoàng Hữu Phước (lớp 11B3) và Phan Ái Ngọc (lớp 11B5) đã giành giải nhì cuộc thi Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Cuộc thi do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GD-ĐT, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cùng Đại sứ quán Thụy Điển tại VN phối hợp tổ chức.

Từ ý tưởng...

Trước thực trạng người sử dụng nước thường thiếu ý thức trong việc tiết kiệm nước, một số trường hợp khi dùng nước xong lại không khóa máy, gây lãng phí không chỉ về tài chính mà cả về nước sạch ở một số nơi công cộng như: công viên, trường học, công sở... Hoàng Hữu Phước và Phan Ái Ngọc đã cùng nhau tìm cách để tiết kiệm nước. Cả hai từng ngồi hàng giờ trong bụi cây quan sát việc sử dụng nước của người dân ở bể nước công cộng để rồi cùng đưa ra đề xuất "sử dụng phế liệu để thực hiện tiết kiệm nước ở gia đình và nơi công cộng".

Nhóm tác giả đã đưa ra 3 phương án tiết kiệm nước như sử dụng săm xe đạp cũ “cải tạo” vòi nước thông dụng trở thành vòi nước tự khóa; sử dụng mùn cưa và thảm mục làm giảm lượng hơi nước bốc hơi ở vườn ươm cây, chậu cây; dùng chai nhựa phế thải tiết kiệm nước ở bồn cầu.

Phương án sử dụng săm xe đạp cũ “cải tạo” vòi nước thông dụng trở thành vòi nước tự khóa được Phước và Ngọc thực hiện khá đơn giản, bao gồm một cái nút dính gương (hoặc đinh), một đoạn dây cao su dài 20 cm, rộng 2m. Qua những thao tác như cố định sợi dây vào giữa cần gạt; luồng vòng dây xuống vòi nước; cố định vòng dây với vòi nước; sau đó vặn thử; kiểm tra, thấy vòi nước trở về lại vị trí ban đầu, Phước và Ngọc đã giúp tiết kiệm được nguồn nước tại những nơi công cộng. Cách tiết kiệm nước này hầu như áp dụng được với tất cả các loại vòi nước như: vòi vặn núm tròn, vòi cần gạt lên, vòi cần gạt ngang... Ưu điểm của phương pháp này có giá thành rẻ, tận dụng được phế vật liệu, có tính ứng dụng cao, thích hợp với mọi nơi đang dùng vòi nước cũ mà không cần thay thế; tính tiết kiệm nước không thua kém gì các loại vòi tự khóa hiện đại; độ bền cao, thời gian sử dụng lâu dài.

Đặt ra vấn đề có cách nào để giảm tối thiểu lượng hơi nước bốc hơi ở một số vườn ươm cây, nhóm tác giả đã đưa ra tính toán: Trung bình mỗi cây con cần từ 0,25 lít - 0,5 lít nước mỗi ngày, nhưng số lượng chậu cây là rất lớn - từ 2.500 - 5.000 cây/vườn nên cả vườn ươm cần đến 625m3  - 2.500m3 nước/ngày. Độ bốc hơi nước phụ thuộc vào gió, nhiệt độ và diện tích mặt thoáng, lượng nước được tưới chưa kịp thấm xuống lớp đất sâu đã bị bay hơi. Còn nếu có lượng nước dự trữ ở lớp đất dưới, thì vốn ở giữa các hạt đất có các vách hẹp, khe hẹp nên luôn có lực mao dẫn ngược với trọng lực đưa nước lên phía trên bề mặt tiếp xúc. Nước bốc hơi lại tạo nên lực kéo các phân tử nước ở lớp đất sâu lên lớp đất phía trên. Kết quả thì lượng nước cây cần thì thiếu trong khi lượng nước bốc hơi lại vô ích nhưng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong toàn bộ lượng nước tưới cây.

 
Bằng những vật liệu đơn giản đã giúp các vòi nước công cộng tiết kiệm được một lượng nước khá lớn - Ảnh: M.P

Khác với cách trồng thông thường chỉ trồng bằng đất, nhóm tác giả đã làm thí nghiệm bằng cách đổ trước một lớp thảm mục ở dưới đáy chậu (chiếm 1/5 chiều cao của chậu); sau đó đổ tiếp đất vào (chiếm 3/5 chậu) và lớp đất này được xới thưa, rồi phủ lên một lớp mùn cưa dày 1/5 chậu. Kết quả: Lớp mùn cưa có tác dụng giảm nhiệt truyền từ môi trường bên ngoài và ngăn cản lượng hơi nước từ bên trong chậu bay hơi ra. Lớp đất xới thưa: có nhiệm vụ cắt đứt lực mao dẫn từ lớp đất phía dưới thẩm thấu lên trên; ngăn chặn sự bốc hơi nước. Thảm mục: có nhiệm vụ giữ lại lượng nước ở dưới đáy chậu nhưng không làm rễ cây bị úng do còn chứa các khoảng nhỏ li ti cung cấp đủ không khí cho rễ.

...Đến những con số hấp dẫn

Nơi thí nghiệm đầu tiên của phương pháp này chính là cơ sở sản xuất bánh kẹo Phước Hưng (9/56 Thái Phiên, TP Huế). Kết quả thí nghiệm cho thấy, do đặc điểm là nghề sản xuất thực phẩm, nên lượng nước ở đây sử dụng khá nhiều; mặt khác, số nhân viên trong xí nghiệp đông nên lượng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của xí nghiệp là rất lớn, trung bình 50m3/ngày. Nhưng thực tế, việc sản xuất và sinh hoạt cần thiết chỉ là 32m3/ngày còn 18m3/ngày là lượng nước mà một số nhân viên thiếu ý thức không khóa máy sau khi sử dụng (540m3/tháng). Tại một số nơi khác như: trường học, công viên, quảng trường Ngọ Môn... đều thu được kết quả tiết kiệm nước khả quan.

Thí nghiệm với mùn cưa hoặc thảm mục đối với 10 cây bạch đàn, nhóm tác giả đã thu được những kết quả đáng kể. Kết quả là sau ngày thứ 15 kể từ ngày gieo hạt (đơn cử một ngày ngẫu nhiên làm nhiệm vụ) thì lượng nước cần cho 10 chậu cây không dùng phương pháp là 5 lít và cây sử dụng phương pháp này 3,1 lít. “Tổng cộng trong vòng 1 năm, 10 cây bạch đàn không sử dụng phương pháp đã tiêu thụ 1.925 lít nước trong khi 10 cây bạch đàn sử dụng phương pháp chỉ dùng 1.135 lít nước. Vậy chỉ 10 cây bạch đàn, nếu chỉ sử dụng phương pháp của đề án đã tiết kiệm được 790 lít nước. Trong khi một vườn ươm có khoảng 5.000 cây thì tiết kiệm được 395.000 lít/nước”, nhóm tác giả cho biết...

Khi nói về bản thân mình, cả Phước và Ngọc đều rất kiệm lời, không muốn “bật mí” gì nhiều. Cả hai cho biết đã lên hẳn một kế hoạch học tập cho năm học cuối cấp này. Mặc dù bố mẹ đều theo nghề sư phạm, nhưng Ngọc lại dự định sẽ thi vào kinh tế để trở thành một nhà kinh doanh trong tương lai. “Em muốn gia đình mình phải đa ngành nghề để biết được nhiều lĩnh vực của nhau khi cả gia đình cùng ngồi lại trò chuyện”, Ngọc nói.

Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.