Chữa lành tổn thương bằng... viết lách

08/09/2018 15:48 GMT+7

'Viết, với tôi như một cách ghi lại cảm xúc, bình luận của chính mình, chia sẻ cho mọi người. Sau đó, tôi hiểu ra rằng viết lách giúp cho mọi người có thể giải tỏa, chữa lành…'.

Đó là chia sẻ của Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, 22 tuổi, chủ Fanpage Viết cho đỡ chán có khá đông bạn trẻ yêu thích, theo dõi. Hương đang là sinh viên Trường đại học ngoại thương, cơ sở 2 tại TP.HCM. Giống như Quỳnh Hương, nhiều bạn trẻ khác đang có trào lưu mở Fanpage trên Facebook, mở Blog và viết lách tự do, dạng tản văn, ghi chép, bất cứ những gì mình yêu thích và suy ngẫm về cuộc sống đời thường.
Mỗi bạn trẻ sẽ tìm cho mình một thế mạnh và phong cách chủ đạo xuyên suốt trong các bài viết, ví dụ có bạn chuyên về các bài viết cảm nhận - giới thiệu món ăn; có người thích viết về các vùng đất, nơi mình đã đặt chân qua; có người chuyên thích bàn luận chuyện ăn chay hoặc cũng có bạn trẻ dùng những bài tản văn của mình chỉ để cất giữ những cảm xúc bất chợt của mình có được trong một ngày…
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương chia sẻ dù viết Blog, nhật ký, sách, bưu thiếp… hay là thư tay cho một ai đó, vừa là cách để đối thoại với người khác, đồng thời, bạn cũng đối thoại với chính mình, giải tỏa những muộn phiền, nhân thêm những niềm vui.
“Viết lách với tôi như một cách ghi lại cảm xúc, bình luận của chính mình, chia sẻ cho mọi người. Tuy nhiên, tôi không thích đăng quá nhiều lên trang cá nhân Facebook, do đó tôi lập Fanpage. Sau đó, tôi hiểu ra rằng viết lách giúp cho mọi người có thể giải tỏa rất nhiều, có thể chữa lành những tổn thương, tôi động viên những người bạn của mình hãy viết ra, ghi chép lại cuộc sống của mình, để khi nhìn lại mình cũng thấy cuộc đời mình có nhiều cột mốc đáng nhớ…”, Quỳnh Hương nói.
Jesse Peterson, chàng trai Canada 38 tuổi đang sống tại TP.HCM, chủ nhân của nhiều bài viết ấn tượng cho hay, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có một nông trang rộng lớn ở Canada, có những quãng thời gian anh chỉ một mình sống cùng với ngựa, thức ăn cho ngựa và rau củ, người bạn lớn nhất của anh trong những đêm tối giữa rừng xanh bao la chính là cây bút và trang giấy. Anh viết về cuộc sống trang trại, về gia đình, về quãng thời gian tham gia quân đội… Suy nghĩ, tự hình dung sơ đồ ý tưởng, cụ thể hóa những ý tưởng đó bằng những con chữ, theo Jesse Peterson đó là cách tuyệt vời để rèn luyện tư duy.
Nguyễn Thị Thư Trang, 21 tuổi, sinh viên Trường đại học Ngoại thương, Hà Nội, người sở hữu Fanpage Thư Writes, chia sẻ viết lách với cô giống như bản năng. Có thể những gì xảy đến được cô ghi lại không quá chỉn chu, không quá sắp đặt, nhưng chính cái có vẻ như lộn xộn đó sẽ là cảm xúc thật, một lúc nào đó chính cô đọc lại cũng phì cười, vì sao mình có những lúc ngô nghê như thế.
Các bạn trẻ tại TP.HCM viết bưu thiếp trong một Workshop gắn kết các thành viên trong gia đình Quỳnh Hữu
Anh Lâm Anh Vũ, chuyên gia khai vấn, phụ trách vị trí Head of agency ở Facebook, cho rằng khi bạn trẻ gặp bất cứ vấn đề gì khó khăn trong đời, có thể bạn ngại ngùng chia sẻ điều đó với bạn bè, người thân của mình, thì có thể viết tất cả những gì khiến mình muộn phiền, lo lắng đó ra một cuốn sổ, tờ giấy hay trên máy tính, nó cũng sẽ khiến bạn được xoa dịu và cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Trong khi đó, Phạm Thùy Liên, 27 tuổi, trú quận 1, TP.HCM, chủ nhân Blog Góc của Liên, nơi đăng tải phần lớn những bài viết về vùng đất, con người nơi cô xách ba lô đi du lịch và gặp gỡ, chia sẻ viết lách là một sở thích và thói quen lớn lên cùng cô từ thuở ấu thơ. Nó cũng mang lại cho cô cơ hội được làm đúng công việc mình yêu thích, đó là tại một trang web về du lịch.
“Tôi viết Blog 360 từ thời Yahoo còn ứng dụng này, sau đó chuyển sang viết trên Facebook, rồi lập ra Blog của riêng mình để có thể ghi chép lại những gì mình muốn về cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Những con chữ có khả năng giúp tôi đối thoại với chính mình, kể cả bài viết buồn hay vui, đọc lại mình cũng thấy cảm xúc của mình được xoa dịu”, Thùy Liên chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.