Chàng thạc sĩ hồi sinh Pháp lam Huế

30/05/2009 16:12 GMT+7

Hơn 10 năm theo đuổi Pháp lam, thạc sĩ Đỗ Hữu Triết (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) đã bước đầu làm sống lại một nghề cũ đã thất truyền để giới thiệu đến công chúng.

“Canh bạc” Pháp lam

Tốt nghiệp ngành Vật lý - trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Huế), Đỗ Hữu Triết về làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Những năm tháng nghiên cứu về việc phục dựng, bảo tồn những di tích ở Huế đã dấy lên niềm đam mê Pháp lam trong chàng trai trẻ, để sau này Triết đã chọn đề tài phục dựng Pháp lam Huế - những sản phẩm được làm bằng đồng, vàng và bạc, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ trong các cung điện thời Nguyễn - làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2005. “Ở thời điểm ấy, sau hơn 200 năm vắng bóng vẫn chưa ai đứng ra làm hồ sơ, phục dựng một cách đầy đủ về Pháp lam cả”, Triết nói.

Thế nên lúc đăng ký, anh phải thấp thỏm chờ đợi “cái gật đầu” của những người duyệt đề tài cho luận án. Trong thời gian đó, Triết âm thầm kết nối với những họa sĩ, nghệ nhân gốm và mày mò quy trình để làm Pháp lam, sưu tầm tài liệu Pháp lam để đầy trong nhà. Thấy Triết có vẻ “si” Pháp lam, cuối cùng hội đồng duyệt đề tài cũng chấp thuận sau khi anh đưa ra những căn cứ để chứng minh là mình có thể phục dựng Pháp lam Huế.

 
Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết

Kể từ ngày đó, tiền bạc trong nhà Triết cứ đều đều chảy ra cho những sản phẩm Pháp lam đang trong quá trình làm thử. Cay đắng của đề tài bắt đầu hiện hữu, nhưng anh vẫn tiếp tục bám riết đam mê mà mình đã chọn. “Hồi đó, chỉ cần một chi tiết sai trên sản phẩm làm ra là coi như bỏ, không thể sửa chữa được. Tiền đầu tư theo đó cũng đi luôn. Đúng là canh bạc thiệt, đôi khi cũng thấy nản”, Triết nhớ lại. Tuy nhiên, sự quyết tâm của Triết cuối cùng cũng có kết quả khi đề tài khá thành công và được đánh giá rất cao trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhưng đó chưa phải là tất cả bởi sau những năm tháng miệt mài nghiên cứu,

kỹ nghệ chế tác Pháp lam dường như đã ngấm vào “máu” của Triết và anh đã chọn theo đuổi Pháp lam suốt đời.

Tìm hướng giữ nghề

Sau thành công trong việc phục dựng Pháp lam Huế, Triết quyết định mở Công ty tên Sao Khuê để chiêu mộ những cộng sự (nghệ nhân gốm, họa sĩ, thợ sơn mài...) cùng vực dậy nghề thủ công có từ lâu đời này theo hướng sản xuất Pháp lam mỹ nghệ. Kể từ đó, công ty đã cho ra đời những sản phẩm Pháp lam trên bình gốm, tranh vẽ (chủ yếu làm từ chất liệu đồng đỏ)... Những sản phẩm này không những dựa trên các họa tiết truyền thống, các mẫu Pháp lam cổ, mà còn có họa tiết trang trí theo kiểu đương đại thành những hàng thủ công mỹ nghệ. Mục tiêu của Triết là đưa Pháp lam ra khỏi “giới hạn” của việc trùng tu các di tích để đến gần với người dân và khách du lịch hơn.

Để làm được điều đó, ngoài việc phát triển Pháp lam mỹ nghệ, Triết cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lên kế hoạch chuẩn bị cho ra đời cuốn sách về lịch sử và phương thức sản xuất các sản phẩm Pháp lam. “Trong cuốn sách này, những kỹ thuật cơ bản như đúc đồng, chạm khảm kim loại cùng cách chế tạo lò nung, men màu... và đặc biệt là lịch sử phát triển Pháp lam Huế cũng như trên thế giới đều được viết đầy đủ. Người đọc vừa hiểu được tầm vóc của Pháp lam vừa có thể tự mình sản xuất các sản phẩm Pháp lam”.

Khởi đầu cho kế hoạch trên, trong Festival Nghề truyền thống Huế 2009 vào tháng 6 tới, ngoài việc trưng bày các sản phẩm Pháp lam, Triết sẽ cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở một quy trình sản xuất Pháp lam để du khách có thể trực tiếp làm ra những mặt hàng Pháp lam lưu niệm cho riêng mình...

Theo sử sách nhà Nguyễn, thời điểm khai sinh kỹ nghệ chế tác Pháp lam ở VN là năm 1827 và thịnh hành vào các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, sau đó sa sút dù được phục hồi dưới triều Đồng Khánh nhưng không phục hưng nổi mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền.


Một sản phẩm Pháp lam mỹ nghệ

Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.