Đà Nẵng: Thiếu địa điểm vui chơi, giải trí cho thanh niên nông thôn

01/04/2007 16:35 GMT+7

Ngày 2.9.2000, lần đầu tiên Đà Nẵng bắn pháo hoa kỷ niệm 55 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bắt đầu từ đấy, không bỏ sót một lần, mỗi khi thành phố tổ chức bắn pháo hoa, Huỳnh Đức Tài, một thanh niên của vùng ven Hòa Xuân, đều rủ các bạn trong làng chạy xe qua phố để tận mắt chứng kiến những màn pháo hoa lung linh, rực rỡ. Theo Tài, chỉ có những ngày lễ, Tết hoặc những sự kiện lớn... thanh niên nông thôn mới có những cơ hội hiếm hoi để vui chơi, giải trí…

Đến hẹn lại lên...

Trong cuộc chỉnh trang đô thị, những vùng quê Đà Nẵng lần lượt được đô thị hóa. Cho dù đã được “nâng cấp” từ xã lên phường nhưng diện mạo của những phường ấy vẫn là những làng quê nghèo khó, nông nghiệp chiếm đến 95% đời sống của người dân. Hiện nay, số lượng thanh niên Hòa Vang hơn 23 nghìn người, là khu vực có số lượng thanh niên nông thôn lớn nhất thành phố Đà Nẵng. Anh Trần Đình Ngô, Bí thư Huyện đoàn Hòa Vang cho biết: “Dù rất nỗ lực để tạo ra những sân chơi cho thanh niên nông thôn nhưng những hoạt động cũng chỉ tập trung vào các ngày lễ lớn bằng các hình thức “đóng khung” như hội trại, giao lưu, kết nghĩa, các cuộc thi...”. Vận động thanh niên vào những hoạt động vui chơi rất khó bởi Hòa Vang có 118 thôn/11 xã nhưng lại có đến 4 xã miền núi, 4 xã trung du và chỉ có 3 xã đồng bằng. Để chuyển một công văn đến đầy đủ các Chi đoàn tốn hết 20.000 đồng tiền xăng, trong khi công tác phí của Bí thư Đoàn xã cũng chỉ 150.000 đồng/tháng.

Kinh phí hoạt động Đoàn, Đội của một phường hoặc xã chỉ hòm hèm 11-12 triệu đồng/năm, trong khi để một đêm văn nghệ cho thanh niên “ngốn” đến 3-4 triệu đồng. Tống Thanh, Bí thư Đoàn phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), cho biết: “Ngoài những hoạt động “đến hẹn lại lên” tổ chức vào các dịp lễ và mang tính định kỳ, còn lại, hoạt động văn hóa, giải trí của thanh niên nông thôn chỉ có thể nói ngắn gọn là khát”. Tại các làng quê, để hoạt động của thanh niên sôi nổi, rất cần sự năng nổ, nhiệt tình của Ban chấp hành Đoàn địa phương. Huỳnh Đức Tài, Phó Bí thư Đoàn Hòa Xuân cho biết thêm: “Một điều thuận lợi cho những người làm công tác Đoàn là thanh niên thôn quê rất thích văn nghệ. Dù “cây nhà lá vườn” nhưng khi phát động văn nghệ bao giờ cũng thừa tiết mục để trình diễn”. Vì thế, năm nào, Hòa Xuân cũng tổ chức được 12-15 đêm văn nghệ. Mới đây, vận động được 20 triệu đồng tài trợ của một doanh nhân, Đoàn Thanh niên Hòa Xuân đã tổ chức một giải bóng đá “tưng bừng” trên sân bóng - mới được UBND quận Cẩm Lệ đầu tư 450 triệu đồng xây dựng - cho thanh niên 9 khu vực của phường tham gia. Nhìn sân bóng chật cứng cổ động viên reo hò cổ vũ mới thấy được sự “thèm khát” vui chơi của thanh niên nông thôn lớn đến nhường nào!

Bức tranh bao giờ mới “sáng”?


...hầu như nhu cầu giải trí của thanh niên nông thôn vẫn chưa được đáp ứng khi các khu vui chơi đang ngày càng hoang phế - Ảnh: T.H
Cả phường Hòa Xuân, chỉ có 2 điểm kinh doanh rakaoke và tại Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) cũng chỉ 3-4 quán bán bún buổi sáng và 2 quán bán mỳ Quảng buổi trưa. Kinh tế là thước đo sự phát triển của một khu vực, trong đó, có trình độ dân trí. Tốt nghiệp cấp 2 là con số chung về học vấn của thanh niên những vùng quê nghèo. Với 11 nghìn nhân khẩu nhưng trong năm 2005 và 2006, cả phường Hòa Quý chỉ có 18 thanh niên thi đậu Đại học và 2 đậu Cao đẳng, nhưng năm 2007 đã có 10 em học sinh từ lớp 6-9 bỏ học. Và trong tổng số 2.769 hộ dân, Hòa Quý đã có đến 782 hộ nghèo. Đói nghèo, con đông, nhận thức xã hội thấp... các vùng nông thôn nghèo của Đà Nẵng vẫn cứ quẩn quanh giữa vòng xoay ấy. Từ nhận thức hạn chế, hiểu biết kém cỏi, một số thanh niên đã lao vào những cuộc vui chơi không điểm dừng để đến nay, riêng Hòa Quý đã có đến 8 ca nhiễm AIDS và 6 người đã tử vong. Không có chỗ để vui chơi, giải trí, nên không phải ngẫu nhiên khi hầu hết, mục đích đầu tiên trong việc kiếm tiền của thanh niên nông thôn là để uống cà phê và nhậu nhẹt. Hiện nay, dự án Khu đô thị sinh thái sân Golf Non Nước – Ngũ Hành Sơn đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phê duyệt, một tín hiệu vui nhưng đáng buồn khi 1.100 nhân khẩu của 330 hộ dân - trong đó, có rất đông thanh niên - đang có tâm lý chủ quan, chờ đợi nhận tiền đền bù giải tỏa của 320 ha đất dự án mà không chịu làm ăn! Đó đang là nỗi lo rất lớn của lãnh đạo phường Hòa Quý.

Thiếu địa điểm vui chơi, giải trí cho thanh niên, đó là thực tại của những vùng nông thôn Đà Nẵng và để thanh niên không hướng đến những cuộc vui chơi vô bổ, tiêu cực, các Đoàn Thanh niên địa phương đang nỗ lực vận động thanh niên tham gia vào những mô hình làm ăn kinh tế như Hội nuôi cá giống, làm đá, trồng rừng... Kinh tế phát triển sẽ nâng cao nhận thức và tạo nguồn kinh phí để Ban chấp Đoàn tổ chức những cuộc chơi phù hợp với lứa tuổi thanh niên. Trăn trở của những cán bộ Đoàn các phường, xã hiện nay là mong lãnh đạo thành phố có chủ trương xây dựng những nhà văn hóa, thư viện, trong đó, có đầu tư âm thanh, máy móc, sách truyện... để thanh niên có một địa điểm tập hợp cùng nhau vui chơi, giải trí. Nhưng giữa ước mơ và thực tiễn, khoảng cách không quá lớn song cũng chẳng phải dễ dàng san lấp khi chức trách này, không hoàn toàn thuộc về những tổ chức Đoàn, Hội, Đội…

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.