Gỡ rối rào cản ngoại ngữ khi du học

16/09/2015 14:58 GMT+7

(TNO) Một trong những khó khăn lớn nhất của học sinh, sinh viên Việt Nam khi đi du học nước ngoài là việc sử dụng ngoại ngữ phục vụ cho việc học cũng như trong đời sống hằng ngày.

(TNO) Một trong những khó khăn lớn nhất của học sinh, sinh viên Việt Nam khi đi du học nước ngoài là việc sử dụng ngoại ngữ phục vụ cho việc học cũng như trong đời sống hằng ngày.

Lê Trung Hiếu:Lê Trung Hiếu
Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với Lê Trung Hiếu, cựu du học sinh, đại sứ sinh viên của Đại học Southampton, Vương quốc Anh. Thời gian đầu khi du học, Hiếu gặp nhiều khó khăn về việc sử dụng tiếng Anh nhưng sau đó anh đã vượt qua khó khăn này bằng bí quyết riêng của mình. 
* Chào Hiếu, khi đi Anh du học, Hiếu đã từng phải những gặp khó khăn gì về ngoại ngữ?
- Lê Trung Hiếu: Khi mới sang Anh, mình gặp khá nhiều khó khăn về mặt giao tiếp cả trong cuộc sống hằng ngày và học tập. Mặc dù trước khi sang mình cũng đã thi IELTS 6.5, chăm chỉ đọc sách rèn luyện nhưng cũng chỉ đủ để giao tiếp cơ bản, còn để nói chuyện với bạn bè, hay nghe giảng ở trường đại học thì thực sự khó khăn.
Mình gặp đầy đủ cả 3 vấn đề mà phần lớn các bạn mới sang Anh gặp phải (đặc biệt là các bạn học tiếng Anh chỉ vừa đủ để đi nước ngoài). Một là về từ vựng: khi sang Anh mình mới thấy số lượng từ mình biết rất ít, và kỹ năng sử dụng từ còn rất kém, tức là khi mình không biết một từ, mình chưa biết cách miêu tả để người khác hiểu mình đang định nói gì. Hai là khi nghe: chắc rất nhiều bạn gặp phải, đó là có những từ mình nhìn thì biết, nhưng nghe thì không hiểu, ấy là do mình luôn phát âm từ đó sai trong đầu. Ba là khi nói: dù mình biết từ đó, biết phiên âm, nhưng do mình không phân biệt được giữa các âm gần giống nhau của tiếng Anh, hoặc "quên" không phát âm âm cuối, khiến cho người nghe không thể hiểu được.
Bên cạnh đó, mình còn gặp khó khăn khi học. Giáo dục Anh rất chú trọng về hệ thống định nghĩa khái niệm, mỗi khái niệm lại được xây dựng trên một hệ thống các khái niệm khác bằng tiếng Anh. Người học phải hiểu được chính xác khái niệm thì mới không bị nhầm lẫn trong việc nghe giảng. Các giảng viên thường yêu cầu sinh viên phải tìm hiểu trước khái niệm trong sách tham thảo mang tính hàn lâm.
* Vậy Hiếu đã khắc phục những khó khăn đó như thế nào?
- Để nâng cao khả năng giao tiếp thì cách nhanh nhất và tốt nhất vẫn là nói thật nhiều. Mình ở ký túc xá mà một tầng có đến 21 bạn sinh viên nên mình thường xuyên ở trong phòng bếp, trò chuyện với các bạn ấy đủ chuyện từ đi chơi, đi học, nấu nướng, văn hóa, ẩm thực. Ban đầu sẽ rất khó khăn, nhưng mình nhận thấy sự tiến bộ rõ ràng theo thời gian. Rồi mình dần dần tham gia tình nguyện tại các hoạt động, học hỏi từ các bạn sinh viên bản địa, rèn luyện kỹ năng nói chuyện trước đám đông. Kết quả là mình trở thành đại sứ sinh viên (a student ambassador) của Trường đại học Southampton trong hai năm học cuối trước khi tốt nghiệp.
Về mặt học tập, ngành của mình rất hiếm người Việt Nam theo học. Vì vậy, mình phải tự xây dựng lại toàn bộ hệ thống khái niệm cho bản thân bằng tiếng Anh chứ không có người đi trước giải thích lại. Nếu đọc lại các khái niệm qua sách thì rất khó. Nhờ sử dụng các công cụ như Wikipedia, mình tìm được các khái niệm tương ứng bằng tiếng Việt. Đối với các khái niệm quan trọng, gần với môn học, mình đọc bằng tiếng Anh, còn với những khái niệm liên quan, mình đọc bằng tiếng Việt để rút ngắn thời gian đọc hiểu.
Lê Trung Hiếu 2Lê Trung Hiếu trong một chuyến dã ngoại
* Hiếu có lời khuyên nào về việc chuẩn bị cũng như sử dụng ngoại ngữ dành cho các bạn muốn du học cũng như các bạn đã đi du học?
- Như mình đã kể ở trên, hai khó khăn lớn mình gặp phải trong việc sử dụng ngoại ngữ là về mặt học thuật và giao tiếp hằng ngày, nên mình hy vọng các bạn có thể có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi đi.
Về mặt học thuật, các bạn cần phải chuẩn bị tiếng Anh chuyên môn ở nhà càng nhiều càng tốt, đọc các sách chuyên ngành, nghe các bài giảng liên quan đến các lĩnh vực mình sẽ theo học. Thêm vào đó, những kỹ năng mềm như cách sử dụng các công cụ ứng dụng tin học văn phòng, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm,... rất cần thiết cho việc hòa nhập.
Đối với giao tiếp hằng ngày, có rất nhiều lựa chọn cho các bạn, cá nhân mình rất thích chương trình BBC Learning English, với nhiều mục phục vụ học tiếng Anh miễn phí phù hợp với các bạn muốn nâng cao từ vựng và khả năng giao tiếp tiếng Anh.
Rất nhiều bạn chia sẻ với mình về những rào cản lớn đối với họ khi học tiếng Anh. Thứ nhất, các bạn không biết mình ở đâu và nên bắt đầu như thế nào. Thứ hai là các bạn không có đủ quyết tâm để rèn luyện nâng cao tiếng Anh một cách lâu dài. Với những khó khăn đó của bạn bè, mình đã chia sẻ về các bước nâng cao trình độ tiếng Anh và giới thiệu chương trình “We Enjoy Learning English” (WELE, chương trình cùng học nghe tiếng Anh miễn phí, sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ website nổi tiếng của 2 tiến sĩ ngôn ngữ học người Mỹ www.eslpod.com) để hỗ trợ các bạn.
* Cảm ơn Hiếu đã dành thời gian chia sẻ.                                                
Lê Trung Hiếu
Ngày, tháng, năm sinh: 24.6.1990 
Nghề nghiệp: Kỹ sư Thiết kế tàu - giàn khoan, Công ty London Offshore Consultants
Cựu sinh viên trường: University of Southampton, Southhampton, Vương Quốc Anh
Facebook: www.facebook.com/letrunghieuO8
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.