Học bổng giao lưu quốc tế: Làm thế nào để có bài luận hiệu quả?

21/12/2015 11:08 GMT+7

Nguyễn Vĩnh Bảo, từng là đại biểu Việt Nam tại nhiều chương trình giao lưu quốc tế, chia sẻ những kinh nghiệm viết bài luận hiệu quả để tăng khả năng được chọn.

Nguyễn Vĩnh Bảo, từng là đại biểu Việt Nam tại nhiều chương trình giao lưu quốc tế, chia sẻ những kinh nghiệm viết bài luận hiệu quả để tăng khả năng được chọn.

Nguyễn Vĩnh Bảo - Ảnh: NVCCNguyễn Vĩnh Bảo - Ảnh: NVCC
Được biết đến với bảng thành tích đáng nể như đạt học bổng bậc cử nhân và thạc sĩ tại Đại học RMIT, Giám đốc (Director) ASEAN Entrepreneur Foundation, Phó chủ tịch quản lý dự án AIESEC Hanoi,… Nguyễn Vĩnh Bảo (21 tuổi) còn dày dặn kinh nghiệm trong những chuyến giao lưu quốc tế.
Bộc lộ tính cách trong bài luận
Vĩnh Bảo cho biết: “Giống như việc nộp đơn vào các trường đại học nước ngoài, bài luận cho những chương trình giao lưu quốc tế rất quan trọng. Bạn là ai, cá tính như thế nào, có đam mê và phù hợp với chương trình không, đều cần được thể hiện qua bài luận”.
Chàng trai sinh năm 1994 chia sẻ, trong những ứng cử viên có hàng loạt thành tích như nhau, bài luận chính là nơi bộc lộ bản thân và quyết định bạn có được chọn hay không.
Theo Bảo, lỗi thường gặp trong các bài luận là kể quá nhiều thành tích, điều có thể liệt kê ở những phần khác như CV chẳng hạn. “Việc chú tâm vào thành tựu là không sai nhưng mức độ thành công không cao. Bạn cần có câu chuyện của bản thân để nhấn mạnh hai điểm: tôi xứng đáng với cơ hội này và cơ hội này giúp tôi hoàn thiện, phát triển”, Bảo nói thêm.
Trong bài luận về lãnh đạo của mình, Bảo đã đưa ra câu châm ngôn về lãnh đạo mà bạn yêu thích, sau đó kể ba câu chuyện của bản thân để minh họa, giải thích về châm ngôn này.
Trả lời câu hỏi: Liệu những người chưa từng làm lãnh đạo có ít cơ hội đậu hơn không, Bảo nói, việc chưa từng làm lãnh đạo không phải yếu tố quyết định, nhưng các bạn nên có thành tích nhất định. Quan trọng hơn, bạn cần thể hiện mình là người có tiềm năng và có tố chất lãnh đạo, rõ ràng nhất là thông qua bài luận, hoặc CV, các hoạt động từng tham gia.
Số lần thất bại gấp 5, 6 lần thành công
Bảo chia sẻ, thời gian đầu, một tuần bạn nhận được vài email thông báo không được chọn, lâu dần… cũng quen và học cách chấp nhận thất bại. “Lúc đầu buồn lắm nhưng nhận vài lần thì mình biết nên đi tiếp, tìm khuyết điểm và bổ sung, xin lời khuyên từ người đi trước nếu cần”, Bảo nói.
Theo Bảo các bạn trẻ có mong muốn tham gia thì nên mạnh dạn nộp đơn, vừa không tốn nhiều thời gian, lại có kinh nghiệm trong việc nộp đơn tuyển dụng sau này. Nếu bạn đạt đủ yêu cầu và một chút may mắn, bạn sẽ có những trải nghiệm quốc tế mà theo Bảo là có một không hai trong đời. 
Và với những trải nghiệm và cố gắng của mình, vừa qua, Bảo nhận giải thưởng “President Award” do Trường Đại học RMIT trao tặng trong lễ tốt nghiệp. Giải thưởng dành cho sinh viên có điểm số cao, khả năng lãnh đạo, đóng góp cho trường và xã hội.
Bên cạnh đó, chủ nhân của giải thưởng trên cũng được chọn để soạn và đọc bài diễn văn trong ngày tốt nghiệp. Bằng kinh nghiệm viết luận từ những lần nộp đơn, Bảo kể ba câu chuyện bản thân thể hiện ba triết lý sống cuộc đời mình: Bạn tin có thể thì có thể - Đừng bao giờ bỏ cuộc - Cho và nhận.
Một số thành tích và diễn đàn quốc tế Bảo tham dự:
- Học bổng thạc sĩ Kinh doanh quốc tế Đại học Quốc tế RMIT.
- Học bổng toàn phần Đại học Quốc Tế RMIT
- Học bổng AmCham 2014.
- Đại biểu Hội nghị sinh viên lãnh đạo trẻ tiềm năng lần thứ 5 tại Phnom Penh, Campuchia
- Đại biểu hội nghị Nhà lãnh đạo trẻ ASEAN CIMB (CIMB Young ASEAN Future Leaders 2015) tại Kuala Lumpur, Malaysia
- Đại biểu hội nghị Youth Ag Summit 2015 tại Canberra, Australia
- Đại biểu hội nghị Indonesia FEALAC Youth Conference 2015 tại Bandung, Indonesia
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.