Để doanh nghiệp đồng hành cùng thanh niên

27/08/2012 09:12 GMT+7

Với khoảng 80 tỷ đồng tự huy động được mỗi năm (gấp đôi số tiền ngân sách được cấp), thành Đoàn TPHCM đứng đầu trong cả nước về khả năng tìm kiếm nguồn lực tài chính.

>> Tỉnh đoàn Hải Dương tập hợp thanh niên qua mạng xã hội
>> Giáo dục thanh niên qua mạng xã hội
>> Giúp thanh niên Tây nguyên phát triển sản xuất

Bí thư thành Đoàn TPHCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, cần phải có các chương trình công tác phù hợp, thiết thực, hiệu quả thực sự mới có thể thuyết phục người khác bỏ tiền ra cho Đoàn.

doanh nghiệp đồng hành cùng thanh niên 
Hiệu thuốc thanh niên giúp tạo kinh phí cho Đoàn tại TPHCM -  Ảnh: Quang Minh.

Không thành lập một tiểu ban hay nhóm phụ trách công tác huy động nguồn lực tài trợ, thành Đoàn TPHCM giao các đơn vị trực thuộc trực tiếp đảm trách việc vận động thêm nguồn lực của xã hội cho hoạt động.

 
Theo thống kê gần đây, trung bình hàng năm Thành Đoàn, Hội LHTN, Hội SV và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn vận động nguồn lực xã hội tài trợ được khoảng từ 70 đến 80 tỷ cho các hoạt động phong trào ( chưa kể số kinh phí do các tổ chức Hội thành viên ở cấp trực thuộc hội LHTN thành phố như: Doanh nhân trẻ, Hội du học sinh, Hội TN khuyết tật, các CLB, đội nhóm...)

Không phải khi nào gõ cửa, DN cũng sẵn sàng hỗ trợ nên việc cán bộ Đoàn bị khước từ là chuyện thường.

“Kinh tế khó khăn, nhiều DN thắt chặt nguồn chi nên càng khó vận động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN kinh doanh tốt và tâm huyết với thanh niên (TN) nên chúng tôi vẫn huy động được”, Bí thư thành Đoàn TPHCM cho biết. Theo anh Hiếu, điều mạnh nhất mà Đoàn làm được là tổ chức hoạt động đúng đối tượng , thực tế và có giá trị xã hội cao, đủ sức thuyết phục DN chung tay chăm lo cho TN.

“Đối với những DN thân tình, chúng tôi quan tâm đến cả chuyện vui, buồn của họ, cùng chia sẻ và có chuyện gì có thể hỗ trợ, chúng tôi sẵn lòng giúp sức”, anh Hiếu nói.

Lý giải vì sao Thành Đoàn TPHCM luôn là đơn vị huy động được nhiều tài trợ cho hoạt động phong trào, anh Nguyễn Văn Hiếu cho hay, một phần nhờ kinh tế phát triển mạnh, người dân lại có truyền thống nhường cơm sẻ áo nên khi có điều kiện họ sẵn lòng chung tay với các đoàn thể xã hội trong đó có Đoàn TN để chăm lo cho người nghèo, thanh thiếu nhi.

 doanh nghiệp đồng hành cùng thanh niên
Diễn kịch truyền thông dinh dưỡng cho thanh niên công nhân tại TPHCM -  Ảnh: Quang Minh.

Tạo uy tín với nhà tài trợ bằng hiệu quả hành động cũng là việc làm thường xuyên giúp gắn kết giữa Đoàn với DN. Đại học Kinh tế TP HCM là một trong những đơn vị tiêu biểu của Thành Đoàn trong việc tạo kinh phí.

 

Công khai nguồn vốn

Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, để tạo uy tín với nhà tài trợ, số kinh phí luôn được sử dụng tiết kiệm, công khai, minh bạch, đảm bảo hướng tới đúng đối tượng và thực hiện đúng cam kết, hướng tới đích cuối cùng là chất lượng các hoạt động phong trào, đồng thời tuyệt đối không làm thất thoát hay lạm dụng nguồn vốn đó.

Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế TP HCM Phan Ngọc Anh cho biết, mỗi năm, Đoàn trường vận động được 1,5- 2 tỷ từ xã hội để tổ chức khoảng 1.000 chương trình từ cấp trường xuống các cấp khoa, CLB, đội, nhóm.

“Cách tốt nhất để thu hút DN là tổ chức chương trình tốt, chọn DN phù hợp và hiểu được mong muốn của họ là gì. Ngoài ra, còn phải biết thiết lập mối quan hệ tốt với DN và gây dựng cộng đồng cựu sinh viên trường”, Phan Ngọc Anh chia sẻ. Có kinh nghiệm đi vận động tài trợ từ khi còn là sinh viên, Ngọc Anh cho rằng điều cốt lõi của việc vận động là phải trả lời được câu hỏi “lợi ích của nhà tài trợ là gì?”.

Theo Ngọc Anh, bí quyết để có nhiều kinh phí tổ chức hoạt động Đoàn Hội là phải hoạch định ngay từ đầu những chương trình cần có sự tham gia của DN, chuẩn bị các khâu liên quan, chọn đúng thời điểm khi DN hoạch định tài chính cho năm sau...

Anh Lê Hoài Phong, Bí thư huyện Đoàn Cần Giờ chia sẻ, một yếu tố nữa làm nên thành công trong quá trình mang kinh phí về cho Đoàn là sự trung thực.

Theo anh Phong, khi gửi thư mời, cần làm rõ các vấn đề vận động làm gì, bao nhiêu kinh phí là đủ cho hoạt động.

Đặc biệt, không vận động dư số tiền cần tổ chức để tư lợi riêng. Ở huyện Đoàn Cần Giờ, khi DN từ chối tài trợ, Đoàn không cố đeo bám, mà đưa vào danh sách những mạnh thường quân tiềm năng để gõ cửa trong những lần sau.

Theo Hải Yến/ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.