Cú sốc tuổi 20: Bác sĩ "sốc" cùng bệnh nhân

06/04/2010 18:24 GMT+7

Bị bệnh, ai cũng có ý thức phải tìm đến bác sĩ, nhưng lại có rất ít bạn trẻ bị bệnh trầm cảm tìm đến bệnh viện do họ sợ bị cho là thần kinh. Vì vậy, hầu hết những người bị bệnh trầm cảm được đưa đến viện thường đã trong tình trạng khá nặng.

3 tuần, 2 lần tự tử

Những ngày đầu tháng 3-2010, Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân uống hơn 60 viên thuốc ngủ các loại để kết liễu cuộc đời. Đó là Phan Thị Dương, 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai trường ĐH nông Nghiệp Hà Nội, quê ở Nam Định. Sau hơn một tuần điều trị, Dương được cứu sống.

Ra viện, để quên đi nỗi ám ảnh về cái chết, Dương bỏ học, bán hàng thuê ở một cửa hàng quần áo từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. “Bình thường mọi người chỉ làm một ca, em xin làm hai ca vì em sợ cảm giác ở nhà một mình”, Dương nói.

Thế nhưng, chỉ 2 tuần sau, Dương một lần nữa tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc ngủ. Cô âm thầm gom nhiều loại thuốc ở các hiệu thuốc khác nhau.

“Lúc đó, trong đầu em cái chết cứ lởn vởn, em không thoát ra được, cũng không cầu cứu ai, chỉ nghĩ cách để nhanh chóng kết thúc cuộc sống”, Dương nói. Và cô đã thực hiện lần nữa khi một mình trong căn phòng trọ. May mắn, người em họ cùng phòng phát hiện và đưa đi cấp cứu.

Lần cấp cứu thứ hai, cô được đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân chán nản do môi trường học không đúng sở thích. Hơn nữa, chứng kiến cái chết bất ngờ của người anh họ đã làm cho bệnh nhân bị sốc.

Tốt nghiệp lớp 12, Dương thích chuyên ngành du lịch, mẹ của Dương lại muốn con thi vào trường ĐH Nông nghiệp để về quê dễ xin việc. Bác ruột cô có chức sắc trong ngành này ở tỉnh. Vốn ngoan ngoãn, cô nghe theo mẹ. Thế nhưng, những bài giảng, giáo trình khiến cô chán ngán và ghét bỏ.

Người duy nhất cô tâm sự, tìm đến sẻ chia là người anh họ hơn cô 2 tuổi, đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH Xây Dựng. Anh họ bị tai nạn giao thông chết. Dương sốc, suy sụp.

Sau đám tang anh, cô bỏ học nhiều hơn, ngồi lì trong phòng. Cô ôm ảnh anh ngủ mỗi đêm, vào nick yahoo anh mỗi ngày. Bỏ ăn, giấc ngủ chập chờn, cô thường xuyên bị bóng đè.

“Sao em không tâm sự với mẹ?”, tôi hỏi, “Em chưa bao giờ tâm sự với mẹ cả”, “Thế bạn thân thì sao?”, “Em cũng ít nói chuyện với họ”, cô nói.

Chính cô cũng không biết mình bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Cô thấy căng thẳng, mỏi mệt, khi ở một mình không thể kiểm soát được chính mình làm gì, nghĩ gì. Vì thế Dương tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

Chị Lã Thị Hiền, mẹ Dương hơn một tuần nay ở viện chăm sóc con gái, cho biết: “Nghe tin báo, vợ chồng hốt hoảng lên với con, may còn cứu được. Vợ chồng tôi là nông dân cứ nghĩ cho con ăn học là tốt, không biết gì đến bệnh trầm cảm”, chị Hiền tâm sự.

Bó tay

“Hầu hết bệnh nhân tìm đến bệnh viện để khám, điều trị đều được cân bằng trạng thái để hòa nhập trở lại cuộc sống. Tuy nhiên, 26 năm trong nghề, không ít lần tôi bất lực trước bệnh nhân”, bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Điều trị Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), chia sẻ.

Đó là những người gặp những chuyện quá bất ngờ, quá sức chịu đựng. Tháng 7- 2009, bệnh viện tiếp nhận sinh viên Trần Thu Nguyệt, 20 tuổi, ở Chùa Hà, Hà Nội, được mẹ đưa đến bệnh viện trong trạng thái tuyệt thực, cấm khẩu, viêm nhiễm đường sinh dục. Người tình - thầy giáo ép  Nguyệt quan hệ tình dục.

Sau hai tuần điều trị, Nguyệt trải lòng với bác sĩ về chuyện bị ép trong chuyện tình trái ngang của mình.

Nguyệt là sinh viên năm thứ 2 ở một trường ĐH. Nguyệt bị ép quan hệ tình dục hơn một năm nay. Nguyên nhân là một lần cô tìm đến thầy nhờ hướng dẫn, bị thầy đóng cửa phòng ép quan hệ.

Sau Nguyệt cứ cần tiền mua áo, giày dép thầy lại cho, thành quen. Khi nhận thức được vấn đề, Nguyệt muốn thoát khỏi thầy giáo, nhưng bị  truy tìm.

Bị viêm nhiễm vùng kín, Nguyệt cầu cứu mẹ. Cả gia đình Nguyệt sợ tai tiếng đã chuyển nhà. Thế nhưng, đi đến đâu ông thầy đó vẫn tìm Nguyệt.

“Trong trường hợp này, phần vì cô gái quá bồng bột, bị phụ thuộc, bố mẹ khi biết chuyện lại hành xử không đúng cách”, bác sĩ Hiển nói.

Hay như chuyện một bệnh nhân nam trầm cảm vì ức chế quá nhiều trong công việc. Anh ta làm ở bộ phận kế toán của một Cty, bản tính cương trực nhưng bị sếp chỉ đạo trực tiếp bớt xén tiền, sửa sổ sách.

Phản ứng, bị những người liên quan trù dập. Sau hai năm chịu đựng, cộng với cú sốc người yêu bỏ đi lấy chồng khiến anh đột quỵ.

“Tiếp nhận trường hợp gặp hoàn cảnh oái oăm như thế, chúng tôi khó khăn khi an ủi, giải thích cho bệnh nhân hiểu để họ chấp nhận. Họ đang ở trong giai đoạn sốc cấp tính. Cú sốc đó quá lớn, quá bất ngờ vượt quá ngưỡng chịu đựng của bệnh nhân. Thời gian đầu, bác sĩ phải dùng thuốc để bệnh nhân tạm quên, giúp bệnh nhân an thần và ngủ”, bác sĩ Hiển cho biết.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.