Độc đáo cà phê xóm trọ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/05/2021 08:16 GMT+7

Đó không 'ra dáng' quán cà phê, mà chỉ là mấy cái bàn kê trong khu xóm trọ buổi chiều, những ly cà phê do đoàn viên, thanh niên pha mời cô bác, anh chị em công nhân khi tan ca trở về phòng trọ.

Không chỉ là uống cà phê, nói chuyện vui, ở đây họ san sẻ với nhau những vất vả mưu sinh, tặng những phần quà nghĩa tình cho người và cả tuyên truyền pháp luật, tư vấn về nuôi dạy con… từ cán bộ công an, đại diện cơ quan, đoàn thể trong xã. Người xây dựng mô hình này là anh Lê Tuấn Dũng, 27 tuổi, Bí thư Đoàn xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM.

Giọt nước mắt mừng vui

4 giờ 45 một chiều cuối tháng tư, Lê Tuấn Dũng tấp xe máy vào một cửa hàng giải khát bên đường Trịnh Như Khuê, mua một bao đá viên. Xe anh chạy trước, tôi chạy sau về xóm trọ.
Xóm trọ của ông bà Sáu Cẩm, đồng thời là khu lưu trú văn hóa dành cho thanh niên công nhân ở tổ 2, ấp 3, xã Bình Chánh, hôm nay đông vui hơn bình thường. Trẻ con chạy lăng xăng, người lớn mỗi người giúp một tay, từ treo băng rôn, kê bàn, lấy ghế, chuẩn bị ly… Trong màu áo xanh, anh Dũng và các bạn đoàn viên cùng nhau pha cà phê mời cô bác và các bạn trẻ trong xóm.
Đúng 5 giờ, bà Đặng Thị Ánh Loan, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bình Chánh, trao đổi với bà con về cách phòng ngừa trộm cắp ở nơi ở trọ, những cuộc điện thoại của kẻ gian lừa đảo. Bà Loan còn nhắc nhở thêm, bây giờ con em công nhân trong xóm dùng điện thoại thông minh, có tài khoản trên mạng xã hội nên càng cần chú ý hơn, tránh bị tội phạm lợi dụng, lừa đảo. Sau phần hỏi đáp, nhờ hỗ trợ của anh em công nhân, bà con trong xóm, anh Dũng, bà Loan và các bạn đoàn viên trong ban tổ chức trao những phần quà cho 10 hộ gia đình khó khăn nhất. Còn lại hơn 30 phần quà khác, bà con trong xóm được tham gia trò chơi bốc thăm, ai cũng có quà mang về, xóm trọ đầy ắp tiếng cười.
Cô bé Cẩm Tú, 10 tuổi, hồn nhiên: “Chiều nay con và mẹ bán ít vé số hơn để về sớm. Giá ngày nào trong xóm cũng có các cô chú qua để con được uống cà phê sữa miễn phí…”. Anh Lâm Điền Trung, 38 tuổi, công nhân, quê ở Sóc Trăng, cười nói: “Lâu lắm rồi xóm mới vui như hôm nay. Tôi được tặng chai sữa tắm, sẽ tặng cho đứa em gái đang nuôi con nhỏ”.
Rưng rưng xúc động, chị Vương Thị Nguyệt Thảo, 34 tuổi, mẹ cháu Cẩm Tú, nói: “Tôi ở trọ xóm này đã 14 năm rồi. Tôi có 4 người con, đứa lớn 13 tuổi, đứa út 3 tuổi, chưa đứa nào được đi học. Chồng đi bắt cá, mấy mẹ con dắt nhau đi bán vé số. Hôm nay được tặng bịch quà này tôi mừng lắm. Chúng tôi đi làm chỉ mong đủ gạo để ăn, trả tiền thuê nhà là may. Có những ngày tiền trong túi chỉ đủ mua 4 gói mì, vợ chồng nhịn đói cho 4 con ăn”.
Độc đáo cà phê xóm trọ1

Các đoàn viên chuẩn bị cà phê mời các thanh niên công nhân, bà con xóm trọ

ẢNH: THÚY HẰNG

Cà phê sẻ chia

Từ tháng 7.2017, cà phê xóm trọ ra mắt. Cho tới nay, mô hình này được duy trì 3 tháng một lần, với những chủ đề tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng tránh lừa đảo… Mới đây nhất, cuối tháng 4.2021, mọi người cùng cà phê trong xóm để nghe phổ biến những lưu ý khi đi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.
Anh Lê Tuấn Dũng, Bí thư Đoàn xã Bình Chánh, chia sẻ bí thư tiền nhiệm từng ấp ủ về những buổi cà phê ở nơi trọ của thanh niên công nhân. Là người tiếp bước, anh Dũng đã biến ý tưởng thành hiện thực. “5 giờ chiều thì công nhân mới tan ca, người lao động tự do cũng có thể tạm gác lo lắng mưu sinh để ngồi lại bên ly cà phê. Mọi người vốn đã rất bận bịu, vất vả, nên khi chúng tôi đến tận nơi ở trọ của mọi người, bên cái bàn mộc mạc, uống miếng nước, nói câu chuyện sẽ dễ dàng tuyên truyền pháp luật, đưa tới bà con những lời khuyên hữu ích”, anh Dũng lý giải.
Kinh phí tổ chức từ chuẩn bị cà phê, những phần quà tặng được vận động từ các nhà hảo tâm, các cơ quan đoàn thể trong xã. Bà Đặng Thị Ánh Tú, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Chánh, chia sẻ bà rất mừng vì cà phê xóm trọ được duy trì đều đặn trong gần 4 năm qua. Bà nói: “Mình đến gần thanh niên công nhân, bà con ở trọ hơn, thì mọi người dễ lắng nghe mình nói hơn. Từ chuyện nuôi dạy các con, kế hoạch hóa gia đình, sau những chia sẻ thủ thỉ, gần gũi của chúng tôi, nhiều người đã làm theo”.
Còn bà Đặng Thị Ánh Loan bộc bạch: “Những món quà tặng thanh niên công nhân, bà con xóm trọ đều là thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, như nước mắm, bột ngọt, đường, sữa, sữa tắm, bịch nước xả… Ở xóm trọ có những hoàn cảnh rất tội nghiệp, trẻ quá tuổi đến trường vẫn chưa được đi học vì vướng mắc giấy tờ hoặc hoàn cảnh khó khăn. Khi cùng ngồi cà phê, mình lắng nghe tâm tư của mọi người rõ hơn để giúp đỡ họ. Tôi luôn nói với các gia đình ở đây, dù vất vả thế nào nhưng nhất định phải cho trẻ nhỏ đi học, đừng bao giờ để các cháu thất học”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.