Đánh thức ước mơ

26/01/2016 06:59 GMT+7

Không chỉ giúp hình thành văn hóa đọc, nhiều dự án thư viện đã hướng đến việc đưa các kỹ năng khơi gợi cảm xúc tích cực cho trẻ thông qua sách.

Không chỉ giúp hình thành văn hóa đọc, nhiều dự án thư viện đã hướng đến việc đưa các kỹ năng khơi gợi cảm xúc tích cực cho trẻ thông qua sách.

Chọn sách cho con tại “Ngày của sách” ở Trường tiểu học Nhị Trường C (Trà Vinh) - Ảnh: RTRVNChọn sách cho con tại “Ngày của sách” ở Trường tiểu học Nhị Trường C (Trà Vinh) - Ảnh: RTRVN
Thư viện và… hơn thế nữa
Trong hơn 1 năm qua, những ngôi trường ở các xã khó khăn của H.Vị Xuyên (Hà Giang) đã có thêm tủ sách. Theo chị Thúy Nga, Chủ nhiệm dự án “Sách cho em”, khi chứng kiến cuộc sống khó khăn của trẻ em nghèo các tỉnh miền núi phía bắc, chị và những người bạn nảy ra ý tưởng về việc thực hiện một dự án có thể mang lại những thay đổi lâu dài, bền vững. Chị Nga cho rằng việc rèn luyện thói quen đọc sách và quan trọng hơn là làm sao để trẻ không còn coi những cuốn sách nhiều chữ nghĩa là một chướng ngại vật cần vượt qua, là điều không dễ.
Bên cạnh việc thành lập thư viện, điểm nhấn của dự án chính là chương trình tập huấn cho thầy cô giáo và phụ huynh, bao gồm phần trải nghiệm, phần lý thuyết và phần thực hành. “Mục tiêu là trang bị cho giáo viên những kỹ năng và phương pháp giúp khơi gợi sự hứng thú đọc sách nơi trẻ. Bằng việc lồng ghép các hoạt động, trò chơi sôi nổi, các buổi tổ chức đọc sách sẽ giúp trẻ yêu thích, từ đó ngấm sâu các giá trị và bài học bổ ích mà sách mang lại. Chuyện duy trì niềm vui này một cách thường xuyên và đều đặn chính là yếu tố đảm bảo thói quen đọc sách cho trẻ, kể cả khi dự án đã kết thúc”, chị Nga nhấn mạnh
Còn ở các tổ chức như The Library Project (TLP) hay Room To Read (đều ở Mỹ), sách được xem là món quà ban đầu để tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận thông tin.
Thành lập từ năm 2006 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, TLP đã thành lập được hơn 1.500 thư viện ở khu vực châu Á, với đối tượng chủ yếu là các trường tiểu học và mái ấm trẻ mồ côi còn khó khăn ở VN, Campuchia và Trung Quốc. Theo các khảo sát nội bộ của tổ chức, dù ở quốc gia phát triển hay không, một thư viện sách sẽ trở nên lãng phí nếu giáo viên/thủ thư không tạo ra các hoạt động đi kèm để khuyến khích văn hóa đọc.
“Ngay từ thời gian đầu, TLP đã cung cấp các chương trình hỗ trợ miễn phí dành cho thủ thư và giáo viên, vì dự án tin rằng chính giáo viên sẽ là người động viên và thắp sáng đam mê tìm tòi nơi trẻ”, chị Vi Cao, đại diện của dự án The Library Project tại VN, chia sẻ.
Còn tại buổi lễ tổng kết năm hoạt động của Room To Read diễn ra tại Bình Định đầu tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã tham dự và hy vọng mô hình thư viện hiệu quả của tổ chức có thể được nhân rộng ra nhiều địa phương hơn nữa trên cả nước. Không chỉ tạo những hoạt động giải trí, trò chơi liên quan đến đọc sách, Room To Read cũng phối hợp với nhiều quỹ hỗ trợ nước ngoài để thực hiện những dự án đào tạo kỹ năng sống, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là nữ.
Giúp trẻ có tình yêu sách
Với kinh nghiệm thực hiện thư viện miễn phí “Sách 100” và công việc kinh doanh đồ chơi giáo dục cho trẻ em, anh Cấn Đình Việt lý giải rằng vấn đề như lựa chọn sách phù hợp (về ngôn ngữ, đặc điểm, thói quen và khả năng nhận thức), hướng tới việc khai thác sâu những giá trị, ý nghĩa từ sách, chính là cốt lõi của việc tạo dựng văn hóa đọc.
“Hiện nay mình chưa có khái niệm dạy đọc sách trong trường học, thậm chí có nhiều giáo viên gần như không có thói quen đọc sách. Do đó, việc huấn luyện cho giáo viên về đọc sách là vô cùng hữu ích, nếu có thể thì đưa luôn vào chương trình đào tạo cho sinh viên các trường sư phạm”, anh Việt chia sẻ.
Cũng theo anh Việt, sở dĩ giáo viên ít đọc sách là do không có đủ thời gian, khi ngoài dạy học giáo viên còn phải lo vấn đề cơm áo gạo tiền.
Còn theo chị Thúy Nga, ngoài nhà trường, gia đình chính là nơi gieo mầm tình yêu sách cho trẻ, giúp các em cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống, để ước mơ bằng chính trí tưởng tượng bay bổng của mình.
“Nếu bố mẹ là người đọc nhiều, thì khả năng yêu thích đọc sách của con cái là rất cao. Ba mẹ có thể mua sách cho trẻ từ sớm, dẫn bé đi hiệu sách, thư viện cho tiếp xúc với các loại sách - truyện từ dễ đến khó, chủ đề từ đơn giản đến phức tạp, phân theo lứa tuổi. Chưa kể là trong giao tiếp hằng ngày có thể nói chuyện với con về lợi ích của sách. Trẻ con hiểu nhanh lắm, hơn người lớn nhiều, vì đầu óc các em trong sáng, tinh khôi”, anh Việt khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.