Giữ hồn thổ cẩm

23/08/2005 21:24 GMT+7

Trong lần đầu tiên tôi vượt cổng trời Mang Yang lên phố núi Pleiku - Gia Lai, biết "người miền xuôi" có ý định mua một vài vật dụng bằng thổ cẩm để làm kỷ niệm, ông bạn của tôi bật mí: "Về Glar mới có hàng thổ cẩm chính hiệu, nhà nào cũng có. Đồng bào ở đó vẫn còn giữ được nghề dệt truyền thống". Chợt nảy ra một ý tưởng, tôi tức tốc lên đường...

Trời lất phất mưa suốt quãng đường đi. Ven trục đường lớn từ thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa vào Glar san sát nhà bê tông kiên cố và những vườn tiêu, cà phê ngút ngàn.

Trụ sở làm việc của UBND xã Glar đóng cửa vào ngày cuối tuần như mọi khi. Tôi vào nhà chị Giang H'Hum, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Năm 1999, H'Hum tham gia công tác hội, đến đầu năm 2004, chị được bầu vào chức chủ tịch. Trò chuyện với H'Hum, tôi cảm nhận được một điều: sức trẻ và lòng nhiệt huyết của người phụ nữ vừa tròn tuổi 22 này đã giúp ích khá nhiều cho bản làng của mình, nhất là việc bảo lưu và phát triển nghề dệt thổ cẩm vốn có từ lâu đời của đồng bào nơi chị sinh ra và lớn lên. H'Hum làm tôi ngạc nhiên khi chẳng cần đến sổ sách, vanh vách kể: "Glar có 1.638 hộ, hơn 8.000 khẩu, trong đó có 2.400 phụ nữ với 662 người là hội viên Hội Phụ nữ xã; ở Glar, không chỉ hầu hết chị em phụ nữ lớn tuổi am hiểu và theo đuổi nghề truyền thống của bản làng mà rất nhiều những thiếu nữ đang độ tuổi cắp sách đến trường cũng thành thạo nghề không kém. Như H'Noi nhà mình, đang học lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Đắk Đoa, đã biết dệt từ năm lên 10 tuổi". Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, H'Hum vồn vã nói: "Nhờ gắn bó với nghề này mà đời sống đã dần khấm khá hơn. Bố mình mất từ năm mình lên 3 tuổi, ở với mẹ và 4 chị em gái trong một cái nhà sàn nhỏ xíu, khó khăn lắm. Nay, ngoài nguồn lợi từ vườn cà phê rộng gần 1 ha, ruộng lúa, bắp lai... cộng với số tiền từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm, mình đã dựng được nhà mới - ngôi nhà mà anh đang ngồi đây - và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt. Hết đói. Hết khổ rồi".

Quan sát thấy khá nhiều túi xách, khăn tay, mền (còn gọi là chăn - dùng để đắp và địu con)... bằng vải thổ cẩm treo ở một góc nhà, tôi hỏi H'Hum: "Vừa làm cán bộ, vừa đi làm rẫy, H'Hum dệt lúc nào?”. H'Hum cười nói: "Ngày nào mình cũng tranh thủ vài tiếng đồng hồ để dệt. Mình dệt quanh năm suốt tháng. Người ta đặt hàng nhiều lắm. Tính ra một ngày công, mình nhận được khoảng từ hai mươi đến ba mươi nghìn đồng...".

Theo nhận xét của cánh lái buôn, các mặt hàng thổ cẩm Glar luôn luôn được du khách thập phương thích thú. Đặc biệt, sản phẩm từ tay "nghệ nhân" Mlóp đã trở thành một thương hiệu riêng của thổ cẩm vùng này. Tôi nhắc đến tên Mlóp, H'Hum nói ngay: "Mlóp là bậc thầy dệt thổ cẩm ở Glar. Muốn gặp Mlóp, anh đến làng Dôr 2, vào nhà nào to nhất ở đó".


Chị Giang H'Hum đang dệt thổ cẩm trong ngôi nhà của mình
Căn nhà hai tầng cao rộng của nghệ nhân Mlóp thật sự khiến tôi ngỡ ngàng với hàng loạt sản phẩm chất đầy và hai cô con gái trông rất xinh xắn đang chăm chú dựng chỉ bên hai chiếc khung lớn. Mlóp kể rằng, cũng như bao phụ nữ ở Glar, bà thông thạo dệt thổ cẩm từ ngày còn nhỏ, chẳng còn nhớ cụ thể là năm lên mấy tuổi nữa. Ngày xưa, dân làng sử dụng chất liệu dệt bằng bông chứ không như chỉ công nghiệp hoặc sợi len như bây giờ. Hồi đó, phải qua tận vùng đồi Chưsê (một huyện của Gia Lai, nằm trên Quốc lộ 25, cách nơi Mlóp ở gần cả trăm ki-lô-mét) mua bông về, kéo làm sợi sau đó nhuộm màu (nấu từ vỏ cây) rồi luộc bằng hồ lỏng được nấu từ gạo. Công phu lắm... Đến nay, những vật dụng làm nghề một thời ấy, Mlóp vẫn còn cất giữ nguyên vẹn. Mang ra giới thiệu cùng khách lạ, Mlóp bảo: "Dệt bằng bông, thổ cẩm sẽ đẹp và bền hơn nhờ sự mịn màng. Nhưng giờ thì thời gian không có nhiều để làm theo cách cũ. Hồi đó, dệt bằng chất liệu từ bông nên khâu nhuộm màu chỉ tạo được 2 màu là đỏ và đen thôi (màu trắng giữ nguyên). Bây giờ chất liệu dệt có màu sắc phong phú hơn nên sản phẩm tạo ra cũng... sắc màu hơn"!

Trong khuôn viên trụ sở UBND xã Glar, một căn nhà rông to lớn theo kiểu truyền thống của đồng bào Bana được dựng lên từ nhiều năm nay và hiện được dùng làm nơi mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho những người trong xã chưa thông thạo nghề này. Lớp học thu hút được hơn 50 học viên do cô giáo Mlóp đứng lớp, được Trung tâm Khuyến công tỉnh Gia Lai tài trợ toàn bộ kinh phí. Ông Nguyễn Tấn Thành, Phó giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Gia Lai khẳng định rằng, từ đặc điểm làng nghề truyền thống độc đáo của Glar, ngành du lịch địa phương đang có kế hoạch xin phép UBND tỉnh, tiến hành khảo sát để "biến" Glar thành điểm tham quan lý thú, phục vụ du khách thập phương khi đến với phố núi Pleiku. Một tin vui không chỉ dành riêng cho hơn 8.000 nhân khẩu nơi đây.

oOo

Tôi rời Glar. Trời vẫn còn lất phất mưa. Ra Đa, con gái út của cô giáo Mlóp đã tặng tôi một chiếc khăn tay bằng thổ cẩm màu trắng viền đỏ vừa mới dệt xong thay cho lời chúc lên đường may mắn, bình an (theo tục lệ của người Bana). Khoe chiếc khăn tay với ông bạn, tôi liền bị hắn dọa: "Mày đã bị chấm rồi". Không biết sau khi mình "bị chấm" sẽ như thế nào nhưng có điều mà tôi băn khoăn mãi suốt trên đường về, rằng có nên nói ra hay không điều này: Cả chiếc khăn và người tặng khăn đều rất đẹp!

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.