'Hot boy' trưởng thôn: Chuyện của chàng trai có máu cực hiếm

21/06/2016 08:20 GMT+7

29 tuổi, đẹp trai, chưa vợ, chưa có tài sản gì đáng kể, Trần Xuân Tấn (thôn An Xá, xã Trung Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị) chỉ biết miệt mài làm ông trưởng thôn và đi... hiến máu cứu người.

Nhiều người thường quan niệm cái ghế trưởng thôn, trưởng bản phải là các cụ có tuổi ít nhất cũng phải ngũ tuần hay đã hưu trí. Những "già làng" như vậy mới có đủ thời gian rảnh và trải nhiệm cuộc sống để cáng đáng, mới có lời nói "đủ nặng" để bà con nghe.
Nhưng quan niệm này đã... lạc hậu, bởi hiện nay xuất hiện thế hệ “trưởng thôn” 8X, 9X, tuổi đời chỉ đôi ba chục nhưng họ tận tụy không kém, hơn nữa, sự tháo vác và bắt nhịp cuộc sống hiện đại phần nào giúp bà con bớt vất vả hơn và sau lưng họ có hàng tá câu chuyện cười đến 'té ghế'.
Mời bạn đọc xem loạt bài: #HOT BOY TRƯỞNG THÔN
"Thằng con nít” làm... trưởng thôn
Thôn An Xá có 200 hộ dân với gần 900 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông nên cái đói cái nghèo như bóng ma vờn qua vờn lại cái làng nhỏ này. Ấy vậy nên việc một chàng trai chưa qua tam tuần được dân bầu giữ chức trưởng thôn, lèo lái An Xá đi lên đã thực sự làm làng trên xóm dưới choáng. Có người nhạy mồm còn huỵch toẹt: “Cái thằng con nít, dựng nó lên làm gì?”.
“Thằng con nít” Trần Xuân Tấn sinh ra trong gia đình có 6 người con, cha vừa qua đời năm 2014 và đang sống với mẹ già. "Thằng con nít” cũng đã kịp tốt nghiệp trung cấp kế toán trước khi về quê làm một cán bộ đoàn cực kỳ năng nổ. Đến tháng 7.2014, Tấn "ngồi" vào ghế trưởng thôn An Xá.
Hỏi Tấn vì sao bạn bè đi đi đây đi đó kiếm việc để tích lũy còn Tấn lại “ru rú” ở quê, “có phải vì Tấn không kiếm được việc?” thì chàng trai này xua tay, lắc đầu lia lịa, nói: “Tôi thanh niên sức dài vai rộng, ít nhất thì cũng làm được chân bốc vác chứ. Tôi ở lại quê phần vì trách nhiệm với gia đình phần vì tôi cũng đi đó đây, thấy thôn Hà Xá của tôi còn nghèo nàn quá. Là một người trẻ, tôi thực sự muốn đóng góp cho quê hương”.
Quả thật, nếu tính về vật chất thì cái chức trưởng thôn chẳng đáng gì để níu Tấn ở lại khi mỗi tháng chỉ được trợ cấp hơn 1 triệu đồng, chỉ đủ cho Tấn trả tiền điện thoại, xăng xe...

[CLIP] Tâm sự của trưởng thôn An Xá Bùi Xuân Tấn - Thực hiện: Nguyễn Phúc
Tấn nói làm trưởng thôn có nhiều cái khó nhưng khó nhất vẫn là do tuổi còn quá trẻ. Đổi lại, Tấn cho rằng thế mạnh của mình là đủ kiên nhẫn để... lắng nghe. “Mọi thứ đều giải quyết được qua trao đổi hai chiều”, Tấn nói.
Có thế nên ngay từ năm đầu tiên làm trưởng thôn, Tấn đã làm công tác tư tưởng để 20 hộ dân tự động rút ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo để phấn đấu làm ăn... dù thực tế ở quê, nhiều người rất “thích” vào hộ nghèo để hưởng các chế độ của Nhà nước.
Trưởng thôn Trần Xuân Tấn đã mạnh dạn xin gặp và trình bày với các cấp lãnh đạo để xin cấp vốn hoàn thiện nhà văn hóa thôn An Xá, từng bị “treo” 4 năm - Ảnh: Nguyễn Phúc
Chỉ sau 2 năm “thằng con nít” làm trưởng thôn, An Xá đã có những thay đổi. Đáng kể nhất là sau bao nhiêu năm, thôn mới có được con đường bê tông đầu tiên nối từ từng nhà dân ra đường cái quan dài 1.000m, do bà con đóng góp, trị giá gần 900 triệu đồng.
Cũng trong năm 2015, thôn An Xá đã hoàn thành xây mới đền “Âm hồn” của làng bằng cách quyên góp. Thậm chí, công trình nhà văn hóa thôn có vốn đầu tư 800 triệu đồng bị “treo” hơn 4 năm đã được khởi công trở lại và hoàn thiện cách đây 1 tháng. Những thành tích này, không ai trong thôn An Xá phủ nhận công của... “thằng con nít”.
“Ngày trước người ta thích người già làm trưởng thôn nhưng giờ đổi mới rồi, người trẻ làm trưởng thôn mới sôi nổi, vui vẻ, nghĩ được nhiều việc hay. Bản thân tôi ủng hộ Tấn, dù tất nhiên trẻ mà làm nhiều khó tránh vấp váp”
Bà Trần Thị Nga (Chủ tịch Hội TNXP liên xã Trung Sơn - Trung Hải).
Trưởng thôn lo... tang lễ
Nếu xét về tuổi tác, chắc hiếm người ở tuổi như Tấn mà rành các nghi thức... tang lễ như cậu ta. Cũng phải, 2 năm làm trưởng thôn, cậu đã đứng ra làm trưởng ban lễ tang cho hơn 10 tang lễ. Ở đó, Tấn phải thay mặt chính quyền địa phương cùng gia chủ sắp xếp mọi việc tươm tất, từ báo tin đến đọc điếu văn rồi mời âm công...
Tuy nhiên, mọi người sẽ nhầm nếu nghĩ Tấn chỉ là một tay chạy lăng quăng. Bởi, theo người dân thôn này, từ lúc Tấn “chỉ huy” chưa bao giờ có một thanh niên trong thôn từ chối việc làm âm công, khiêng người đã khuất ra nghĩa địa. Chưa hết, khi Tấn làm trưởng ban lễ tang, cậu đã quyết thuyết phục gia chủ bỏ những bữa tiệc “trả nghĩa”, ăn uống linh đình, tốn kém sau khi tang lễ xong xuôi.
Thậm chí, Tấn còn bàn với các bô lão để biên vào hương ước của làng cấm con em trong làng biếu tiền tại các tiệc kỵ, giỗ. “Như thế người mời sẽ khỏi lo nghĩ về tiền mà người tổ chức cũng chỉ làm nho nhỏ, không làm rình rang vì sợ... lỗ. Đâm ra rất tiết kiệm mà phù hợp với nếp sống văn hóa mới”, Tấn nói.
Tin yêu trưởng thôn Tấn, thanh niên thôn An Xá hăng say ra đồng diệt chuột bảo vệ mùa màng - Ảnh: NVCC
Không chỉ “siết” việc ma chay, kỵ giỗ mà Tấn còn “siết” cả các chương trình cưới hỏi. Từ năm 2014 đến nay, thôn An Xá quy định: có là cưới... con ông trời thì cũng phải tắt nhạc vào 8 giờ tối.
Mang máu hiếm đi cứu người
Tấn thuộc nhóm máu Rh-, là nhóm máu cực hiếm ở Việt Nam với tỉ lệ 4/1.000 người. Bất ngờ hơn khi dù ở vùng thôn quê nhưng Tấn hiện đang nằm trong Ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ (CLB) máu hiếm miền Trung và đương kim Chủ nhiệm CLB máu hiếm Quảng Trị.
“CLB chúng tôi lập ra để liên lạc, điều động thành viên tham gia hiến máu cứu người, chủ yếu là các ca cấp cứu. Quy định của CLB là chúng tôi có thể điều thành viên đi nhiều tỉnh thành để hiến máu, các thành viên phải tự bỏ tiền túi để đi lại và tuyệt đối không nhận quà cảm ơn của gia đình người bệnh”, Tấn nói.
Bản thân Tấn cũng đã nhiều lần tự nguyện vào Huế ra Nghệ An để hiến máu, mỗi lần tốn cả triệu bạc nhưng anh vẫn xách ba lô lên và đi như thể đó là “mệnh lệnh của trái tim”.
Thành tích đã nhiều, bằng khen chi chít nhưng khi hỏi đã tích lũy vật chất gì cho bản thân, Tấn lắc đầu - Ảnh: Nguyễn Phúc
Chưa hết, nhờ giao du cùng bè bạn của CLB trên Facebook, khi gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, bằng uy tín của mình Tấn đã đứng ra kêu gọi sự ủng hộ. Như mới đây, Tấn đã quyên góp được hơn 31 triệu đồng trợ giúp em Nguyễn Quốc Khải, một bé trai mắc bệnh hiểm nghèo ở thôn An Xá.
Tôi hỏi: “Thành tích có rồi đấy nhưng sau này thì sao? Tấn đã có tích lũy gì để nuôi mẹ già, để lấy vợ?”, Tấn lắc đầu, khẽ bảo: “Đó có lẽ cũng là lý do các bạn gái quý mến tôi thì nhiều nhưng yêu thì không. Vì họ ngại có một tấm chồng chỉ biết 'vác tù và hàng tổng', lo việc ngoài đường”.
Khác với Nguyễn Như Khoa và Trần Xuân Tấn, là những trưởng thôn... đồng bằng, Hồ Văn Năm lại là một trưởng thôn ở vùng cao. Câu chuyện về chàng trưởng thôn mới 26 tuổi đầu ở bản Tà Lao (xã Tà Long, H.Đakrông, Quảng Trị) nghe mà cười ra nước mắt. Mời bạn đọc đón xem kỳ tiếp theo #HOT BOY TRƯỞNG THÔN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.