Đưa xuân về đảo xa

19/01/2009 10:46 GMT+7

Mãi đến khi rời Hòn Khoai, yên vị trên tàu, chúng tôi vẫn còn luyến tiếc. Quà xuân đến với người dân nghèo và chiến sĩ ở hải đảo xa xôi không thể mang nhiều hơn, nhưng hơn tất cả có lẽ là sự ấm áp của hơi thở mùa xuân mà 50 người TP đã vượt qua bao khó khăn để mang đến nơi đảo xa, những ngày cận tết.

Về Hòn Chuối

Những con sóng dữ trong chuyến hải hành gần 20 hải lý (từ bến tàu Cà Mau đến đảo Hòn Chuối) đã quật ngã khá nhiều người trong đoàn công tác Mùa xuân biên giới lần 7 (MXBG 7). Nhưng, đó chẳng là gì cả với lần đi tiền trạm của các thành viên đoàn MXBG 7 cũng như mới 2 ngày trước đó biển động và sóng nước dâng cao khắp cầu tàu. 

Khi giáp mặt với Hòn Chuối từ ngoài xa, anh em trong đoàn đều khá ngạc nhiên khi thấy 3 – 4 chiếc vỏ lãi đã túc trực sẵn, bên cạnh đó là dãy nhà tạm bợ trên sườn đá chênh vênh hoàn toàn trống vắng và “trơ gan” cùng nắng gió biên thùy. Mùa gió bấc bà con đã “di tản” về bờ Tây đảo Hòn Khoai để tránh gió và sóng biển. Sóng quá to, chiếc tàu của chúng tôi không thể nào cập bến. Tàu dừng cách bờ gần 100m và “tăng bo” qua vỏ lãi.

Bước xuống vỏ lãi sát mặt biển cũng không dễ dàng gì. Thiết bị nghiệp vụ thì anh em biên phòng mang xuống giúp, nhưng con người thì phó mặc cho sóng biển. Mỗi một nhịp sóng dâng lên, chúng tôi buông mình từ tàu lớn cao khoảng 2m xuống vỏ lãi với sự tiếp sức, phụ giúp của chiến sĩ biên phòng.

Đến đồn 704, anh em chúng tôi phải bò trên những vách đá cheo leo, thẳng đứng để lên đến đỉnh đảo. Khác với những lần trước, khi đến đồn hay khu dân cư ở biên giới xa xôi, chúng tôi cùng nhau chuyển hàng hóa lên đồn thì lần này công việc ấy được tạm thời chuyển giao cho những người lính đảo.

Khệ nệ khiêng chiếc tivi một mình men theo vách đá lên đỉnh đảo, hạ sĩ Nguyễn Văn Công, (20 tuổi, quê ở Hậu Giang, vừa nhập ngũ năm 2008) nói trong hơi thở gấp: “Có các cô chú ở TPHCM đến thăm là cả đảo mừng rồi. Tết này tụi em rất vui”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên đoàn MXBG di chuyển mà người với hàng tết không đi cùng nhau. Do phương tiện di chuyển khó khăn nên hàng hóa đã được chuyển ra đảo bằng một con tàu khác từ chiều hôm trước. Khi chúng tôi cập đảo thì tàu chở hàng tết đến hai hòn đảo giúp chúng tôi vẫn còn lênh đênh ngoài khơi.

Quá trưa, nhưng bà con vẫn kéo đến khá đông tại khu vực khám chữa bệnh, cấp phát thuốc của các bác sĩ Viện Tim TPHCM. Đây cũng là lần đầu tiên, đoàn bác sĩ không mất nhiều thời gian khám bệnh (đây là khâu quan trọng và cũng là phần việc mất nhiều thời gian đối với 6 lần MXBG đã qua) vì toàn đảo Hòn Chuối chỉ có 43 hộ dân và 147 nhân khẩu.

Buổi trưa, chúng tôi ghé đảo thì cư dân chỉ còn gần 100 người là phụ nữ và trẻ em, bởi thanh niên  đều đang ở ngoài biển kiếm sống. Theo thiếu tá Nguyễn Đức Tuấn, chính trị viên Đồn biên phòng 704: “Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó thì nguồn nước uống và sinh hoạt là chiến lược sinh tồn của đồn. Do núi cao hiểm trở và không có mạch nước ngầm, nên Hòn Chuối không thể đào giếng. Chúng tôi tận dụng mọi thiết bị để trữ nước trong mùa mưa để còn có thể hỗ trợ cho bà con khi cần thiết”.

Đến Hòn Khoai

14 giờ, chúng tôi rời Hòn Chuối sang Hòn Khoai. Chuyến hải trình gần 40 hải lý kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ trên biển lại tiếp tục “vật ngã” một số thành viên trong đoàn. Khi Hòn Khoai dần hiện ở chân trời thì cũng là lúc đoàn chúng tôi vào vùng sóng dữ.

Chiều, con nước lớn, nhưng tàu cũng không thể  vào sát đảo, chúng tôi lại tăng bo vào đảo bằng vỏ lãi để lên Đồn biên phòng 700. Hòn đảo gần 500ha, nhưng chỉ toàn rừng là rừng. Ngoài lực lượng biên phòng, hiện nay đảo Hòn Khoai còn có lực lượng kiểm lâm, trạm ra đa 595 (trực thuộc Tiểu đoàn 551, Hải quân vùng 5) và Đội quản lý hải đăng (trực thuộc Công ty Hàng hải Việt Nam).

Hàng hóa chuyển từ tàu lên Đồn biên phòng 700 đã khó, để chuyển chiếc xe gắn máy mới lên đến đỉnh đảo còn gian khó gấp ngàn lần. Hai doanh nghiệp Công Lý và Thiên Tân sau khi đọc báo SGGP viết về chiếc xe cà tàng ở Hòn Khoai đã tặng 3 chiếc xe cho đảo. Những dốc đá nối những dốc đứng khiến đoàn MXBG đã có người tưởng như không thể lên đến đỉnh đảo. Và để lên đến đỉnh đảo, hai chiếc xe đưa đón những “yếu nhân” lên đến trạm ra đa, hải đăng.

Toàn bộ ý chí, quyết tâm của những thành viên trong đoàn đã được dịp thể hiện trong đợt công tác lần này. Các đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau; Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn và các lãnh đạo sở, ban, ngành đều cố gắng chinh phục độ cao để đến với trạm ra đa, kiểm lâm, hải đăng… mặc dù đoàn đã tổ chức nhiều chuyến xe, thậm chí 2 xe mô tô 125 phân khối vừa tặng huyện đảo và các LLVT đang công tác trên đảo Hòn Khoai.

Tại Trạm ra đa 595, hạ sĩ Ngô Công Dân, 21 tuổi, nhà ở huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Em mới về công tác ở đây hơn một tháng. Buồn thì rất buồn, nhưng tụi em vẫn xác định công tác tốt. Nghe tin đoàn công tác ghé thăm, nhưng không ngờ các anh chị lại đến được vùng đất hiểm trở này!”.

Hơn 16 giờ, đoàn về đến TP Cà Mau. Mệt, bước chân chông chênh, nhưng anh em trong đoàn đều phấn khởi vì những tình cảm của mình, của người dân thành phố cho những người lẽ ra được hưởng hạnh phúc trong mùa xuân năm nay đang thiếu đã được đoàn công tác MXBG chuyển đến.

Theo Đ.Hiệp - Ng.Trước / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.