Buồn vui sinh viên đi thực tập

20/06/2008 10:18 GMT+7

(TNO) Ai mà nói thực tập là dễ thì... người đó không phải là sinh viên! Tất nhiên, không phải vì khó mà các sinh viên không thể tốt nghiệp (số này rất ít). Chính vì kì thực tập là một cửa ải quan trọng trong quá trình học tập nên hầu hết những sinh viên đều bỏ tất cả công sức của mình ra để chăm chút cho việc "vượt ải"... Từ đây, đã có biết bao nhiêu câu chuyện buồn vui...

Đi xe buýt viết báo! Nghe có vẻ khó tin nhưng đúng là như vậy. Đó là trường hợp của Dung (khoa Báo chí, ĐH KHXH và NV TP.HCM). Số là cách nay chưa đầy 2 tháng, khi hay tin con gái sắp bước vào giai đoạn thực tập, cha mẹ Dung đã gom góp mua cho bạn chiếc xe gắn máy. Mới chạy được 3 ngày đã bị trộm “viếng”. Không còn phương tiện đi lại, mọi người cứ sợ Dung chán nản mà bỏ ngang kỳ thực tập. Nhưng bạn bè đã hoàn toàn bất ngờ. Chỉ sau hai tuần thực tập, Dung đã có những sản phẩm mà theo đánh giá của những người hướng dẫn là khá tốt, tính thời sự cao… và được đăng.

Buổi trưa đứng nắng, gặp Dung đi “săn” tin về,  khuôn mặt đẫm mồ hôi, nhưng Dung vẫn đùa vui: “Đi bộ cho khỏe chân. Cực chút xíu có gì đâu. Mình đang “lăn” vào đời đấy mà!”.

“Không ngại khó, ngại khổ, chỉ ngại không tìm ra đề tài để viết” - Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được từ các bạn sinh viên báo chí thực tập. Họ luôn sẵn sàng “lăn” vào thực tế miễn sao hoàn thành được nhiệm vụ của tòa soạn giao. Mặc dù nhiệm vụ đó hoàn thành tốt hay chưa tốt, các bạn vẫn không nản mà luôn tự tin.

“Cho dù bài được đăng hay không đăng thì ít ra mình cũng đã học được những kinh nghiệp thực tế khi tác nghiệp. Mình sẵn sàng làm mọi việc để thực hiện được ước mơ từ nhỏ đã hằng mong…” - Bình (bạn học cùng lớp Dung) hùng hồn tuyên bố.

Say sưa học nghề - Ảnh: M.L

Chia tay  nhóm bạn Dung, Bình, theo lời hẹn chúng tôi tìm đến nhà cô giáo “thực tập” Mai An (ĐH Sư phạm TPHCM) - người vừa mới hoàn thành kỳ thực tập đầy “chông gai” nhưng cũng không ít niềm vui “gặt” được ở một ngôi trường vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Long An. Tại đây, chúng tôi đã nghe được những câu chuyện hết sức thú vị chính từ miệng các “nguyên” học trò của Mai An tía lia. Nào là cô giáo bị học trò bắt nạt. Nào là chuyện cô giáo khóc vì nhớ nhà, bị những cậu học trò “to đầu” chống đối trong giờ giảng bài,… Những lúc như vậy, cô giáo Mai An đã muốn bỏ trường, bỏ lớp, bỏ nơi “khỉ ho, cò gáy” trên để về thành phố… “Là trí thức trẻ phải dấn thân” - câu nói học được từ khi chập chững vào ngành sư phạm ngày nào đã giúp Mai An đứng vững, và đến ngày chia tay cô trò bịn rịn chẳng muốn rời xa.

Có thể nói, tuy có khó khăn bước đầu trong việc tiếp cận công việc, nhưng các bạn như Dung, Bình hay Mai An là những người may mắn trong kỳ thực tập, vì được đơn vị thực tập tin tưởng giao việc, hướng dẫn,...  Còn riêng với H.V.H (Cao đẳng Tài chính Hải quan TP.HCM) thì hoàn toàn trái ngược. Theo yêu cầu của đơn vị tiếp nhận thực tập, H phải bỏ ra cả triệu đồng (số tiền lớn đối với sinh viên) để mua sắm đồng phục công ty. Thế nhưng, hai tháng thực tập trôi qua khiến H thất vọng vô cùng. Công việc hằng ngày của H. là  đọc báo, đọc tài liệu cũ và thi thoảng pha nước, pha trà, phô tô, đánh máy cho nhân viên của công ty… H. buồn bã: “Mình đúng là “con riêng”. Thực ra khi nhận mình vào thực tập họ đã xem đây là một gánh nặng. Họ không tin tưởng giao sổ sách giấy tờ. Họ sợ lộ bí mật kinh doanh và đủ thứ sợ cùng với hàng trăm lý do nghi kỵ…”.

Trường hợp của SV Minh T. cũng không kém phần buồn tủi. Trong thời gian thực tập, cô gái bé nhỏ này không ngừng bị những đàn chị đi trước đặt cho các biệt danh khôi hài và tỏ vẻ khinh thường T ra mặt. T., bức xúc: “Mình chưa va chạm thực tế mới đi thực tập, nếu giỏi rồi thì cần gì phải học…”.  Và T, cũng thật lòng: “Trải qua kỳ thực tập vừa qua tuy rất buồn vì bị giễu cợt, chê bai nhưng mình  cũng đã học được nhiều thứ. Trong đó, cái được lớn nhất của mình chính là cách “chịu đựng” để đi đến thành công…”.

***

Đối với sinh viên, có một con đường mà ai cũng buộc phải đi qua, trước khi chính thức bước vào đời, đó là thực tập! Hầu hết sinh viên đều cho rằng, dù thế nào đi chăng nữa thì các bạn cũng đã học được nhiều điều, có thêm nhiều kinh nghiệm... Đó cũng là một trong những hành trang cần thiết để các bạn thêm vững tin khi bước vào đời.

Phan Lan - Mỹ Liên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.