Cuối tuần đón gió tại giếng nước 'siêu to, khổng lồ'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
14/03/2021 15:17 GMT+7

Đón gió tại giếng nước 'siêu to, khổng lồ' hay chụp hình bên bờ kè sông Tiền mát rười rượi…Đó là những trải nghiệm của chúng tôi khi về TP.Mỹ Tho,Tiền Giang vào dịp cuối tuần.

Những ngày đầu tháng 3, cái nắng tại TP.HCM oi bức khiến  nhóm chúng tôi quyết định đi miền Tây một chuyến vào cuối tuần.

Một thành viên trong nhóm đề nghị về giếng nước ở TP. Mỹ Tho đón gió. Thế là chúng tôi lên xe và “phóng”  về miền Tây. Theo đó, từ TP.HCM chúng tôi chạy dọc quốc lộ 1A và chỉ mất gần 2 tiếng đồng hồ là đã đến được giếng nước “siêu to, khổng lồ” ngay trung tâm TP. Mỹ tho, Tiền Giang.

Khung cảnh nên thơ

Vừa đến nơi, mọi người đã cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành. Tại giếng nước, từng cơn gió thổi nhẹ làm mọi người cảm thấy rất dễ chịu. Nhìn những đám lục bình bồng bềnh một góc giếng mà lòng cảm thấy thoải mái. Nhìn trẻ con nô đùa, chơi lướt ván, ai cũng cảm thấy yêu đời.

Trên mặt giếng không hề có rác, mỗi khi có cơn gió thổi qua là nước gợn sóng lăn tăn dưới ánh nắng chiều khiến khung cảnh nơi đây trở nên lãng mạn và nên thơ hơn bao giờ hết.

Giếng nước nên thơ dưới bầu trời xanh

Ảnh: Tấn Đạt

Nhiều người trẻ đi chơi xa ghé giếng nước để đón gió

Ảnh: Tấn Đạt

Phan Quốc Bảo, 21 tuổi, sinh viên năm cuối chuyên ngành hướng dẫn viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, cũng phải thừa nhận rằng nơi đây thật yên bình mặc dù giếng nước nằm ngay ở trung tâm TP. Mỹ Tho.

Người trẻ chơi lướt ván về chiều

Ảnh: TĐ

Yên bình và mát rười rượi

Giếng nước Mỹ Tho chia thành hai ô: Giếng nhỏ nằm sát sông Tiền, hình vuông mỗi cạnh khoảng 150 m. Giếng lớn phía trong hình chữ nhật, dài 800m, rộng 150 m. 

Chiều đến, dòng nước yên bình đến lạ

Giếng nước sao lại khổng lồ? 

Theo các tài liệu xưa, giếng nước TP.Mỹ Tho vốn là hào bảo vệ thành Định Tường được Vua Minh Mạng cho đào năm 1826, dài hơn 1.000m. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chính quyền thực dân đã cải tạo, mở rộng hào thành này và đặt tên là kênh Nicolais. Chiều rộng kênh khoảng hơn 100m.

Gọi là "giếng nước" nhưng thật ra nó là...hào

Kinh Nicolas theo thời gian bị bùn lấp cạn dần. Hai bên bờ cỏ lau rậm rạp. Đến năm 1927,  một kỹ sư người Pháp lập đề án cải tạo kinh Nicolas thành hồ chứa nước. Giếng nước Mỹ Tho hiện thời đã được cải tạo, không còn rộng như trước. Tuy nhiên địa danh này cũng đã trở thành biểu tượng văn hóa khi mọi người nhắc đến Mỹ Tho.

Chưa bao giờ nhàm chán

Khoảng 17 giờ chiều, chúng tôi di chuyển ra bờ kè sông Tiền để đi dạo. Tại đây, nhiều bạn trẻ cũng thích thú khám phá và chụp hình ghi lại khoảnh khắc đẹp bên dòng sông.

Tuy là người dân ở đây nhưng với Nguyễn Trần Hoài Phương, 23 tuổi, chưa bao giờ “chán” cái khung cảnh lãng đãng bên bờ kè này. “Đi bộ dạo bờ kè là một cảm giác chưa bao giờ nhàm chán. Mỗi lần bước đi trên con đường này, mình vừa cảm thấy thân quen, vừa cảm thấy mới lạ”, Hoài Phương chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ địa phương đi dạo, chụp hình

Ảnh: Tấn Đạt

Bờ kè nơi đây sáng có thể đón bình minh, chiều ngắm hoàng hôn. Phía xa xa là cầu Rạch Miễu

Ảnh: Tấn Đạt

Nếu đủ thời gian, bạn có thể chạy lên cầu Rạch Miễu đón hoàng hôn (mất khoảng 20 phút di chuyển từ bờ kè) 

Ảnh: Tấn Đạt

Hoài Phương còn cho hay người dân Mỹ Tho rất thích thú với con đường dọc bờ kè sông Tiền. Không chỉ đón gió, thư giãn mà còn có thể đón hoàng hôn và ngắm nhìn cầu Rạch Miễu từ phía xa xa.

Cùng với người mình yêu rảo bước bên bờ kè ngắm nhìn dòng sông Tiền yên bình hay thưởng thức các món ăn vặt như bánh tráng nướng, nước mía…, là những trải nghiệm mà chúng tôi không bao giờ quên khi đến TP.Mỹ Tho, Tiền Giang.

Những chiếc bánh tráng mềm thơm, trắng tinh được cho lên bếp nướng cùng nhân trứng và bơ, tép mỡ béo bùi.

Ảnh: Tấn Đạt

Bánh tráng nướng có thêm mắm ruốc mang đến trải nghiệm thú vị cho người thưởng thức

Ảnh: Tấn Đạt

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.