Giáo dục vệ sinh và sự hình thành nhân cách trẻ

10/09/2009 17:47 GMT+7

“Điểm nổi bật khác biệt của chương trình là đã tác động đồng bộ lên cả 4 đối tượng là nhà quản lý, giáo viên, cha mẹ và trẻ em, thông qua đó tổ chức thực hiện chăm sóc giáo dục vệ sinh cho trẻ”.

Bà Lê Minh Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT đã đánh giá như thế về chương trình Hãy hành động vì một Việt Nam khỏe mạnh do Báo Thanh Niên và nhãn hàng Lifebuoy tổ chức.

Bà Lê Minh Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT:

Xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm

Hoạt động giáo dục trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy - một trong những hoạt động của chương trình - rất được phụ huynh quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình. Chúng tôi xác định giáo dục vệ sinh là một trong những nhiệm vụ giáo dục toàn diện, có ý nghĩa lớn đối với sự hình thành nhân cách trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh. Giáo dục vệ sinh cần được bắt đầu từ tuổi mầm non và cần được duy trì thường xuyên.

Thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo điểm - xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm thực hiện và nhân rộng mô hình; rút ra những bước đi cụ thể trong quá trình thực hiện chương trình. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh học sinh và thường xuyên làm tốt công tác phối kết hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương nhằm huy động nguồn đầu tư, hỗ trợ các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ ở từng cơ sở giáo dục mầm non.

Ông Văn Đình Ưng, Phó chánh văn phòng Bộ GD-ĐT:

Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân

Chương trình “Hãy hành động vì một Việt Nam khỏe mạnh” nếu thực hiện một cách âm thầm, lặng lẽ sẽ không có hiệu quả như việc được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Báo Thanh Niên như thời gian vừa qua. Việc phát cho các trường học những bánh xà phòng, xây nhà vệ sinh, bồn rửa tay... cho học sinh, đặc biệt học sinh vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa rất thiết thực. Nhưng ý nghĩa ấy sẽ không được nhân rộng nếu không có sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và đặc biệt là phụ huynh học sinh, bản thân mỗi học sinh, sinh viên trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ bản thân và cộng đồng trước sự tấn công của dịch bệnh.

Đọc trên Báo Thanh Niên, tôi thực sự cảm thấy lo ngại khi biết rằng: hiện nay, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều yếu kém, đặc biệt là người dân các vùng sâu, vùng xa và miền núi. Mặc dù, rửa tay sạch  bằng xà phòng là biện pháp đơn giản, hữu hiệu giúp giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng nhiều người còn chưa coi trọng thói quen này. Một khảo sát gần đây cho thấy, mới chỉ có khoảng 12-15% người dân có thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, chỉ có 5% người chăm sóc trẻ có thói quen rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn... Tôi ủng hộ và đánh giá cao ý nghĩa của chương trình này với hy vọng các nhà trường, các bậc phụ huynh và bản thân mỗi học sinh, sinh viên ngày càng nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân để có một cuộc sống thật khỏe mạnh.

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội:

Cần bắt đầu từ những việc nhỏ

Chương trình này rất có ý nghĩa khi góp phần tuyên truyền, giáo dục cho mỗi học sinh ý thức về vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ mình và cộng đồng trước sự tấn công của dịch bệnh. Nếu mỗi cá nhân không được tạo lập và hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh cho chính bản thân mình thì chắc chắn sẽ không thể có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng. Ngành GD-ĐT Hà Nội cũng càng ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề này. Để chuẩn bị cho năm học 2009-2010, chúng tôi đã tiến hành cải tạo, xây mới khoảng 10.000 công trình vệ sinh trường học; rất nhiều trường đã đầu tư cho khâu vệ sinh học đường, trong đó đã chú trọng đến chỗ rửa tay cho học sinh.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.