Hoàng Bách cho con xưng hô mày - tao với mình: Dạy con có nên đưa lên mạng?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
27/11/2019 09:47 GMT+7

Mới đây, cộng đồng mạng chỉ trích khi ca sĩ Hoàng Bách cho con xưng hô mày - tao với mình. Từ câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng dạy con có nên đưa lên mạng xã hội ?

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty giáo dục truyền thông Quốc tế Restart, TP.HCM, cho rằng không phải ai dùng chữ mày - tao đều là người không tốt. Nhưng chúng ta muốn tạo cho con trẻ hình ảnh tích cực thì không nên dùng mày - tao, vì hai danh xưng này dễ gợi cảm xúc không tốt lắm.

Cha mẹ bị “tấn công”, con có thể vạ lây

“Mình thường thấy nhiều người bạn đồng trang lứa, hay sếp với nhân viên vẫn dùng từ mày - tao mà vẫn rất thân thiết. Ở nhà mình cũng hay chơi trò chơi nhập vai nhưng là xưng hô bạn với tớ, hoặc cậu với tớ, khi 'xả vai' vẫn là hai mẹ con bình thường”, chuyên gia giáo dục Khánh Chi cho biết.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thường cùng con đóng vai: mẹ là cô giáo - con là học sinh hay mẹ là cô bán hàng - con là người mua hàng để dạy con những bài học về cuộc sống.
“Ba mẹ có thể nghĩ ra một câu chuyện và trong câu chuyện đó nên có một bài học giá trị như lòng vị tha, lòng tốt. Tạo ra những tình huống để hướng con đến những bài học giá trị nhân văn. Bên cạnh đó, phụ huynh cần đưa ra những tình huống phù hợp với lứa tuổi của con. Mình vẫn ủng hộ các ông bố bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm dạy con lên mạng xã hội nhưng hạn chế đưa thông tin về con của mình”, chuyên gia giáo dục Khánh Chi cho biết.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, công tác tại Công ty giáo dục KidsTime TP.HCM, cho rằng cha mẹ chỉ nên đưa tình huống lên mạng xã hội để mọi người có ý kiến đa chiều rồi rút kinh nghiệm cho bản thân trong việc giáo dục con cái. Không nên đưa câu chuyện liên quan trực tiếp đến con lên mạng xã hội, vì làm như vậy trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý về sau nếu như câu chuyện đi theo chiều hướng xấu.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Thanh Huy, 20 tuổi, sinh viên năm 3 ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lại cho rằng việc dạy con như thế nào cũng không nên đưa lên mạng xã hội, bởi cách giáo dục có tốt mà người xem không hiểu dụng ý cũng sẽ nói này nói nọ.
“Không phải lúc nào cách mình dạy con ai cũng hiểu, nên khi đưa việc dạy con lên mạng xã hội, cha mẹ có thể bị cộng đồng mạng 'tấn công', rồi các bé bị vạ lây thì sao. Câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng nào thì không ai có thể lường trước được”, Thanh Huy cho biết.

Biết kính trên nhường dưới

Anh Lương Tuấn Thành, 28 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, cho biết không đồng ý với cách cho con xưng hô mày - tao với cha mẹ.
Văn hóa Việt Nam mình có tôn ti trật tự, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng vậy. Việc xưng hô mày - tao giữa cha và con như vậy là không nên”, anh Thành cho biết
Chị Nguyễn Tuyến Anh, 39 tuổi, có con học tại Trường THCS Cách Mạng tháng 8, Q.10, TP.HCM cho biết bản thân chị luôn dạy con phải biết tôn trọng, thương yêu kính trên nhường dưới, không chỉ trong gia đình mà ngay cả những người bên ngoài. 
Tương tự, cô Ngô Thị Diệu Hạnh, giáo viên Trường mầm non măng non II, Q.10, TP.HCM cho biết về thuần phong mỹ tục của người Việt Nam thì không phù hợp khi xưng hô mày - tao với cha mẹ.
“Dù cách xưng hô của người miền Bắc, Trung hay Nam có khác nhau nhưng đều có chung quan niệm là phải lễ phép, kính trên nhường dưới. Và chính những người thân cần giáo dục cho trẻ từ lúc nhỏ để trẻ biết được cách xưng hô như thế nào là đúng với ông bà cha mẹ của mình”, cô Diệu Hạnh cho biết.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhận định nếu đứa trẻ dùng cách xưng hô mày - tao đi giao tiếp với xã hội thì sẽ thất bại, bị coi thường và tẩy chay. Giao tiếp ngoài xã hội chỉ bạn bè thân thiết mới dùng xưng hô mày - tao thôi. Cha, mẹ và con cái cần phải có tôn ti rõ ràng...

Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, giọng ca sinh năm 1980 đã có những phản hồi trên trang cá nhân. Anh cho biết lý do đăng tải bài viết vì tránh những hiểu lầm liên quan đến câu chuyện giáo dục trẻ con.
Cụ thể ca sĩ Hoàng Bách viết: “Chuyện tôi cho phép con xưng hô mày - tao với mình là một trò chơi có thời hạn (thường là 15 đến 20 phút). Với tôi, mục đích của việc này là để cha con có thể thực sự coi nhau như bạn bè và chia sẻ được với nhau tất cả những điều chúng muốn mà đôi khi vì khoảng cách của thứ bậc trong gia đình chúng không dám chia sẻ. Giai đoạn tôi gặp khủng hoảng tâm lý, các con đã tạo khoảng cách với tôi vì tôi nóng nảy và hay quát tháo chúng. Nên khi bình tâm trở lại, điều tôi cần làm là tìm mọi cách để kết nối lại với các con".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.