Đa dạng việc làm thêm cho sinh viên

30/07/2015 05:00 GMT+7

Công việc để sinh viên làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học ngày càng đa dạng.

Công việc để sinh viên làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học ngày càng đa dạng.

Nhóm sinh viên làm dàn chào tại một nhà hàng tiệc cưới - Ảnh: Thanh Đông
Nhóm sinh viên làm dàn chào tại một nhà hàng tiệc cưới - Ảnh: Thanh Đông
Giúp việc nhà theo giờ
Nguyễn Thị Thắm, sinh viên (SV) Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM so sánh: “Nếu phụ quán cà phê mỗi ca 8 tiếng, ngày nào cũng làm mà thu nhập chỉ được 1,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hiện mình đang làm giúp việc nhà theo giờ cho một gia đình trên đường Đào Duy Từ, Q.10. Mỗi tuần làm 3 buổi, mỗi buổi làm 3 tiếng (40.000 đồng/tiếng). Mỗi tháng thu nhập cũng hơn 1,4 triệu đồng, tính ra khỏe hơn nhiều”.
SV giúp việc nhà - Ảnh: Lê ThanhSV giúp việc nhà - Ảnh: Lê Thanh
Đỗ Thị Tuyết, SV Trường ĐH Sài Gòn vừa nhận giúp việc nhà cho một gia đình tại P.Thạnh Xuân, Q.12 từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối, thu nhập gần 100.000 đồng/buổi. “Công việc của mình chủ yếu là nấu bữa cơm tối cho hai vợ chồng và hai đứa con. Nếu có nguyên liệu sẵn trong tủ lạnh thì chị chủ dặn mình lấy ra nấu, còn không thì chị chủ đưa tiền cho mình đi chợ, họ thích ăn món gì mình nấu món đó. Có yêu cầu gì phát sinh thì chị chủ điện thoại hoặc viết giấy để trên bàn cứ thế mình làm theo yêu cầu”, Tuyết nói.
Theo anh Nguyễn Trọng Hoàng (Trung tâm hỗ trợ HS - SV TP.HCM), mỗi ngày trung tâm tiếp nhận cả chục cuộc điện thoại từ các gia đình nhờ giới thiệu SV làm công việc này nhưng trung tâm chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Bưng - đứng và chào
Buổi trưa nắng đổ lửa, Hồ Bích Ngọc, SV năm hai Khoa Quản trị kinh doanh Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM đến một nhà hàng chuẩn bị làm thêm. Sau khi trang điểm, làm tóc, thay đồng phục, Ngọc cùng 9 bạn trẻ xuống trước sảnh D đứng thành hai hàng, một bên nam, một bên nữ để chào khách đến dự tiệc cưới. Ngọc kể: “Mình làm công việc này được gần một năm rồi. Thấy công việc nhàn hạ, có tiền trang trải chi phí nên mình theo luôn”.
Đứng trong dàn chào, khoác bộ vest màu kem đồng phục, Đỗ Minh Trường, SV năm nhất Trường CĐ Cao Thắng trông khác hẳn lúc quần jeans, áo thun. Sở hữu chiều cao 1,75 m, Trường là một trong những gương mặt quen thuộc trong dàn chào. Trường kể: “Để trở thành nhân viên dàn chào, nữ phải có chiều cao từ 1,6 m, nam cao 1,74 m trở lên, ngoại hình dễ nhìn, mình đáp ứng được các điều kiện ấy sau khi được một quản lý nhà hàng phỏng vấn, thấy làm việc cũng vui nên mình theo luôn”.
Xuân Trúc, quản lý dàn chào cho biết, với một giờ đứng chào đón khách, các bạn được trả thù lao 50.000 đồng. Cái khó nhất là chịu đựng đứng lâu. Các bạn nữ phải mang giày cao gót, có khi phải đứng dưới trời nắng hoặc nơi không có quạt máy.
Nguyễn Duy Hưng, SV năm cuối, Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn thì tham gia đội bưng mâm quả. Duy Hưng kể: “So với dàn chào thì bưng mâm làm việc vất vả hơn, thời gian dài hơn. Nếu nhà trai và nhà gái ở xa nhau, khi bưng mâm quả cho nhà trai mình phải có mặt từ sớm để bưng mâm quả sang nhà gái. Một lần như vậy mất cả buổi. Tuy mệt nhưng vui”. Thù lao cho một buổi bưng mâm 120.000 - 150.000 đồng. Làm nghề bưng mâm quả cũng đòi hỏi về ngoại hình, có chiều cao, gương mặt dễ nhìn, tươi vui.
Dù vẫn còn những lăn tăn trong công việc, thỉnh thoảng gặp chủ nhà khó tính, nhăn nhó..., nhưng nghề bưng - đứng - chào vẫn là lựa chọn đầu tiên của nhiều SV có ngoại hình để có thêm tiền trang trải học tập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.