Chàng trai yêu... thú

29/10/2015 07:02 GMT+7

Nếu gọi điện cho Nguyễn Yên Phúc mà không có tín hiệu thì khả năng 99% anh đã vào rừng với những con thú.

Nếu gọi điện cho Nguyễn Yên Phúc mà không có tín hiệu thì khả năng 99% anh đã vào rừng với những con thú.

Nguyễn Yên Phúc - Ảnh: NVCCNguyễn Yên Phúc - Ảnh: NVCC
Giải cứu động vật hoang dã
Những năm gần đây, Tổ chức Hành động vì động vật hoang dã đã thực hiện một số dự án tiêu biểu tại nhiều tỉnh, thành như: Chiến dịch “Bình đẳng gấu”; Tăng cường tiếng nói thanh thiếu niên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua phương pháp photovoice - chụp ảnh kể chuyện; Dự án Ngày hè xanh năm 2015...

21 tuổi, Nguyễn Yên Phúc, sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đang phụ trách Tổ chức Hành động vì động vật hoang dã. Ngoài việc học, Phúc gần như dành hết quỹ thời gian của mình cho tổ chức phi lợi nhuận này. Không chỉ chú trọng truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, các thành viên còn tham gia điều tra, giám sát việc bảo vệ động vật hoang dã.
Nhiều lần Phúc và cộng sự bí mật bám theo những chiếc xe khách chở động vật hoang dã, chụp hình làm bằng chứng gửi các cơ quan chức năng; hoặc tham gia cứu hộ những con cù lần (cu li), chim xanh, rùa, rắn... và tìm cách thả chúng về rừng. Thế nhưng, cũng có không ít lần nhóm của Phúc hụt hẫng khi chứng kiến những con gấu và nhiều động vật khác đã bị xẻ thịt, đông đá trong những nhà hàng. Nhưng thất bại vẫn không làm nhóm bạn trẻ này nản chí. Ngược lại, họ càng “động não” để tìm ra nhiều giải pháp khác.
Một trong những sự kiện đáng kể sắp tới là hội thảo “Xây dựng mạng lưới thanh niên giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã trên internet” vào ngày 22.11 tại TP.HCM, với sự phối hợp tổ chức của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã VN. Trong vai trò trưởng ban tổ chức, Phúc trăn trở: “Chúng tôi nhận thấy nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã diễn ra rất dễ dàng và công khai, phổ biến trên internet mà không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Nhiều động vật hoang dã bị rao bán làm thú cảnh hoặc làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh...”.
Theo Phúc, có rất nhiều thanh niên tham gia mạng xã hội. Chính lực lượng này sẽ góp phần quan trọng cùng với các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng buôn bán cũng như sẽ có những hành động thiết thực cho việc bảo tồn các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa.
Biệt danh “gấu”

Tôi xem công việc đang làm chính là sự nghiệp đời mình. Là người đi đầu trong tổ chức nên dĩ nhiên phải chịu vất vả một chút... Với tôi, những điều nhỏ chính là điều cốt lõi để tạo nên những điều tốt đẹp

NGUYỄN YÊN PHÚC

Từ nhỏ, cậu bé Phúc đã bị hút hồn bởi những chương thế giới động vật và phim tài liệu về những người cứu hộ các con thú. Vào năm học lớp 6, Phúc nhiều lần “ngồi đồng” ở tiệm internet để tìm kiếm cơ hội trở thành nhà bảo tồn động vật hoang dã như các chú, các anh... trên ti vi.
Đến năm học lớp 10, Phúc bắt đầu tiến gần đến ước mơ hơn khi dự tuyển vào Ban Truyền thông của CLB Tình nguyện viên hành động vì động vật hoang dã (tiền thân của tổ chức hiện nay). Từ đó, Phúc dấn thân vào những hoạt động và những chuyến đi thực tế ở nhiều khu rừng trên cả nước. Công việc đã gắn chàng trai này với biệt danh “gấu”.
Chơi thân với Phúc, Khổng Thị Thúy Mỹ (23 tuổi, ngụ tại TP.HCM) kể: “Trong khi mình đang làm cho một tổ chức về sức khỏe thì Phúc lo đi bảo vệ mấy con thú. Phúc kể ngày còn nhỏ hay coi thế giới động vật, nên thích rồi thương tụi nó hồi nào không hay. Thỉnh thoảng Phúc còn bảo, ai cũng có thể bỏ mình mà đi chứ động vật thì không, vì Phúc thương nó và ngược lại”.
Thúy Mỹ chia sẻ tiếp: “Có lần đi thực địa ở Bến Tre, mình thấy Phúc chạy ra xoa đầu mấy con bò tỉnh queo, mà con bò chẳng phản ứng chi hết, cứ dụi cái đầu vào người Phúc ra vẻ thích thú lắm. Lúc đó, chỗ nhà tụi mình ở có nuôi một con trăn to ơi là to, dài chắc phải hơn 2 mét, vậy mà Phúc cầm lên nhẹ nhàng xong còn để trăn quấn quanh cổ cười toe toét kêu chụp hình đi. Phúc lại gần con thú nào cũng được chào đón lắm...”.
Phúc cho rằng những khó khăn, thách thức mà Phúc hay đối mặt chính là phải cân đối thời gian giữa đi làm, đi học và tìm nguồn kinh phí hoạt động. Đặc biệt, Phúc trăn trở: “Công tác bảo tồn đang thiếu sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người dân không thấy được quyền lợi của mình trong đó, nên họ rất thờ ơ hoặc tiếp tay tàn sát động vật hoang dã”.
Dù vậy, chàng “gấu” vẫn tâm niệm: “Tôi xem công việc đang làm chính là sự nghiệp đời mình. Là người đi đầu trong tổ chức nên dĩ nhiên phải chịu vất vả một chút. Tôi chỉ sợ ngày nào đó mở mắt ra không có việc gì để làm mà thôi. Với tôi, những điều nhỏ chính là điều cốt lõi để tạo nên những điều tốt đẹp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.