Gia đình dấu yêu: Tìm về ngôi nhà cũ

01/12/2019 10:08 GMT+7

Với mong muốn tìm về ngôi nhà cũ đã sinh sống cách đây hơn nửa thế kỷ, anh em ông Khải đã thực hiện một chuyến đi về Quy Nhơn, nơi ba má ông đã khởi nghiệp thành công và để lại cho con cháu nhiều ký ức thật đẹp của tuổi thơ.

Anh em ông Khải rời thành phố Huế cùng với ba má mình đến sinh sống ở Quy Nhơn do việc đổi nhiệm sở của ông Lâm, ba ông. Sau gần 10 năm làm việc tại miền đất võ Bình Định này, ông Lâm còn nhận quyết định đến công tác tại một số tỉnh khác.
Thế nhưng Quy Nhơn lại là nơi ghi dấu ấn rất đậm nét trong lòng gia đình ông. Chính ở nơi đây, nhờ sự nỗ lực của ông bà Lâm, anh em ông Khải đã có một giai đoạn sống rất tốt. Sau khi ba má qua đời, 8 anh em ông Khải và một số dâu rể đồng lòng tổ chức về nơi đây để tìm lại ngôi nhà cũ nằm trên đường Nguyễn Du của thành phố này.
Chuyến đi được sắp xếp thật công phu, khó khăn nhất là tìm được thời gian phù hợp cho tất cả anh em khiến ai nấy đều háo hức. Trên đường từ Nha Trang hướng về Quy Nhơn, do thuê xe riêng chở đoàn đi suốt lộ trình, anh em ông Khải có nhiều dịp dừng chân để ghé thăm một số thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên như bãi biển Đại Lãnh, đèo Cả, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa… để thỏa mãn ngắm nhìn, ghi lại hình ảnh kỷ niệm những ngày anh em đủ mặt trong dịp sinh hoạt chung.
Vừa đến Quy Nhơn, anh em lo ngay việc chính: tìm căn nhà cũ dấu yêu. Trước đây, nhà ở gần chợ Lớn Quy Nhơn, ngay sát khu đất rất rộng còn để trống, bao quanh bởi 3 đường: Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu (nay là đường 31 Tháng 3) và Nguyễn Du. Nhà còn ở gần Trường Nữ Trung học Quy Nhơn và bãi biển.
Ông Khải kể: “Anh em chúng tôi phân công tỏa ra dò hỏi nhiều người dân trên đường Nguyễn Du, nhưng hơn một giờ sau vẫn chưa hé lộ được gì về ngôi nhà cũ vì nơi đó đã thay đổi quá nhiều. May sao, đoàn đã gặp được cụ bà Dư Khiêm (82 tuổi) ở một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Du giúp xác định được đúng căn nhà, sau đó quyết định xin phép cô Liễu - chủ nhà hiện tại - để vào bên trong căn nhà”.
Cô Liễu quá nhiệt tình và cho đoàn được thăm lại một số "cảnh cũ" ít ỏi còn lại vì căn nhà đã thay đổi nhiều. Ông Khải nói thêm: "Thật xúc động khi cô Liễu chỉ cho chúng tôi xem vẫn còn cái nắp đậy nhỏ trên tấm đan đậy kín miệng giếng khi nhà sửa lại sau này. Chúng tôi cùng vỡ òa sung sướng được đứng trên chính căn nhà mình đã sống. Ký ức ùa về, anh em tranh nhau chỉ chỏ chỗ này là thềm giếng, chỗ kia là nơi anh em hay tổ chức vui đùa; cạnh đó là hai cây trứng cá cao vút lên đến ban công lầu 1 là nơi chúng tôi vẫn còn những tấm ảnh kỷ niệm đến hôm nay”. Anh em ông Khải còn phát hiện con hẻm nhỏ mà cụ Khiêm gặp chúng tôi hôm ấy chính là con đường ngăn cách nhà ông với khu đất trống đã nêu ở trên.
Thỏa mãn với với mục tiêu chính của chuyến đi đã hoàn thành vượt mong đợi, những ngày còn lại của đoàn tại Quy Nhơn lúc ấy trở nên thú vị hơn nhiều. Anh em ông Khải đã thấy thương yêu nhau và đoàn kết hơn, san sẻ được nhiều điều. Chưa bao giờ họ được cười nhiều, được có những bữa ăn ngon miệng như thế khi kết thúc chuyến đi bằng việc viếng thăm những thắng cảnh của Quy Nhơn như ghềnh Ráng, đồi thi nhân Hàn Mạc Tử, tháp Đôi, cầu Nhơn Hội qua bán đảo Phương Mai... Lòng người cũng được thỏa mãn!
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.