Gặp nhóm tác giả của bộ truyện tranh về U.19 Việt Nam

27/09/2014 14:15 GMT+7

(TNO) Thông tin về bộ truyện tranh lấy cảm hứng từ các cầu thủ U.19 Việt Nam khiến người hâm mộ không khỏi tò mò. Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện cùng những người thực hiện dự án này.

(TNO) Thông tin về bộ truyện tranh lấy cảm hứng từ các cầu thủ U.19 Việt Nam khiến người hâm mộ không khỏi tò mò. Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện cùng những người thực hiện dự án này.

>> Xuất hiện truyện tranh về U.19 Việt Nam
>> Truyện tranh 'Học viện bóng đá' - cảm hứng từ bộ tứ xuất sắc U.19 Việt Nam


Từ trái sang phải: Long Huỳnh (thứ hai), Bách Lê (thứ tư), Bá Diệp (thứ năm) - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học viện bóng đá là bộ truyện tranh do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ và Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG phối hợp thực hiện, lấy cảm hứng từ đời sống của các cầu thủ trong học viện cùng với quá trình tuyển lựa học viên ngặt nghèo. Trong đó, không thiếu những giọt mồ hôi và nước mắt trên sân tập, những trận đấu vinh quang trên đấu trường quốc tế của U.19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.

Người lên ý tưởng thực hiện dự án này là anh Long Huỳnh, phụ trách truyền thông tại NXB Trẻ. Cách đây một năm, ý tưởng thực hiện bộ truyện tranh về U.19 - đội bóng mà anh rất yêu thích - chợt đến sau trận chung kết giữa U.19 Việt Nam và U.19 Indonesia tại Giải U.19 Đông Nam Á 2013.

Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ. Anh Long Huỳnh cho biết: “Lúc đó, tôi nghĩ rằng những bài báo, những video clip về U.19, người ta có thể xem một lúc rồi thôi, còn truyện tranh thì sẽ dễ truyền cảm hứng cho nhiều độc giả hơn. Chẳng hạn như bộ truyện Subasa của Nhật từng truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ”.


Bộ tứ nhân vật chính trong Học viện bóng đá - Ảnh: NXB Trẻ cung cấp

Ý tưởng là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện dự án, Long Huỳnh gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là sự phản đối từ chính bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) vì ông e ngại rằng việc này sẽ dễ tâng bốc các cầu thủ, khiến họ mắc bệnh "sao". Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc phát hành một bộ truyện tranh vào thời điểm này khá mạo hiểm bởi truyện tranh không phải là thể loại bán chạy.

Dẫu vậy, nhờ kiên trì, cuối cùng Long Huỳnh cũng đã thuyết phục được bầu Đức để bắt tay vào thực hiện một bộ truyện tranh mang thông điệp về ý chí, nghị lực của những người trẻ đam mê bóng đá. “Đó là bộ truyện tranh lấy cảm hứng từ nhân vật có thật chứ không phải là hồi ký”, anh Long Huỳnh khẳng định.

Sau khi được “bật đèn xanh”, Long Huỳnh bắt tay vào tìm người thực hiện dự án. Người được anh “chọn mặt gửi vàng” để lên kịch bản cho bộ truyện là anh Bá Diệp, 23 tuổi, tác giả quyển Urem - Người đang mơ. Là người đam mê bóng đá, theo dõi thông tin về U.19 từ khi còn là những cậu bé được tuyển chọn vào học viện nên ngay khi nhận lời mời từ NXB Trẻ, Bá Diệp đã không từ chối.

Vậy là Long Huỳnh, Bá Diệp cùng với họa sĩ Bách Lê ở Hà Hội đã có chuyến đến thăm Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Tuy không gặp được các cầu thủ do họ bận thi đấu tại Hà Nội nhưng việc trải nghiệm thực tế cuộc sống trong học viện, gặp gỡ người phụ trách, huấn luyện viên, người giúp việc, đầu bếp… đã mang đến cho những người thực hiện dự án những câu chuyện vô cùng thú vị và đầy ý nghĩa.

"Chúng tôi lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật, từ đó phát triển thêm nhiều tình tiết hấp dẫn xoay quanh cuộc sống của các cầu thủ trong học viện. Thông điệp chính mà bộ truyện mang lại vẫn là niềm đam mê bóng đá và khát khao chinh phục ước mơ của các cầu thủ trẻ", anh Bá Diệp cho biết.


Nhân vật Công Phong (lấy cảm hứng từ cầu thủ Công Phượng) - Ảnh: NXB Trẻ cung cấp

Điều đáng nói là trong khi tác giả kịch bản Bá Diệp ở TP.HCM thì họa sĩ Bách Lê ở tận… Hà Nội. Điều đó khiến khâu làm việc giữa 3 người gặp không ít khó khăn. Để kịp phát hành trước khi U.19 Việt Nam lên đường sang Myanmar, những ngày qua, ê kíp thực hiện đã làm việc hết tốc lực. Có người gầy đi mấy vài ký vì ngày đêm làm việc cho kịp tiến độ.

Theo anh Long Huỳnh, bộ truyện đang được thực hiện tới tập 3. "Ở tập 1, tôi chưa ưng ý lắm vì nét vẽ còn hoang sơ. Từ tập 2 trở đi, mọi thứ mới dần suôn sẻ hơn. Vì thế mong độc giả không kỳ vọng quá nhiều để thất vọng mà hãy trân trọng nỗ lực của ê kíp thực hiện".

"Đây là bộ truyện mà tôi đặt rất nhiều hy vọng. Dĩ nhiên khi truyện phát hành sẽ có những ý kiến khen chê khác nhau nhưng chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến đó và sẽ càng hoàn thiện hơn trong những tập tiếp theo", anh Long Huỳnh chia sẻ.

Học viện bóng đá do NXB Trẻ và Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG phối hợp thực hiện, được xem là bộ truyện tranh bóng đá đầu tiên của Việt Nam.

Bộ truyện gồm 10 tập, xoay quanh 3 nội dung chính gồm: Học viện bóng đá, Sân bóng cuộc đời và Chinh phục cầu trường.

Mạch truyện sẽ bắt đầu từ lúc các cầu thủ này thi tuyển vào học viện ở lứa tuổi thiếu nhi, trải qua quá trình rèn luyện để trở thành những vận động viên chuyên nghiệp, trong đó còn đề cập đến sự kiên định và quyết tâm mạnh mẽ của họ khi vượt lên chính mình, vượt qua những khó khăn về gia đình, sự cám dỗ trong giới túc cầu… Dĩ nhiên, không thể thiếu những trận đấu hấp dẫn và đầy kịch tính.

Các nhân vật trong truyện đều được xây dựng từ cảm hứng trên "người thật, việc thật", trong đó nhân vật chính là bộ tứ: Công Phong (lấy cảm hứng từ cầu thủ Công Phượng), Tuấn Thanh (lấy từ Tuấn Anh), Xuân Trung (từ Xuân Trường) và Đông Trần (từ Đông Triều).

Ngoài ra, còn có các nhân vật như huấn luyện viên Gautier, Délia (con gái cưng của huấn luyện viên Gautier), huấn luyện viên phó Phan Duy...

Bộ truyện sẽ phát hành 2 tuần mỗi tập, trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ ngày 6.10.

Thiên Hương

>> Xem truyền hình trực tiếp 'một ngày theo chân U.19 Việt Nam
>> Video clip U.19 Việt Nam: Ngày ấy chân trần đá bóng, bây giờ là niềm hy vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.