Chuyện trong 80 ngôi nhà tí hon

12/12/2009 00:35 GMT+7

Hơn 80 ngôi nhà tí hon như những lều canh nương tạm bợ là nơi chắn nắng che mưa cho hơn 300 học sinh Mường Tè, Lai Châu.

Trời lạnh buốt, chiếc kiềng là 2 thanh sắt gác lên 2 hòn đá cõng nồi cơm sôi trên bếp lửa. Bếp lửa ấy là chiếc lò sưởi ấm cho hơn chục đôi bàn tay bé xíu, gầy guộc đang run bần bật nơi góc căn lều rộng chừng 5m2. Môi các em thâm đen vì lạnh. Những thân hình bé nhỏ thi thoảng lại run lên, miệng xuýt xoa và đôi mắt thơ ngây ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của chúng tôi.

“Ngôi nhà” của em Lỳ Xố Hà (13 tuổi) ở bản Tạ Phu xã Ka Lăng chỉ là chiếc lều rộng chừng 5m2, mái lợp bằng lá rừng và phủ tấm bạt che mưa. Tường ghép bằng những ống nứa đập dập. Mấy cành cây, vài tấm ván, manh chiếu sờn, chăn, màn khét lẹt mùi khói là giường ngủ của em. Thứ đáng tiền nhất là chiếc hòm tôn dưới gầm giường và bộ quần áo đi học treo ở góc “nhà”. “Bây giờ học lớp 8, em đã ở đây được 3 năm”, Hà cho biết. Hằng ngày, em dậy từ 5 giờ 30 sáng để học bài. Chiếc đèn dầu tự chế bằng vỏ lon bia là bạn đồng hành của em suốt chặng đường học chữ mấy năm qua. Chiều đi học về, em phải lên rừng kiếm củi, xuống suối lấy nước cách nơi ở gần 1 cây số. Buổi trưa những ngày được nghỉ học, em tranh thủ xuống suối bắt cá cải thiện bữa ăn. Nhớ lại những ngày đầu đi học ở đây, Hà kể: “Nhà có 3 anh em, em lớn tuổi nhất  nên được ra đây học. Ban  đầu chỉ muốn về vì nhớ nhà, thương bố mẹ, thương 2 em nhỏ”.

Trường cách bản xa, đường đi gập ghềnh dốc núi nên những học sinh này khoảng 1 tháng mới được gặp bố mẹ một lần. “Cứ khoảng 2- 3 tuần bố mẹ em lại ra thăm một lần, mỗi lần mang cho em ít gạo, rau, củ và khoảng 20.000 đồng. Chỉ khi nào có tiền bảo vệ rừng thì em được 100.000 đồng”, Hà lí nhí kể. Với số tiền ít ỏi ấy em tự trang trải cuộc sống trong suốt một tháng trời. Tiền chủ yếu được dùng để mua vở, bút, dép, xà phòng... còn quà vặt thì không bao giờ có. Tuy nhiên, muốn mua được những thứ ấy Hà và các bạn ở đây cũng phải đi bộ mất nửa buổi sáng.

Có mặt tại đây lúc 5 giờ chiều mùa đông, bóng tối và giá rét dường như muốn khía sâu vào da thịt. Đây là lúc các em đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Bữa ăn của các em chủ yếu là cơm, canh rau cải, lạc, họa hoằn lắm mới có trứng, cá khô. Gia vị cho món ăn chủ yếu là muối. Dầu mỡ, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt ở đây là thứ xa xỉ. “Thịt thì phải 1 tháng mới được ăn một lần”, em Chang Phi Phố thỏ thẻ. Em kể, nhà em ở bản Pát Ma xã Ka Lăng, cách trường gần 30 cây số. Nhà xa, bố mẹ em phải lặn lội ra tận đây dựng “nhà” gần trường cho em ăn học.

Trong số những đứa trẻ trọ ở khu “ký túc xá” này thì nhà gần nhất cũng cách trường gần 20 km, còn xa nhất phải 40-50 km. Muốn vượt quãng đường này mất cả ngày đi bộ, có khi phải sang ngày thứ hai mới đến trường. Vậy mà những học sinh ở đây - lớn nhất mới 16 - 17 tuổi, nhỏ nhất mới 8 tuổi - đã vượt qua tất cả những triền dốc dựng đứng, lội suối, xuyên rừng rậm để đến với con chữ. Mỗi đứa trẻ đi học, bố mẹ đều phải ra tận trường “dựng nhà” cho con “nội trú” học.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.