Cậu bé “xe đạp”

07/10/2012 10:03 GMT+7

Là sáng lập viên của Tổ chức từ thiện BikeTown Africa - một tổ chức chuyên cung cấp xe đạp cho người dân nghèo ở châu Phi, cựu tổng biên tập tạp chí Bicycling của Mỹ Steve Madden đích thân sang tận châu Phi để tự tay lắp ráp những chiếc xe đạp giúp người dân vùng này có thể đi làm, đi học hoặc đi lấy nước giếng.

Tại Rwanda, ông đã gặp gỡ và làm quen với cậu bé “xe đạp”. Mỗi ngày cậu đến giúp ông lắp ráp xe đạp và luôn tỏ ra thích thú mỗi lần Madden chỉ dạy và giải thích những điều mà cậu chưa biết. Gương mặt cậu bé chưa bao giờ xuất hiện nỗi buồn phiền mà thay vào đó là những nụ cười chan hòa và ấm áp.

Chính nụ cười hồn nhiên và vui tươi của cậu bé nhỏ nhắn 16 tuổi này đã khiến Madden cảm thấy khâm phục.

 Cậu bé “xe đạp”
Cậu bé “xe đạp” Jean-Paul - Ảnh: Sélection

Nụ cười luôn thường trực trên môi cậu bé dù người lớn có vô tình hay cố ý làm tổn thương đến cậu. Cảnh tượng cậu bị một người phụ nữ mắng mỏ và đánh mạnh vào tay khiến Madden bị sốc khi chứng kiến cách giáo dục khác xa với đất nước của ông. Ông chỉ ngậm ngùi đứng nhìn mà không thể can thiệp. Vậy mà chỉ vài phút sau đó cậu bé lại mỉm cười và cùng Madden tiếp tục công việc dở dang. Chính điều này đã làm Madden phải kìm lòng để không bật ra tiếng khóc khi thấy cậu bé không tỏ ra buồn rầu với một cuộc sống không mấy hạnh phúc ở đất nước này.

Madden tự hỏi làm thế nào để một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng lòng thù hận lại có thể tỏa ra một thứ ánh sáng diệu kỳ với tính cách hiền lành và niềm vui sống khát khao mãnh liệt đến vậy. Lẽ ra cậu bé phải ghét bỏ cuộc sống vì chính nó đã mang đến nhiều điều bất hạnh cho cậu nhưng... hoàn toàn không.

Điều này làm Madden nghĩ đến những đứa con của mình khi chúng có thể yêu cầu cha mẹ làm bất cứ thứ gì chúng muốn. Duy chỉ có một thứ chúng không cần cầu xin đó là sự yêu thương, trong khi đứa trẻ này cần biết bao một sự chia sẻ, cảm thông của người lớn.

Mọi người thường gọi cậu bé với cái tên Jean-Paul chứ thật ra cậu không hề có bất kỳ giấy tờ chứng minh lai lịch và quê quán. Cậu được sinh ra trong một vụ hiếp dâm tập thể khi nạn diệt chủng ở Rwanda xảy ra trên đất nước châu Phi giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi vào năm 1994.

Trong cuộc chiến đẫm máu đó, chủ yếu người Tutsi bị sát hại và gia đình của Jean-Paul cũng là một trong những nạn nhân. Một nhóm dân quân đã hãm hiếp mẹ của Jean-Paul và giết chết ba người anh trai của bà. Bà từng nghĩ phải bỏ đi cái bào thai đầy nhục nhã này, nhưng cuối cùng bà quyết định giữ lại dù bị mọi ánh nhìn kỳ thị và nhiều lời gièm pha. Phải chăng đây cũng là lý do khiến bà không dám đặt tên cho đứa con của mình(?).

Ngoài nhiệm vụ nuôi nấng Jean-Paul, bà không thể yêu thương cậu bé vì bà không hề quan tâm đến cái gọi là gia đình và tình yêu, vì bà đã chịu nhiều tổn thương về tâm hồn và thể xác trước khi biến thành một người tàn phế. Tuy nhiên, bà đã thay đổi cách suy nghĩ trong những ngày cuối đời bởi chính tình yêu thương mà Jean-Paul mang đến cho bà. “Có lẽ tôi đã quyết định đúng khi không giết chết đứa con vô tội của mình vì giờ đây chính nó là người chăm sóc tôi hằng ngày” - bà nghẹn ngào chia sẻ.

Theo Hà An / Tuổi Trẻ

>> Giúp người dân nghèo
>> Tặng quà cho người dân nghèo
>> Người dân nghèo sẽ không thể chịu được...
>> 2.000 bánh chưng xanh đến với công nhân, người dân nghèo
>> Khám chữa bệnh và tặng quà cho người dân nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.