'Cõng' thuốc lên Hòn Kẽm Đá Dừng

05/12/2017 07:18 GMT+7

Những chuyến tiếp xúc với bệnh nhân ở vùng hẻo lánh, nơi người dân mắc bệnh rồi để... tự hết chứ không được chữa trị, đã khơi gợi nhiều cảm xúc nghề nghiệp ở các bác sĩ trẻ.

Ngày 2.12, Đoàn thanh niên Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ TP.Đà Nẵng, nhà thuốc Khang Hi và Hội Từ thiện chùa Pháp Hội (Đà Nẵng) tổ chức chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 400 người dân thuộc xã Quế Lâm (H.Nông Sơn, Quảng Nam).


Kết nối trái tim tình nguyện
Nhiều sân chơi vui tươi, sôi động đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng thanh thiếu nhi và người dân qua chương trình Kết nối trái tim tình nguyện và phát động chiến dịch thanh niên tình nguyện Xuân biên giới năm 2018.
Quế Lâm là xã miền núi xa xôi nhất của H.Nông Sơn, nơi được biết đến với những cái tên làng Tí, Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm Đá Dừng ở thượng nguồn sông Thu. Vùng này vừa bị cô lập, ngập sâu trong biển nước giữa những đợt lũ chồng lũ tháng 11 vừa qua.
Nghe có đoàn bác sĩ trẻ tình nguyện lên đến tận Hòn Kẽm Đá Dừng, từ sáng sớm bà con ở những thôn làng tận trong núi như Tứ Nhũ, Thạch Bích, Cấm La… đã lội bộ, đi đò vượt qua những vùng bị nước chia cắt mới đến được UBND xã Quế Lâm để khám bệnh.
Cụ ông Nguyễn Đính (85 tuổi) nằm trong nhóm những người lớn tuổi được ưu tiên khám trước. Nhưng ngay sau khi đo huyết áp cho cụ, bác sĩ trẻ Trần Phước Sinh (Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) đưa cho cụ một viên hạ áp cấp tốc và “đặt” vào diện phải theo dõi.
“Cõng” thuốc lên tận thượng nguồn sông Thu để khám bệnh cấp phát miễn phí cho bà con
“Phần nhiều các cụ già ở đây huyết áp rất cao, kèm theo các bệnh lý về tim mạch, nên đều phải cho uống thuốc để hạ áp và theo dõi vì rất dễ rơi vào tình trạng đột quỵ. Sau khi khám, chúng tôi cấp thuốc cho các cụ và hướng dẫn người nhà theo dõi thường xuyên phòng bất trắc trong những ngày giao mùa, năm hết tết đến”, bác sĩ Sinh cho biết.
Không riêng gì cụ Nguyễn Đính, nhiều cụ già đến khám cũng được cảnh báo các bệnh về tim mạch, huyết áp, cơ xương khớp, thoát vị. Cụ Đính nói, cả đời cụ sống trên núi, làm nông, có bệnh thì... tự hết chứ cũng chưa bao giờ đi khám bác sĩ. Đây là lần đầu tiên được bác sĩ đến khám và phát thuốc nên xa mấy các cụ cũng lặn lội tới. Hiểu được nỗi khốn khó này, bác sĩ Phạm Minh An (Bệnh viện Đà Nẵng) xúc động: "Những chuyến tình nguyện đến tận vùng núi xa xôi hẻo lánh, tận mắt thấy điều kiện tiếp cận y tế của người dân còn nhiều khó khăn thực sự đã khơi gợi nhiều cảm xúc nghề nghiệp trong chúng tôi”.
Anh Võ Doãn Điều, Bí thư Đoàn Bệnh viện Đà Nẵng, cho hay nguồn thuốc do các đoàn viên thanh niên vận động và “cõng” lên núi đợt này chủ yếu là các loại điều trị đau cơ xương khớp, tim mạch, huyết áp ở người già, thuốc kháng sinh, thuốc bổ cho trẻ em.
Đoàn cũng đã mang theo lượng lớn thuốc rối loạn tiêu hóa, thuốc chữa các bệnh về mắt, da liễu để phục vụ người dân vì đây là những loại bệnh thường phát sinh ở những vùng ngập lụt.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Đức Nhân, quyền Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết riêng trong năm 2017, Đoàn thanh niên Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức 5 chuyến khám chữa bệnh tình nguyện vì cộng đồng ở những vùng bão lũ vừa đi qua với kinh phí khám, phát thuốc và tặng quà lên hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến.
"Những hoạt động tình nguyện như thế này mang lại cơ hội tầm soát bệnh cho người dân các huyện vùng cao. Nhưng đây cũng chính là dịp để các đoàn viên thanh niên, các y bác sĩ trẻ trau dồi y đức, chuyên tâm với nghề, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân”, tiến sĩ Nhân nói.


Xóa nỗi lo mỗi khi có nước lũ
14 cây cầu được Tỉnh đoàn Bình Định chọn để đầu tư xây dựng đều ở những vùng nông thôn hoặc miền núi, đời sống của người dân rất khó khăn, trong đó một phần do giao thông cách trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.