Chuẩn cho người trẻ

01/07/2017 10:32 GMT+7

Nếu cho rằng giới trẻ hiện nay lệch lạc về đạo đức hay nói nôm na là đang lệch chuẩn; vậy như thế nào là lệch chuẩn và lấy “chuẩn” nào để luận bàn về điều này?

Đó là nội dung được quan tâm tại buổi tọa đàm khoa học: “Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hóa, giáo dục và những giải pháp” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Hội đồng lý luận T.Ư, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức vào sáng 30.6.

tin liên quan

Những cuộc tình đổi chác
Giới chuyên gia nhiều nước đang lo ngại về xu hướng giới trẻ sống thực dụng, xem tình cảm là phương tiện để kiếm tiền.
Bản chất “dương tính” của người trẻ
Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng khi tiếp cận và đánh giá giới trẻ, chúng ta thường dựa trên hệ quy chiếu giá trị truyền thống, nhưng liệu cách tiếp cận và đánh giá này có khách quan và có còn phù hợp không? Tất cả mọi vấn đề cần phải xem lại.
Người lớn cần chấm dứt tham vọng biến người trẻ thành bản sao của mình, công cụ để thực hiện những ước vọng của mình còn dang dở. Hãy nhớ, giới trẻ là tương lai của chúng ta chứ không phải chúng ta trong tương lai
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm

Theo ông Sen, xã hội hiện nay là xã hội mở, xã hội của công nghệ, với nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn, việc dựa trên hệ quy chiếu giá trị truyền thống để đánh giá giới trẻ cần phải thay đổi.
“Thế hệ trẻ là lớp tuổi duy nhất có bản chất dương tính. Bản chất này kéo theo hai đặc điểm quan trọng là hướng ngoại và năng động. Hướng ngoại thì dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai, năng động thì ưa thay đổi, phát triển. Vì vậy, xã hội càng phát triển cần có cái nhìn khách quan và công bằng về giới trẻ”, ông Sen nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Giám đốc Trung tâm văn hóa học lý luận và ứng dụng, nhìn nhận: “Người lớn tuổi thì luôn cho rằng mình đúng đắn và khôn ngoan. Văn hóa VN mang nặng chất âm tính nên sự tự tin này của nhóm người lớn tuổi ở mức độ rất cao: cá không ăn muối cá ươn/con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
GS Thêm cho biết người trẻ với xu hướng hướng ngoại thì thường có xu hướng hoài nghi, thích kiểm chứng lại những lựa chọn của thế hệ đi trước, thậm chí là cố tình phủ nhận, làm khác, coi đó như một phương thức để khẳng định tư cách “người lớn” của mình. Chúng ta khi nhìn nhận thì thường đánh đồng đây là những biểu hiện sai lệch của người trẻ và bắt đầu lên án.
“Cần phân biệt xu hướng hoài nghi thích kiểm chứng lại những lựa chọn của thế hệ đi trước với việc cố tình phủ nhận, làm khác, coi đó là phương thức để khẳng định tư cách người lớn của mình. Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, việc cố tình phủ nhận chỉ cốt để khẳng định tư cách người lớn rõ ràng là sai và cần phải ngăn chặn. Trong khi xu hướng hoài nghi, thích kiểm chứng, phản biện… lại là một phẩm chất rất cần thiết mà thiếu nó thì xã hội không thể nào phát triển”, GS Thêm phân tích.

tin liên quan

4 lần được vinh danh trên tường Viện MD Anderson
Không chỉ mang vinh dự về cho đất nước với 3 công trình ứng dụng vào thực tế được Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ trao giải thưởng, 4 lần được vinh danh trên bức tường danh dự của Viện MD Anderson, anh Phan Minh Liêm còn rất chú trọng đến việc giúp đỡ các bạn trẻ đi sau.
Cần xây dựng một hệ giá trị mới
Để phân tích rõ cho những nhận định của mình, GS Thêm cũng đưa ra một nghiên cứu về những mặt mạnh, yếu của người trẻ và người lớn tuổi. Các điểm mạnh của người lớn tuổi là sự chín chắn, địa vị, tài sản, kinh nghiệm. Người trẻ là tính năng động, sức khỏe, kỹ năng tin học ngoại ngữ và là chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo đó, điểm mạnh của đối tượng này là điểm yếu của đối tượng kia và ngược lại. Thế nhưng khi đưa ra như vậy thì thấy được trong tất cả 4 mặt yếu của người trẻ đều có thể khắc phục được theo vấn đề thời gian, còn mặt yếu của người lớn tuổi đa phần là “bất khả khắc phục”. Điều này cho thấy rằng cái nhìn xã hội lâu nay về mối tương quan giữa giới trẻ và người lớn tuổi là thiếu khách quan và thiếu công bằng.
GS Thêm cũng chỉ ra những hiện tượng lệch chuẩn, gây sốc cho dư luận bởi vì sự khác lạ với những phong cách truyền thống cổ điển, đơn điệu, rập khuôn… của thế hệ cha ông. Nhưng xã hội đã dần nhận thấy rằng, việc thiếu nữ mặc áo hai dây, nam giới cạo trọc đầu không nói lên điều gì về tư cách đạo đức của họ. Hiện tượng ngôn ngữ tuổi teen được sử dụng trong những không gian giới hạn, phạm vi bạn hữu giới hạn không những không ảnh hưởng xấu đến sự trong sáng của tiếng Việt mà còn tạo nên một không khí thân mật, thể hiện được những tình cảm đặc biệt mà tiếng Việt thông thường không đủ khả năng truyền tải.
“Các hiện tượng gây sốc của giới trẻ là một sự phản ứng. Sự phản ứng này nói lên là một số giá trị của văn hóa truyền thống đã không còn thích hợp. Sự lệch chuẩn này báo hiệu rằng giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung đang có nhu cầu về việc xây dựng một hệ giá trị mới, với những chuẩn mực mới”, ông Thêm đặc biệt quan tâm.
Và ông cũng thẳng thắn: “Người lớn cần chấm dứt tham vọng biến người trẻ thành bản sao của mình, công cụ để thực hiện những ước vọng của mình còn dang dở. Hãy nhớ, giới trẻ là tương lai của chúng ta chứ không phải chúng ta trong tương lai”.
Ý kiến
Mặt mạnh của ta là truyền thống dựng nước và giữ nước, còn mặt yếu nhất của ta là văn hóa về sự phát triển, bởi ta vẫn là một quốc gia chưa phát triển. Vậy thì lớp trẻ phải khiêm tốn học từ cha mình văn hóa giữ nước, học một cách hết sức cầu thị. Còn văn hóa phát triển thì phải học thế giới, học tinh hoa nhân loại và chỉ tham khảo lớp trước chứ đừng học nguyên si theo lớp trước.
Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư)
Xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân phải sống cùng, sống tốt và có khả năng hoàn thiện, khẳng định bản thân. Và hơn bao giờ hết người thanh niên luôn cần một hình mẫu lý tưởng. Khi xây dựng hình mẫu cần những nhóm giải pháp như tạo môi trường tự rèn luyện, nhóm tạo động lực tự phấn đấu thông qua việc xây dựng chuỗi các danh hiệu như: Sinh viên 5 tốt, Gương sáng sinh viên... rồi thêm vào đó là nhóm giải pháp tạo động lực tự khẳng định giá trị bản thân. Từ đấy sẽ hình thành những hình mẫu thanh niên lý tưởng.
Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.