Giải tỏa tất cả nỗi lo Covid-19 cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh

14/09/2021 09:20 GMT+7

Vốn dĩ khi chẳng may bị nhiễm Covid-19 đã khiến không ít người hoang mang và mang nhiều nỗi lo, đến khi khỏi bệnh lại đọc quá nhiều thông tin dẫn đến bị “hù dọa” về những di chứng sau nhiễm…

Rất nhiều những nỗi lo “không tên” mà mọi người đang gặp phải trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Mới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đã có những chia sẻ hữu ích để giúp mọi người giải tỏa những nỗi lo về Covid-19.
Được sự đồng ý của bác sĩ Khanh, phóng viên Thanh Niên lược ghi lại qua video những chia sẻ hữu ích này nhằm giúp cho các bạn trẻ, gia đình trẻ và tất cả người dân có thể an tâm hơn.

Bệnh trước thì hết trước, có kháng thể trước, ra đường được trước…

Hiện nay có một nỗi lo mà xuất phát từ việc mọi người đọc thông tin quá nhiều, rồi bị hù dọa về những thông tin như là triệu chứng mới, tổn thương thận, hội chứng viêm, nào là tắt mạch… Nhưng những cái đó nó hiếm giống như mình đi ra ngoài đường, rất là nhiều người đông ở ngoài đường nhưng có một người bị tai nạn, cũng hiếm như có rất nhiều người đi máy bay mà có một máy bay bị rớt, hay tôi hay đùa là nó hiếm như việc mà bạn đang đi ngoài đường thì bị con chim nó làm bậy trên đầu vậy đó. Nên khi đọc được những thông tin như vậy rồi đâm ra hoang mang, lo sợ.
Bệnh gì cũng vậy, người ta phải tính tỷ lệ, nguy cơ chứ không phải lấy trường hợp hiếm đó mà gán ghép cho tất cả mọi người rồi mình thêm hoảng loạn.
Khi hết bệnh thì đừng có tìm tòi nhiều, đừng có tìm thông tin về những cái gì mà nghe đồn là di chứng này kia… Lâu lâu mới có ca đặc biệt rồi mang ra phân tích và ứng dụng vào bản thân mình thì không được.
Yếu tố này làm chúng ta bị stress rất là nhiều. Trong mùa dịch, bị giãn cách nhiều rồi làm ăn khó khăn… cộng dồn lại làm cho mỗi người càng nhiều những nỗi lo và stress nặng hơn.

Rất nhiều gia đình đã khỏi bệnh nhờ vào những suy nghĩ và tinh thần tích cực, cùng lạc quan chiến đấu với Covid-19

NGỌC TRÂM

Và stress sau khi bị nhiễm Covid-19 nó kinh khủng lắm, càng nhiều người nhiễm thì tỷ lệ stress sau đó lại càng nhiều, bởi vì tất cả đều nghe luồng thông tin như nhau, đều bị giãn cách như nhau thành ra có một số bác sĩ, hay một số người lấy cái đó là triệu chứng hậu Covid, nhưng không phải như vậy. Do cái tính của mỗi người, có khả năng người đó cơ địa đã thường bị stress, giờ lại thêm lo lắng thì họ sẽ stress nặng hơn.
Khi bị stress nặng khiến mọi người đau đầu, mất ngủ rất nhiều. Có những người, nghe người khác nói nhiễm Covid-19 thì từ 5 - 8 ngày hoặc 14 ngày sẽ hết, nhưng cái này là tuỳ người. Thế nhưng mình cứ gán ghép là tại sao sau 8 ngày rồi mà mình chưa hết, thế là tưởng tượng đủ thứ. Từ lúc mình tưởng tượng đến khi đã hết thật rồi thì lại suy nghĩ là không biết mình có bị di chứng sau Covid hay không, thành ra lại càng thêm lo lắng.

"Sau khi nhiễm Covid-19 mà khỏi bệnh là một điều đáng mừng. Theo tôi bệnh trước là hết trước, đặc biệt những người đã chích ngừa rồi (1 hoặc 2 mũi) nếu bệnh trước thì hết trước, có kháng thể trước, phòng ngừa được trước, ra đường được trước."

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Sau khi nhiễm Covid-19 thì có thể làm chúng ta sụt cân rất nhiều, thậm chí là rụng tóc do bị mất chất. Mọi người nên biết là khi một con vi rút mới tấn công vào người, mình không hề biết nó nên phải huy động tất cả các năng lượng để tạo ra kháng thể đẩy con vi rút ra khỏi cơ thể, sau đó tiếp tục tạo kháng thể để duy trì, cho nên bao nhiêu năng lượng tập trung vào đó hết.
Thêm nữa, nếu chúng ta lo lắng thôi thì cũng đủ để sụt cân hay bạc tóc rồi… Nên cộng tất cả các yếu tố lại thì việc sút cân, rụng tóc sau khi khỏi bệnh là hết sức bình thường. Cho nên sau đó chỉ cần bồi bổ là có thể phục hồi trở lại, đừng quá lo lắng về việc hậu nhiễm.
Sau khi nhiễm Covid-19 mà khỏi bệnh là một điều đáng mừng. Theo tôi bệnh trước là hết trước, đặc biệt những người đã chích ngừa rồi (1 hoặc 2 mũi) nếu bệnh trước thì hết trước, có kháng thể trước, phòng ngừa được trước, ra đường được trước.

Đừng quá lo lắng cho trẻ con

Có một nỗi lo nữa mà nhiều người đang gặp phải là lo cho trẻ con trong nhà trong mùa dịch này.
Nhưng mọi người đừng quá lo lắng nếu trong nhà có trẻ con bị nhiễm Covid-19. Đứa nhỏ bị, nếu thấy nó vẫn bú tốt, vẫn chơi thì hoàn toàn yên tâm, hay cả lúc các bé có sốt mà khi hết sốt vẫn chơi thì cũng đừng quá lo lắng.
Hoặc là nếu gia đình có các thành viên chẳng may bị dương tính cũng đừng quá lo lắng sẽ lây cho con nít, vì nếu có lây thì các bé cũng sẽ rất nhẹ và nhanh hết. Ngoại trừ trường hợp, đứa nhỏ quá sức dư cân thì mới cần lưu ý nhiều hơn.

Theo bác sĩ Khanh, nếu mình đã tiêm vắc xin hoặc là người khoẻ mạnh mà chẳng may bị nhiễm Covid-19 thì cũng đừng quá lo lắng nếu trong nhà có trẻ nhỏ, mà hãy lo lắng nếu gia đình có người lớn tuổi chưa được tiêm vắc xin. (Trong hình là rất nhiều F0 khỏi bệnh được xuất viện)

NGỌC HÙNG

Và khi một nhà có một số người mắc bệnh và đứa nhỏ cũng mắc bệnh, thì đừng nên tách đứa nhỏ ra, vì có nó mình sẽ vui hơn, có tinh thần hơn. Tại vì đứa trẻ khi bị nhiễm Covid-19 hết rất nhanh và đó chính là niềm vui, động lực cho mình.
Hiện nay ở TP.HCM và các tỉnh thành khác của VN, số trẻ em mắc bệnh rất nhiều nhưng tỷ lệ đứa trẻ phải theo dõi sát là rất thấp, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nếu mình chích ngừa rồi, hoặc là người khoẻ mạnh thì đừng có lo lắng lắm nếu chẳng may mắc bệnh mà trong nhà có trẻ con, chỉ nên lo lắng là khi mình mắc bệnh mà trong nhà có người lớn tuổi chưa được chích ngừa.
Cái lo thứ 3 hiện nay là lo tiêm vắc xin. Nhiều người cứ lo chích sớm quá thì như thế nào, trễ ra sao, trộn các loại vắc xin thì có sao không?
Bình thường khi mới nghiên cứu thì tất cả các loại vắc xin đều chích cách nhau 3 tuần, sau đó hiểu về nguyên tắc vắc xin thì là 4 tuần. Cho nên có nơi chích cách nhau 3 tuần, có nơi 4 tuần.
Chúng ta biết là giai đoạn đầu nhân viên y tế chích cách nhau khoảng 4 tuần thôi, nhưng không có ai bị nặng nếu chẳng may nhiễm Covid-19, vậy tại sao mình không chích sớm để tăng khả năng phủ 2 liều vắc xin mà lại lo là nếu lỡ chích sớm hơn 8 hay 6 tuần thì có sao không.

Hiện nay cơ hội chích ngừa và được chích ngừa Covid-19 càng sớm là quan trọng nhất

Việc trộn vắc xin (tức mũi 1 tiêm loại này, mũi 2 tiêm loại khác) trên thế giới người ta đã làm rồi, nhưng nhiều người vẫn sợ, nhưng hiện nay cơ hội chích ngừa và được chích sớm là quan trọng nhất. Càng nhiều người tiêm được 2 mũi thì mới mong nhanh hết giãn cách, và khi hết giãn cách muốn người trong gia đình mình, nhất là người lớn tuổi an toàn thì phải chích ngừa, lúc đó mình mới an tâm đi ra đường rồi trở về nhà.
Nỗi lo nữa là chuyện kháng thể sau khi đã nhiễm Covid-19. Sắp tới đây thế nào cũng có chuyện lấy máu ra thử kháng thể, để chứng minh là người này bị nhiễm Covid-19 rồi. Tuy nhiên, nếu mình muốn lấy để tìm kháng thể thì đừng vội lấy sớm, mà hãy đợi sau 4 tuần. Mới hết bệnh xong đã lo đi xét nghiệm, làm xong không tìm thấy kháng thể lại đâm lo lắng thêm. Riêng người đã chích ngừa thì không nên xét nghiệm làm gì vì nó không chính xác. Vì dù xét nghiệm ra kháng thể thấp thì mình cũng có hàng rào bảo vệ nhất định.
Và một điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là với tốc độ tiêm vắc xin hiện nay, theo tôi rồi tình hình sẽ nhanh ổn trở lại. Thời gian đầu tôi cũng rất nặng nề về tin nhắn người sắp mất rất nhiều, nhưng thời gian gần đây tin nhắn báo khoẻ mạnh lại nhiều hơn, ngay cả những người lớn tuổi. Đây là một điều rất đáng mừng. Hy vọng là thành phố của chúng ta sẽ sớm hồi phục. Cho nên mọi người hãy hết sức bình tĩnh, đẩy nhanh chích vắc xin Covid-19, đặc biệt cho người lớn tuổi. Lẽ đương nhiên cuộc chiến này cũng để lại cho chúng ta quá nhiều thương đau và rất nhiều nỗi lo nhưng điều đó là không tránh khỏi. Rồi chuyện gì cũng sẽ qua, mọi người đừng có quá lo lắng, khi cuộc sống bình thường mới trở lại thì chuyện vui sẽ lại đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.