Học ở đường phố

15/01/2012 12:30 GMT+7

(TNTS) Thỉnh thoảng bạn bắt gặp đâu đó những người nói tiếng Anh hết sức lưu loát nhưng lại không có một bằng cấp chính thống nào về ngôn ngữ này. Ấy là vì họ biết tận dụng mọi cơ hội, ngay cả từ vỉa hè.

(TNTS) Thỉnh thoảng bạn bắt gặp đâu đó những người nói tiếng Anh hết sức lưu loát nhưng lại không có một bằng cấp chính thống nào về ngôn ngữ này. Ấy là vì họ biết tận dụng mọi cơ hội, ngay cả từ vỉa hè.

Lân la phố Tây

Ai gặp Phạm Mạnh Tuấn, một tay DJ ở Sài Gòn, người thường thông dịch cho tôi ở các buổi phỏng vấn, đều nghĩ Tuấn phải có bằng cấp Anh ngữ đầy túi. Thực sự ngay cả chứng chỉ A, Tuấn cũng không có. Ngoài tiếng Anh cơ bản học thời phổ thông, vốn liếng tiếng Anh của Tuấn hiện nay đều từ đường phố mà ra.

Năm 2000, khi tiếp cận với internet, Tuấn thường chat với người nước ngoài và nhận thấy họ viết rất ngắn gọn, không cầu kỳ như sách vở. Tuấn quyết định đi học Anh văn kiểu… vỉa hè.

Lần đầu tiên lân la đến khu phố Tây ở TP.HCM trên đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện, Tuấn thấy một cô gái nước ngoài đang ngồi một mình ở quán cà phê. Dừng lại, Tuấn lịch sự đến bên bàn và nói những câu chào hỏi. Ban đầu, cô gái ngỡ ngàng trước một người đến làm quen, nhưng khi Tuấn nói muốn kết bạn để được thực tập tiếng Anh, cô gái da trắng tóc vàng ấy vui vẻ đồng ý ngay. Từ đó cô gái Úc trở thành cô giáo dạy tiếng Anh cho Tuấn.

 
Có rất nhiều khách nước ngoài ở khu phố Tây để bạn kết bạn và trao dồi tiếng Anh - Ảnh: Hạ Mi

Bài học thường không liên quan đến văn phạm mà là chuyện tán gẫu về ngôi sao ca nhạc thế giới và những điểm du lịch. Ban đầu câu chữ của Tuấn khá lủng củng vì lo sắp xếp ngữ pháp và sợ bị chê, khiến phát âm chữ được chữ mất. Cô gái chỉ cười và khuyên không cần dùng những câu dài mà hãy tập trung vào trọng âm của từ chính để người nghe hiểu ngay. Thế là Tuấn bỏ tất cả những câu văn phạm, chuyển sang nói ngắn gọn với những từ chính. Dần dần, Tuấn nghe được cả những chữ bị nuốt. Từ nào không hiểu, Tuấn hỏi lại mà không ngại nữa. Còn cô bạn người Úc lại chỉ cho Tuấn những câu đời thường mà cô hay dùng. Từ nào không hiểu, hai người lại dùng ngôn ngữ tay chân để diễn đạt. Cứ thế, mỗi ngày Tuấn tìm đến khu phố này kết bạn và học Anh ngữ từ những người Anh, Mỹ, Nga, Úc, Pháp, Isarel… Mỗi lần như vậy, “học phí” của Tuấn chỉ là ly cà phê đá.

Còn Nguyễn Ngọc Quỳnh, một người bạn của Tuấn, lại chọn cách học “có qua có lại”: dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tìm đến một quán bar, Quỳnh làm quen với Micheal (người Mỹ) và nói ý muốn của mình là thực tập tiếng Anh. Bù lại, Quỳnh sẽ dạy Micheal tiếng Việt. Và những buổi cuối tuần rảnh rỗi, hai người hẹn nhau tại quán cà phê để “lên lớp”. Cuộc trò chuyện của Quỳnh và Micheal luôn song hành hai thứ tiếng, Quỳnh nghe Micheal diễn đạt bằng tiếng Việt và trả lời lại bằng tiếng Anh.

Cứ nói tự nhiên, Tây sẽ hiểu!

- Hoa Mai Hotel? (Đến khách sạn Hoa Mai được không? Đưa kèm tấm danh thiếp)
- Yes sir! (Được, thưa ông)
- How much? (Bao nhiêu?)
- Thirty thousand dong (30 ngàn đồng)

Những cuộc trao đổi tiếng Anh giữa khách Tây và tài xế xe ôm thường cụt lủn nhưng dễ hiểu như vậy.

Anh Nguyễn Minh Trí làm nghề chạy xe ôm ở khu phố Tây chia sẻ: “Mình đâu có điều kiện học bài bản, chủ yếu dùng tiếng bồi. Chẳng hạn “Go restaurant?”, “where you go?”, chủ yếu nói giá cả sao cho đúng, còn xưng hô cứ dùng Sir (thưa ông) với Madam (thưa bà) là lịch sự rồi”. Khi hỏi có ngại nói tiếng Anh không chuẩn, anh Trí cười bảo: “Ngại gì, cứ nói bừa đi, Tây họ hiểu hết mà”. Cùng lúc đó, một du khách Tây đi tới, một anh tài xế bước ra mời chào và dùng cả “phương ngữ” của mình: “Hello sir, traveling around hỉ?” (Chào ông, đi dạo một vòng không?).

Không phải tiếng Anh của tất cả người nước ngoài đến đây đều chuẩn nên họ thường nói ngắn gọn. Chẳng hạn thay vì nói “I’ve been living here for one year” (Tôi sống ở đây được một năm) thì đa số sẽ nói “I lived here one year”. Còn tự giới thiệu, thay vì nói “My name is John” (Tên tôi là John), thì họ chỉ vào mình và nói “John”, “I’m John”. Còn khi hỏi địa chỉ, họ nói ngắn ngọn: “Excuse me, where’s Caravelle Hotel?” (Xin lỗi, khách sạn Caravelle ở đâu?) hay “Where’s Pham Ngu Lao?” (Đường Phạm Ngũ Lão ở đâu?). Họ thường đọc nuốt những chữ chia động từ để trọng âm rơi vào những chữ chính. Cô Sally (người Singapore) cho rằng đến những nước không dùng tiếng Anh, bạn nên nói những câu đơn giản, hạn chế dùng thể bị động, để tránh bị hỏi đi hỏi lại hoặc hiểu lầm rất phiền phức.

“Từ điển” từ bình dân

Beat it: Đi chỗ khác chơi
Break it up: Dừng tay
Come on: Lẹ lên
Cool: Hay!
Cut it out: Đừng giỡn nữa
For what?: Để làm gì?
Fly blind: Quờ quạng
Just for fun: Giỡn chơi thôi
Just looking: Chỉ xem chơi thôi
Just kidding: Nói đùa thôi
Go ahead: Đi trước đi, Cứ tự tiện
Go Dutch: Chơi kiểu Mỹ đi! (phần ai nấy trả tiền)
Go for it: Hãy thử xem
Hang on: Cố lên
Hot: Bốc lửa
Take it easy: Từ từ, bình tĩnh
I see: Tôi hiểu
I’m afraid: Tôi e là
Let me go: Để tôi đi
Let me be: Kệ tôi
Long time no see: Lâu quá không gặp
Give me five: Bắt tay cái coi!
Make yourself at home: Cứ tự nhiên
My pleasure!: Rất hân hạnh!
Monkey around: Đi vòng vòng chơi
Nothing at all: Chẳng có gì cả
I have no choice: Tôi không còn cách nào khác
No hard feeling?: Không giận chứ?
No way!: Còn lâu!

Nguồn: http://www.englishtime.us/forum/default.aspx?g=posts&t=6580

Chia sẻ kinh nghiệm

Những lưu ý khi kết bạn với người nước ngoài

Khách nước ngoài khi đến nước nào cũng muốn kết bạn với giới trí thức nơi đó để tìm hiểu về văn hóa địa phương. Vì vậy đừng ngại ngùng và nên chủ động bắt chuyện kết bạn với người nước ngoài. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều sau:

- Tránh bắt chuyện khi người nước ngoài đang đi trên đường, làm việc, hoặc chờ ai đó, vì như vậy họ sẽ cảm thấy bị làm phiền. Chỉ làm quen khi họ đang ngồi chơi hoặc uống cà phê, nét mặt họ đang vui vẻ. Tốt nhất, bạn nên làm quen với chủ quán cà phê trước, để biết vị khách nào đến từ quốc gia nói tiếng Anh, thời gian rảnh rỗi ra sao. Khi làm quen với họ, cần chủ động cho biết mục đích của mình là học hỏi, tránh úp mở khiến họ dè chừng. Khi quen người khác phái, cần tế nhị tránh hiểu lầm bạn có mục đích tán tỉnh. Tránh hỏi về tuổi tác và hôn nhân, hạn chế nói về chính trị hay kinh tế khi mới quen. Nên nói về sở thích chung, hoặc tìm hiểu quê hương của họ.

- Một nhược điểm của người Việt là mỗi khi nghe không rõ, thường bỏ qua và không dám hỏi lại, vì sợ bạn Tây phiền. Nếu bạn đã cho họ biết mục đích học ngay từ đầu, thì việc này không thành vấn đề nữa. Mặt khác, với những người từ các nước nói tiếng Anh, họ rất sẵn lòng giúp bạn vì đó là niềm tự hào về ngôn ngữ của họ. Để chuẩn bị kỹ hơn, bạn nên mang theo sổ tay, bút, và từ điển. Khi nghe không rõ, hãy nhờ họ viết ra, rồi tra từ điển. Bạn sẽ học được nhiều câu từ mới, ngay cả không có trong sách vở.

- Một thói quen không hay của người Việt là chỉ biết đặt câu hỏi, mà không mạnh dạn diễn đạt ý của mình, khiến cho cuộc nói chuyện trở nên nhàm chán. Người nước ngoài luôn muốn biết về phong tục tập quán, địa danh thắng cảnh, quán ngon, chỗ ở rẻ. Bạn nên chuẩn bị những thông tin đó bằng tiếng Anh để đáp lại xem như là “học phí” của mình.

- Khi một khách Tây hỏi đường, bạn đừng nói dài dòng câu chữ, vì họ đang vội. Mặt khác, người Việt Nam không có thói quen đọc âm cuối để nối từ, mà đọc từ nào ra từ ấy. Nên khi bạn nói càng nhiều và nhanh sẽ bị líu lưỡi, người khách Tây ấy sẽ khó chịu. Bạn nên nói chậm, ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Chẳng hạn: “Go straight, to the second corner, then turn right, the restaurant is on the left ”  (Đi thẳng, đến góc đường thứ hai, rẽ phải, nhà hàng nằm ngay bên trái). Sau đó, nếu thấy người khách còn thong thả, bạn có thể bắt chuyện hỏi xem họ từ đâu đến, dự định ở lại Việt Nam bao lâu. Nếu họ vui vẻ, bạn có thể đề cập chuyện muốn thực tập tiếng Anh và hẹn một buổi nào đó thuận tiện để gặp. Lúc đó bạn tha hồ nói bất kỳ điều gì bạn muốn.

Anh Nguyễn Hoàng Hùng
(Chủ nhiệm Câu lạc bộ Anh ngữ Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM)

Hạ Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.