Đi khắp thế giới tìm đồ thủ công mỹ nghệ

02/01/2016 08:07 GMT+7

Là kiến trúc sư, mê xê dịch, thích sưu tầm đồ thủ công mỹ nghệ của các nước, chị Lê Nguyễn Hương Giang đã đi gần 60 quốc gia...

Là kiến trúc sư, mê xê dịch, thích sưu tầm đồ thủ công mỹ nghệ của các nước, chị Lê Nguyễn Hương Giang đã đi gần 60 quốc gia...

Chị Giang ở Nga -  Ảnh: NVCCChị Giang ở Nga - Ảnh: NVCC
Chị đi để tham quan nhiều làng nghề, tìm kiếm những sản phẩm kết tinh sáng tạo và nét văn hóa của nghệ nhân dân gian khắp nơi nhằm giới thiệu và làm đẹp cho những ngôi nhà Việt.
Độc hành trên các chuyến đi, luôn tự lên lịch trình cho mình, trong các chuyến du lịch qua gần 60 nước, chị Hương Giang thường ghé đến các ngôi chợ, ngôi làng làm đồ thủ công mỹ nghệ như một niềm say mê đặc biệt. Chị mê sản phẩm thủ công của những vùng đất đi qua như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Sri Lanka, Bangladesh, Iran, Lào, Myanmar, Mỹ, Hà Lan… chị sưu tập, đem về cửa hàng nhỏ do mình và cộng sự mở để “phục vụ” cho những người thích săn hàng độc.
Đi khắp thế giới tìm đồ thủ công mỹ nghệ 2
Cá tính mạnh của chị Hương Giang thể hiện đậm nét cả trong cách làm việc, khi chị rất năng động, luôn thích khai phá thị trường mới. Dù đã đi rất nhiều nơi nhưng chị chia sẻ: “Thật ra các con số không thể hiện được điều gì, cái quan trọng là mình làm được gì, mình thu thập được điều gì sau những chuyến đi. Những năm đầu tôi muốn đi khắp nơi thật nhanh, thật nhiều, sau dần thì thích chậm hành trình lại, đến những làng quê nhỏ thanh bình, tìm những vùng đất lạ mà dân du lịch ít đến. Có những quốc gia đến vài lần như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, có những nơi đến 20 lần như Malaysia, có nơi đến và ở lại như Myanmar…”.
Như những con cá hồi hay đi ngược dòng, trong ngành kiến trúc, chị Giang cũng không “cố thủ” trong nước như nhiều đồng nghiệp khác, mà chủ động tấn công sang thị trường nước ngoài. Từ những năm 2010, chị một mình sang Campuchia nhận đấu thầu thiết kế những công trình ở đây. Rồi năm 2012, khi thị trường Myanmar mở cửa cho người nước ngoài đầu tư, chị lại một mình qua mở chi nhánh, tự đi gõ cửa từng nơi để tiếp thị và đem hợp đồng về cho công ty mình. “Ban đầu vì lạ lẫm, khi nhận lời tiếp xúc với tôi, các công ty ở Myanmar chỉ muốn tìm hiểu xem thiết kế Việt như thế nào. Rồi thêm nhiều hợp đồng vì họ tin tưởng vào thẩm mỹ cũng như sự sáng tạo của các kiến trúc sư Việt, không kém những công ty nước ngoài khác. Các công trình nhiều thêm, có uy tín, tôi được giới thiệu sang Bangladesh thực hiện công trình thiết kế…. Không chỉ đi du lịch, tôi tranh thủ tìm các vật phẩm mang tính địa phương. Lúc đi công tác tôi thường dành ít ngày để tìm hiểu văn hóa, con người, chợ địa phương - điều này giúp tôi trong việc đưa ra ý tưởng thiết kế cũng như sưu tầm thêm được nhiều vật phẩm hay đem về nhà. Một công mà lợi nhiều đường”.
Đi khắp thế giới tìm đồ thủ công mỹ nghệ 3
Kim chỉ nam cho hành trình dài của chị Hương Giang là “nhập gia tùy tục”, đến mỗi đất nước phải tôn trọng tín ngưỡng, nền văn hóa của họ thì mình mới được tôn trọng lại. Cả chuyện mua bán cũng có kiểu cách khác nhau: “Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ thì không được mặc cả vì trả giá thế nào họ cũng không bán. Dẫu tôi có mua sỉ hết cả cửa hàng người bán vẫn không giảm tiền, tuy nhiên khi vận chuyển đường xa, trong đơn hàng sẽ được cộng thêm 5% số lượng hàng hóa để lỡ trên đường các mặt hàng gốm, thủy tinh có bị vỡ thì có sản phẩm thay thế. Ở Sri Lanka cũng thế, quốc gia này nổi tiếng với mặt hàng vải lụa và hàng thêu, đồ da thủ công vô cùng đẹp mắt. Nếu lỡ mê mẩn đồ lưu niệm ở đây hay các mặt hàng trang trí nhà cửa thì cứ mạnh tay mua, đừng tiếc tiền, vì so với giá bán ở nơi khác vẫn rất hời. Đừng trả giá, vì trả mấy người dân cũng không bán”.
Đi khắp thế giới tìm đồ thủ công mỹ nghệ 5
Chị Giang cho biết, quốc gia làm đồ thủ công đẹp và tinh xảo mà cả chị lẫn khách hàng Việt đều ưa chuộng là Myanmar. Tại đây có những làng nghề làm những hình thú bằng giấy bồi khổng lồ, những chiếc dù nhiều họa tiết đủ màu, hay món đồ gỗ trang trí độc đáo, lạ mắt… Người bán hàng ở đây được du khách khắp nơi đánh giá là thân thiện, dễ thương, nhưng khi đặt mua hàng ở Myanmar chị Giang cũng gặp nhiều rắc rối nhỏ. “Ở đây, khi đi mua hàng thì phải đợi. Dù cho bạn đặt số lượng nhiều, trước khi đến đã dặn đi dặn lại là nhận hàng thì vẫn phải chuẩn bị tinh thần không có hàng với lý do thợ của họ không chịu làm, hay hôm nay ngày lễ… Thích thì cứ đợi. Dẫu vậy, đẹp thì có quyền, ai thực sự muốn mua thì phải đợi”, chị cười chia sẻ.
Đi khắp thế giới tìm đồ thủ công mỹ nghệ
Còn nơi luôn phải cẩn thận trả giá, cẩn thận khi mua hàng mà chị Giang khuyến cáo là Ai Cập. Không chỉ mua hàng hóa, khi sử dụng dịch vụ cũng cần cẩn thận. Đất nước đẹp, thảm dệt đẹp, đồ da cũng đẹp nhưng dễ bị “chém”.
Bay đi và về giữa VN và các nước, bạn bè thấy chị khi thì đang ở nước này, lúc lại ở nước khác. Với chị: “Đi du lịch cũng là cách nghỉ ngơi. Đến những vùng đất lạ giúp tôi tìm cảm hứng sáng tạo mới, thiết kế nhiều công trình đẹp, rồi giúp những chủ nhà ở VN có thể trang trí không gian sống của mình theo cách riêng, độc đáo nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.