Đi học “nhảy quốc tế”

03/05/2008 15:18 GMT+7

Điệu Sài Gòn dễ ẹt, ai nhảy mà chẳng được. Đẳng cấp hay không ở điệu quốc tế kia!" - nghe cô bạn nói quá bùi tai, tôi mạnh dạn ghi danh học lớp dancesport.

Khó học?

Trước khi chính thức "lên sàn", tôi may mắn được dự một buổi học cuối khóa của một lớp dancesport (khiêu vũ thể thao) tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM. Trong căn phòng rộng chừng 60m2, nền lót gạch hoa, khoảng 70 học viên đang ôn lại những động tác đã học trong một tháng qua. Lớp học này nam ít hơn nữ. Bởi vậy, có một số người nữ phải đóng giả nam để nhảy cho có đôi. Có khoảng 4-5 học viên nữ tập một mình... "Khó quá!", nhiều người xuýt xoa. Nhảy gì mà cái mông lắc quá trời, tay dang ra như đang bay, động tác mạnh, xoay người điệu nghệ. Cô giáo lại toàn dùng tiếng Anh để hô nhịp... Kết thúc lớp học, hai huấn luyện viên (1 nam, 1 nữ) đã biểu diễn một bài tuyệt đẹp để giới thiệu chương trình học kế tiếp. Nhiều tiếng chặc lưỡi (không biết là thán phục hay... than thở?!) nổi lên trong nhóm học viên cũ. Chị Mai - 27 tuổi, nhân viên kế toán, nói: "Chỉ có một điệu samba này thôi mà học suốt 2 tháng cũng chưa chắc... thuộc bài!". 

Những địa điểm thường xuyên mở các lớp dancesport

- Cung văn hóa Lao động TP.HCM (55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1)
- Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM (192-194 Lý Chính Thắng, Q.3)...

Vì môn học tương đối "khó nuốt" nên một số học viên phải thuê người dạy kèm riêng. Hoàng, một vũ công chuyên dạy những "điệu Sài Gòn" (những điệu khiêu vũ giao tiếp phổ biến tại TP.HCM) ở một trung tâm văn hóa huyện ngoại thành cho biết anh phải đóng tiền (155 ngàn đồng/khóa học dancesport trong vòng 1 tháng) để có thể ra vào như những học viên khác. Bù lại, Hoàng được nhận thù lao 700 ngàn đồng/tháng, tiền công kèm cặp cho một phụ nữ cùng lớp. Rất nhiều người ngấp nghé định học dancesport thường được tư vấn thế này: Cần biết những "điệu Sài Gòn" trước, nếu không sẽ dễ bị rối tinh rối mù do không theo kịp chương trình. Tuy nhiên, Hòa (22 tuổi, bán vải ở chợ Bến Thành) lên tiếng "cải chính" ngay: "Trước đây, em có biết nhảy nhót gì đâu nhưng vẫn dám "chơi" môn dancesport.

Mà em nhảy cũng đâu quá tệ, phải hông?".

Một điều khác biệt nữa là, nếu như ở nhiều lớp dạy "điệu Sài Gòn", học viên có thể mang bất cứ giày dép gì cũng được, thì ở các lớp dancesport, hầu như tất cả học viên đều có cùng loại giày. Với nam, đó là giày tây cao từ 1-3 cm tùy sở thích, chiều cao của người mang. Với nữ, là loại giày cao gót (chừng 7 cm) có sợi dây ôm gọn cổ chân. Còn theo huấn luyện viên (HLV) Trần Viết Bằng - Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, học khiêu vũ thể thao phải trên sàn gỗ mới thực sự an toàn; học viên cần phải mang giày có độ bám cao... 

Mơ ngày “tranh hùng tranh bá”

Trở về nước sau 6 năm tầm sư học... dancesport tại Đài Loan, Nguyễn Thụy Trường An (năm nay 28 tuổi) là một trong những HLV đầu tiên dạy môn khiêu vũ thể thao tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, cách đây 2 năm rưỡi. Theo HLV Trường An, để học môn khiêu vũ này, học viên phải có sức khỏe, kiên trì và có chút năng khiếu. Khác với quan niệm của nhiều người, HLV Trường An khẳng định: "Những người chưa từng học qua khiêu vũ sẽ như một tờ giấy trắng - học rất nhanh. Thực ra, từ những bước nhảy sắc nét, rõ ràng, điệu nào ra điệu đó của dancesport, người ta mới tạo ra điệu Sài Gòn". HLV Trường An vui mừng cho hay, một số học viên của cô đã tham gia thi đấu và giành được giải (một giải nhì, một giải năm và một giải sáu) tại Giải khiêu vũ thể thao TP.HCM mở rộng tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng hồi năm ngoái. "Môn khiêu vũ này không có điểm dừng, học hoài không hết!", đó là lý do khiến HLV trẻ này đã quay trở lại Đài Loan tu nghiệp thêm mấy lần. Từng đoạt nhiều giải thưởng dancesport ở Đài Loan và giải nhì cuộc thi mở rộng khiêu vũ thể thao lần thứ nhất ở Hà Nội năm 2005, song cô HLV trẻ này vẫn hướng đến các kỳ SEA Games sắp tới.

Anh Trần Duy Hùng (P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) nhẩm tính: Đến cuối tháng 4 này, anh đã học khiêu vũ thể thao được 14 tháng. Hùng học lên lớp trên, trên nữa, đến khi hết lớp để học thì anh... quay lại lớp ban đầu. Nhìn vẻ bề ngoài và cách Hùng nhảy, rất dễ lầm tưởng anh là một vũ sư chuyên nghiệp. Hùng cho biết, anh bị "hớp hồn" khi xem một chương trình biểu diễn dancesport trên kênh truyền hình nước ngoài cách đây mấy năm. Vào thời điểm đó, Hùng kiếm đỏ con mắt cũng không có nơi nào dạy dancesport tại TP.HCM. "Đây là môn học khó, nhưng tôi say mê nó!", Hùng nói chắc nịch. Với Hùng, tập lắc mông theo điệu chachacha là "trần ai" nhất. Mỗi ngày, anh dành hơn 1 tiếng để tập lại các bài đã học trên lớp, cũng là một cách chơi thể thao. Anh sắm đến 4 đôi giày cao - thấp, tây - ta đủ loại để dành riêng cho môn học này. Không chỉ hướng đến mục đích khỏe và đẹp, anh chàng này còn nuôi mộng một ngày nào đó sẽ tranh giải các cuộc thi dancesport, mà mục tiêu trước mắt là tranh giải cấp thành phố. Cũng như một số học viên "sống chết" với môn học này, điều duy nhất khiến Hùng "đau đầu" là vẫn chưa tìm được một partner (bạn nhảy) ưng ý, hòa hợp.   

 Nguyễn Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.