Chuyện của người thầy giáo ngày ngày mặc áo mưa và đeo ủng đi dạy học

19/11/2020 23:25 GMT+7

“Chúng tôi ngày ngày đi dạy mà không thể thiếu bộ quần áo mưa và đôi ủng”, thầy giáo Lò Văn Quang chia sẻ trong lễ tuyên dương và trao giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu cấp T.Ư diễn ra tối 19.11 tại Hà Nội.

Câu chuyện của người trong cuộc

Lời kể của người thầy dân tộc Thái đang công tác tại Trường tiểu học Khong Hin, xã Mường Khong, H.Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên khiến những người có mặt có thể hình dung ra phần nào những khó khăn vất vả của anh cũng như những giáo viên khác. “Người dân nơi đây cứ nhìn chúng tôi mặc áo mưa và đeo ủng là biết là thầy cô ở xã Mường Khong. Đây cũng là đặc điểm mà xã này khác với những xác khác ở tỉnh”, thầy giáo Lò Văn Quang nói. Anh là một trong 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu được vinh danh trong buổi lễ tối nay.

Một trong những nhà giáo trẻ tiêu biểu được vinh danh khác là TS Đào Việt Hằng - giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô Hà Nội, tác giả chính của 4 bài báo quốc tế, 32 bài báo trong nước, báo cáo viên tại 25 hội nghị nước ngoài và 2 hội nghị trong nước, người biên soạn 1 chương sách quốc tế, 1 giáo trình và 2 cuốn sách y khoa trong nước.

Chia sẻ về quyết định đi theo con đường nghiên cứu khoa học, TS Hằng nói: “Từ khi còn là sinh viên ở Trường đại học Y Hà Nội, tôi đã tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và  thấy rất yêu thích công việc đó, bởi  y học là lĩnh vực khoa học liên quan đến sức khỏe người bệnh. Sau này, trong quá trình làm việc, tôi nhận ra để chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân thì mỗi người bác sĩ, mỗi người giảng viên phải đào sâu, tìm tòi đọc nhiều tài liệu. Và quá trình nghiên cứu khoa học là quá trình để trưởng thành hơn về mặt nhận thức cũng như tìm kiếm những gì tốt nhất cho người bệnh. Đó là động lực đưa tôi vào con đường nghiên cứu khoa học”.

Phó thủ tướng Trương Hòa bình chúc mừng 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu

Ảnh Ngọc Thắng

TS Đào Việt Hằng là người đã học được kỹ thuật mới trong chẩn đoán bệnh về rối loạn chức năng của đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh lý trào ngược thực quản. Trong khoảng 2 - 3 năm gần đây, kỹ thuật này đã được áp dụng tại Việt Nam. Ngoài nghiên cứu khoa học, TS Hằng còn tổ chức các khóa đào tạo để chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác trong cả nước. Chị hy vọng với kỹ thuật này sẽ được triển khai ở các tuyến, đem lại lợi ích cho người bệnh. “Đấy là điều quan trọng nhất các nhà khoa học hướng đến”, chị chia sẻ.

Một số nhà giáo trẻ tiêu biểu, có nhiều thành tích, đóng góp nổi bật như Th.S Trần Thanh Bắc - giảng viên, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên - trường sư phạm của tỉnh miền núi có 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Th.S Bắc đã tham gia viết 2 cuốn sách đã được xuất bản năm 2019 và năm 2020 Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên“Tiếng Việt cao cấp, được nhận bằng khen của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Điện Biên năm học 2018 - 2019 và năm học 2019 - 2020.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Trường trường tiểu học và THCS Sơn Thành Tây, xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa, tỉnh Phú Yên - từ khi tốt nghiệp ra trường, cô xung phong đến dạy tại xã miền núi xa nhất của huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên; cô đạt giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chu kỳ 2019 - 2022; từ năm học 2016 - 2017 đến nay, 4 năm liền cô được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở,, nhận nhiều bằng khen của Tỉnh đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên. Cô đã có sáng kiến “Một số phương pháp nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử địa phương ở trường trung học cơ sở” được công nhận và áp dụng hiệu quả…

Phát huy tinh thần nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu trong mỗi nhà giáo

Đã có 216 hồ sơ ứng viên nhà giáo trẻ tiêu biểu của 58/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc giới thiệu để T.Ư Đoàn xét chọn. 99 nhà giáo trẻ tại 43 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc được Hội đồng xét chọn để vinh danh. Trong đó, có 48 thầy giáo, 51 cô giáo; có 2 giáo viên dân tộc Thái, 4 giáo viên dân tộc Tày, 1 giáo viên dân tộc Hoa; có 6 giáo viên mầm non, 22 giáo viên tiểu học, 24 giáo viên trung học cơ sở, 15 giáo viên trung học phổ thông, 1 giáo viên sơ cấp, 2 giáo viên trung cấp, 6 giảng viên cao đẳng, 23 giảng viên đại học.

Bên cạnh thành tích xuất sắc về chuyên môn, có đạo đức và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, mhững nhà giáo trẻ được tuyên dương năm 2020 đã có những sáng kiến nổi bật trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng phương pháp mới mang lại hiệu quả tốt cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập ở trường. Đó cũng là những tấm gương nghị lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, tiếp tục bám nghề và yêu nghề.

Nhiều thầy, cô giáo được tuyên dương là Đảng viên, cán bộ Đoàn, trợ lý thanh niên, tổng phụ trách Đội tích cực cống hiến cho công tác Đoàn - Đội và phong trào thanh thiếu nhi của các đơn vị. Thông qua việc tổ chức chương trình tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp T.Ư, ban tổ chức mong muốn chương trình không chỉ tôn vinh những cống hiến của các nhà giáo trẻ tiêu biểu, mà còn thể hiện sự tri ân đối với những người đang công tác trong ngành giáo dục và nuôi dưỡng niềm đam mê, ước mơ đến với nghề giáo của các bạn học sinh, sinh viên, trở thành người giáo viên nhân dân - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

“Một trong những giá trị đặc biệt của nhà giáo là sự thể hiện mẫu mực về lao động trí tuệ và lao động sáng tạo, vốn kiến thức, hiểu biết sâu rộng, phương pháp truyền thụ luôn đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của các cô giáo, thầy giáo trẻ sẽ gieo vào lòng học sinh, sinh viên sự hứng khởi, say mê trong học tập và rèn luyện”, Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh.

Phát biểu trong buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mong rằng các thầy cô giáo tiếp tục học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, chủ động vượt qua khó khăn, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người của Đảng, nhà nước và của toàn dân tộc. Tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Một là, phát huy tinh thần nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu trong mỗi nhà giáo. Hai là, không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất người giáo viên. Ba là, chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng của học viên, sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Với những công nghệ nền tảng như chuỗi khối (block chain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), robot, kết nối vạn vật (IoT),

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng đề nghị TƯ Đoàn cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để kịp thời có những tham mưu cho Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo trẻ để các nhà giáo yên tâm công tác, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, thực hiện nhiệm vụ chính trị là xây dựng thế hệ làm chủ tương lai của nước nhà. Đồng thời, tổ chức Đoàn các cấp cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích và biểu dương các thầy cô giáo trẻ tiêu biểu, lan tỏa, nhân rộng nhiều tấm gương; đồng thời quan tâm, chăm lo, hỗ trợ cho các giáo viên, giảng viên trẻ đang công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư Ban Bí thư T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng hàng năm vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, dành cho các giáo viên, giảng viên có quốc tịch Việt Nam không quá 35 tuổi, đang giảng dạy trong các trường, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Nhà giáo trẻ tiêu biểu là những cô giáo, thầy giáo đạt nhiều thành tích cao trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dấn thân, cống hiến cho xã hội, sống gương mẫu và là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên. Năm 2020 là năm thứ hai T.Ư Đoàn tổ chức xét chọn và tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư.

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.