HS được kiểm tra lại nếu kết quả bất thường

27/01/2010 17:31 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên về quy định mới trong việc đánh giá, xếp loại HS tiểu học (có hiệu lực từ năm học 2009 -2010), ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) khẳng định:

Nếu như trước đây đánh giá học lực môn học của HS bằng điểm học kỳ 1 + học kỳ 2 lấy trung bình, thì bây giờ chỉ đánh giá cuối năm, nghĩa là chỉ lấy điểm học kỳ 2 để đánh giá học sinh.

* Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn có những trường tiểu học xếp loại HS giỏi, khá... ngay từ học kỳ 1. Điều này có sai so với quy định  không, thưa ông?

- Bộ không quy định các trường phải xếp loại HS giỏi, khá... trong học kỳ 1. Nói như vậy không có nghĩa là Bộ cấm các trường có những hình thức  khen, thưởng, động viên những HS giỏi, HS có nhiều tiến bộ. Hình thức khen, thưởng như thế nào phụ thuộc vào điều kiện của mỗi trường, mỗi địa phương. Nơi nào có điều kiện thì làm, nơi nào không có điều kiện thì cũng không bắt buộc. Tuy nhiên, quy định mới trong việc đánh giá, xếp loại HS tiểu học: nếu tính điểm để đánh giá chính thức thì chỉ lấy điểm kiểm tra học kỳ 2 mà thôi.

* Quy định này khiến một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng việc dạy và học sẽ bị buông lỏng vì điểm kiểm tra trong quá trình học cả năm sẽ không được tính nữa. Ý kiến của ông về điều này ra sao?

- Nói như vậy không phải không coi trọng đánh giá thường xuyên, không lấy điểm trong quá trình học nữa. Điểm cả năm vẫn có ích vì nhìn vào đó có thể đánh giá được kết quả cuối cùng có thực chất hay không. Ví dụ, trong năm, môn Tiếng Việt mỗi tháng có 4 bài kiểm tra thường xuyên, cô giáo đã điều chỉnh, nhắc nhở và cuối năm là lát cắt cuối cùng. Tuy nhiên, quy định về đánh giá HS tiểu học không thể giống như phổ thông, điểm thi có ý nghĩa quyết liệt; ở tiểu học chúng tôi cũng đã nêu rõ trong quy định: nếu kết quả kiểm tra của HS nào đó bất thường thì cho phép kiểm tra lại.

* Thưa ông, phải hiểu sự “bất thường” ở đây cụ thể ra sao?

- Có tình trạng thế này, một HS học rất giỏi, điểm kiểm tra cả năm thường là 9,10; thế nhưng vì một lý do khách quan nào đó mà khi kiểm tra cuối năm em đó lại chỉ được điểm trung bình hoặc dưới trung bình thì nhà trường nhất thiết phải cho HS này kiểm tra lại. Nếu kết quả kiểm tra lại cao hơn thì sẽ lấy điểm đó để ghi vào học bạ và làm căn cứ xếp loại HS. Thậm chí, nếu HS yếu kém cả năm thì cũng vẫn phải tập trung phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức còn hổng và cho HS đó kiểm tra lại (tối đa là 3 lần) và lấy kết quả cao nhất để xếp loại hoặc xét lên lớp đối với HS đó.

* Giả thiết ngược lại: nếu một HS mà điểm kiểm tra cả năm thường chỉ ở mức 4 - 5 điểm nhưng điểm kiểm tra cuối năm lại là 9 -10 thì sẽ xử lý ra sao?

- Khi phân cấp quản lý cho các địa phương, các nhà trường, Bộ GD-ĐT có đi kèm những yêu cầu về quản lý, dạy - học thực chất, Bộ không thể ra một cái “lệnh” hạ điểm của học trò. Tuy nhiên, nếu để xảy ra hiện tượng học yếu kém mà điểm thi cao thì người quản lý của trường học đó, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT, trước người dân.

Chúng tôi chủ trương đặt quyền lợi của HS lên hàng đầu. Tuy nhiên, phải nói rõ rằng cái lợi ở đây là vì sự phát triển của đứa trẻ, sự phát triển ấy phải phù hợp với năng lực của trẻ. Tạo mọi điều kiện để học trò có thể kiểm tra đạt kết quả cao nhất nhưng kết quả ấy phải thực chất; còn trong trường hợp nhận thấy trong thời điểm đó, HS nào không thể theo học ở lớp cao hơn được, cho trẻ lưu ban để củng cố lại kiến thức là có lợi hơn thì vẫn phải làm.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.