Chuyện hoàn lương của những cô gái lầm lỡ

08/09/2005 21:59 GMT+7

Sau 18 tháng lao động, học tập tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề phụ nữ TP.HCM, các học viên đã nhận thức đầy đủ về cơ hội làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng rũ bỏ quá khứ khi hồi gia...

Học viên N.T.B (Hậu Giang) đã 2 lần bị tập trung vào Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề phụ nữ TP.HCM. Đôi mắt buồn, gương mặt chai sạn, lỗ chỗ tàn nhang, tay chân nổi gân... là "dấu ấn" của những năm tháng N.T.B làm gái bán hoa tại các quán cà phê hoặc đứng bắt khách tại đường Huyền Trân Công Chúa (Q.1, TP.HCM). Theo hồ sơ của trung tâm, N.T.B bị bắt khi đang “làm giá” với khách làng chơi. Tháng 2.2004, sau khi hoàn thành thời gian tập trung, tích cực rèn luyện, N.T.B được xét cho hồi gia. B. tâm sự: "Bước chân ra khỏi cổng trung tâm, em tự hứa với lòng mình sẽ quyết tâm hoàn lương, không bao giờ trở lại con đường cũ nữa. Thế nhưng gột rửa quá khứ đen tối quả không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ...". Về đến nhà, người cha thay vì động viên, giúp đỡ con  sống tốt và có ích hơn, ông đã suốt ngày miệt thị, mắng nhiếc N.T.B bằng những lời lẽ cay độc: "Đồ đĩ, mày làm hoen ố cả cái nhà này rồi!". Cái nhìn thiếu cảm thông của mọi người khiến cô gái một thời lầm lỡ cảm thấy cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình. B. bỏ nhà lên thành phố kiếm việc làm để chạy trốn ánh mắt ghẻ lạnh của người thân. Hai bàn tay trắng, tay nghề không có, một mình nơi đất khách phồn hoa nhiều cạm bẫy, B. trở lại với phận gái đứng đường tự lúc nào...

...bây giờ

Nhiều học viên may mắn nhận được sự cảm thông của gia đình và bà con lối xóm nhưng vì miếng cơm manh áo đành nhắm mắt quay trở lại con đường cũ. N.T.H.P (tạm trú tại Q.4) cũng đã bị tập trung vào trung tâm lần thứ 2. Trước đây, vì ham vui cùng bè bạn, P. trở thành gái gọi của 10 nhà hàng trên địa bàn thành phố. Bất kể đêm hay ngày, khi điện thoại di động réo là P. phóng xe tới khách sạn - nơi "khách" đang đợi. Mỗi ngày đi 5 - 7 khách, P. kiếm được 500 - 600 ngàn đồng và ném số tiền đó vào quán bar, vũ trường... P. bị bắt quả tang khi đang đi khách, bị đưa vào Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề phụ nữ TP. Tại đây, nhờ chấp hành tốt nội quy, chăm chỉ lao động, P. được địa phương và gia đình bảo lãnh cho hồi gia. Từ trung tâm trở về, P. được mọi người tạo điều kiện để phấn đấu trở thành công dân tốt. Cô được động viên thăm hỏi, tham gia các sinh hoạt ở khu phố... Sẽ là rất hạnh phúc cho P. nếu cuộc sống cứ tiếp tục êm xuôi, nhưng tai họa liên tiếp ập xuống gia đình nhỏ bé của cô. Người cha bị bệnh chết, mộ chưa xanh cỏ thì người mẹ đổ bệnh, bị liệt toàn thân. P. đã phải bán hết đồ đạc trong nhà và xin làm nhân viên tại một quán cà phê kiếm tiền chữa chạy cho mẹ. Môi trường phức tạp nơi quán cà phê đèn mờ cùng sự túng quẫn về kinh tế đã đẩy P. trở lại con đường cũ. Bây giờ bị đưa đi tập trung, P. có 2 điều ray rứt: "Không chăm sóc được người mẹ bị bệnh hiểm nghèo và đã đánh mất một cơ hội hoàn lương".

Theo ước tính, hiện tại trên địa bàn thành phố có khoảng 10 ngàn gái mại dâm, trong đó 85% bị mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Thành phố mới chỉ quản lý được khoảng 20% người bán dâm tại các trung tâm chữa bệnh và tại cộng đồng.

Mới 22 tuổi mà N.T.O  (Đồng Nai) đã 3 lần ra vào Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề phụ nữ TP. Cô gái nhanh nhẹn và duyên dáng này từng một thời khuynh đảo các vũ trường, quá bar... trả lời chúng tôi bằng những câu nhát gừng, đầy vẻ bất cần. Chúng tôi cảm thông với cái kiểu ăn nói không lấy làm lịch sự ấy của O. Dù sao những năm tháng lăn lộn ngoài đời, cô cũng đã từng nếm trải nhiều cay đắng, tủi nhục. O. cũng đã từng thấp thỏm hy vọng đổi đời và cũng đã vài lần cay đắng khi nỗ lực hoàn lương bất thành. Tôi hỏi: "Trung tâm đã dạy chữ, dạy nghề và hỗ trợ một phần kinh phí cho hồi gia, làm lại cuộc đời nhưng sao em lại ra vào trung tâm nhiều lần thế?". O. cười: "Vì hoàn cảnh". "Kinh tế khó khăn?". O. đáp gọn lỏn: "Đúng". Tôi đề nghị O. nói rõ hơn thì nhận được câu trả lời: "Không có vốn, tay nghề thấp" và giải thích thêm: "Trung tâm chỉ dạy may những mặt hàng đơn giản. Ra ngoài đời, làm sao có thể xin vào công ty hoặc mở tiệm riêng".

Bà Bùi Thị Bích Huệ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề phụ nữ cho biết: "Khi hồi gia, thành phố hỗ trợ mỗi học viên 400 ngàn đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Giúp đỡ phụ nữ nghèo, Quỹ Xóa đói giảm nghèo của thành phố đã chấp nhận rủi ro, nhiều lần cho vay vốn nhưng chị em vẫn không thoát được nghèo. Đến một lúc nào đó, chị em cảm thấy bức bách quá, chịu không nổi họ đành quay lại con đường cũ". Theo bà Huệ, nguyên nhân chị em làm ăn thua lỗ, cụt vốn là do đa phần họ có trình độ thấp, không biết cách kinh doanh. Thời gian qua, trung tâm gửi hàng trăm phiếu điều tra tới các học viên đã hồi gia để tìm hiểu về những khó khăn của họ tại nơi sinh sống. Kết quả điều tra cho thấy, đa số chị em đều thiếu vốn và chưa nhận được sự giúp đỡ tích cực từ chính quyền và đoàn thể ở địa phương.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.