Hùn tiền để làm ăn

16/10/2014 05:50 GMT+7

Nhiều thanh niên trên dưới 30 tuổi từng làm nghề nông theo cách riêng lẻ thu nhập bấp bênh đã bắt tay nhau làm ăn hiệu quả…

Nhiều cách vượt khó

 
Anh Ngọc đang tưới nước cho vườn cà tím của mình - Ảnh: K.C

Đến xã Sơn Đông, TP.Bến Tre hỏi về Tổ hợp thanh niên sản xuất rau an toàn hầu như ai cũng biết.

Tổ hợp thanh niên ra đời vào đầu năm 2013 với 7 thành viên ổn định cho đến nay. Các thành viên trong tổ mượn vốn của gia đình kết hợp vay thêm từ ngân hàng với tổng số tiền đầu tư cho việc trồng rau là 315 triệu đồng. Điều đáng nói ở đây là không phải mạnh ai nấy làm mà có họp bàn, góp ý với nhau ai trồng gì để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa thích hợp với điều kiện mảnh đất mình canh tác. Các thành viên hùn tiền tiết kiệm để khi cần hỗ trợ vốn cho nhau…

Tổ trưởng là anh Trương Minh Ngọc (27 tuổi). Để minh chứng cho hiệu quả kinh tế mà tổ mang lại, hãy lấy 5 công (5.000 m2) đất anh Ngọc đang canh tác làm ví dụ. Đây là số đất anh mướn của người khác trong thời hạn 3 năm, trên đó đã trồng sẵn dừa con, anh được phép tận dụng khoảng trống còn lại để trồng rau màu, bù lại anh trả “tiền mướn” bằng cách chăm sóc số dừa trên cho đến khi trả lại đất. Với số đất này anh trồng hành lá, xà lách… mỗi vụ thu lời từ 50 - 60 triệu đồng. Hiện tại, đất được chuyển sang canh tác cà tím thu hoạch bình quân 150 kg/ngày, với giá thương lái thu mua tại chỗ 6.000 đồng/kg, mỗi ngày anh Ngọc lãi trên 300.000 đồng.

Anh Ngọc nhận xét cái hay của tổ là tinh thần hợp tác luôn kích thích sự năng động của mỗi thành viên. Vì thế, việc mướn đất canh tác không chỉ mình anh mà ngày càng lan rộng trong các thành viên.

Anh Võ Thanh Nguyên (28 tuổi, ở ấp 3) gia đình cũng thiếu đất canh tác nhưng anh không chịu bó tay. Nguyên đã tranh thủ mướn cả mẫu đất để tập trung đầu tư trồng khoai lang và đậu phộng với hiệu quả thu lợi không dưới 8 triệu đồng/tháng.

Theo anh Ngọc, bằng hình thức tận dụng đất gia đình kết hợp mướn đất, 7 thành viên của tổ hiện canh tác rau màu, cho thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Bài học lớn nhất mà tổ mang lại cho các thành viên là nguồn động viên, hỗ trợ về nhiều mặt, trong đó quan trọng là việc chỉ hướng đầu tư. Nói cách khác, các thành viên phải hội ý được với nhau cần trồng gì để không “đụng hàng”, không rơi vào tình trạng bị dội chợ, ép giá.

Ước mơ cùng cây nấm

Không ruộng đất nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Sĩ Luận đã tự tìm mô hình làm ăn thích hợp với hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống.

 
Sĩ Luận có thu nhập khá từ cây nấm bào ngư - Ảnh: nhân vật cung cấp

Sĩ Luận (32 tuổi, ngụ ấp Bình An 1, xã An Hòa, H.Châu Thành, An Giang) bộc bạch rằng nhờ mô hình trồng nấm bào ngư mà khoảng 3 tháng là anh có lời hơn chục triệu đồng. Ở nông thôn vùng xa thì đây là số tiền rất lớn.

Theo Luận, trồng nấm có 2 cách: chất phôi lên kệ hoặc treo bằng dây. Nhưng anh thích cách thứ nhất vì thích hợp với khí hậu trong vùng. Kệ trồng nấm được làm bằng tre hoặc xi măng cao từ 1,6 - 1,8 m, ngang khoảng 0,3 m, đủ để vừa bịch phôi và không được chất quá 3 lớp, trồng khoảng 2 - 3 tháng rưỡi là thu hoạch. Luận nói: “Trồng nấm tới lúc nó nở rộ ham lắm. Nấm trổ đều làm bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết”. Nhờ nấm bào ngư mà mỗi năm anh Luận thu lời hơn 64 triệu đồng.

Thấy Luận làm hiệu quả, một số cô bác gần đó đã học hỏi kinh nghiệm làm theo và nhất trí thành lập “Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư” do Luận làm tổ trưởng. Các thành viên trong tổ là những người lớn tuổi, trước đây thường đi làm ăn xa, nay do tuổi cao không làm được việc nặng nhọc nên tham gia trồng nấm. Cũng nhờ trồng nấm với Luận mà họ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Luận nói nấm bào ngư không kén chọn địa điểm, có thể trồng ở thành thị, nông thôn và cả vùng núi, chỉ cần có khoảng 12 m2 là trồng được 1.000 bịch nấm. Kỹ thuật trồng nấm bào ngư cũng không khó, lại nhẹ công chăm sóc, ít bệnh nên thích hợp với nhiều đối tượng lao động khác nhau, nhất là những người phải làm việc hành chính. Hiện Luận đang tăng diện tích trồng nấm của anh lên 4 trại, mỗi trại trồng 2.000 bịch nấm.

Tuy đã thành công nhưng Luận vẫn trăn trở vì nấm làm ra hay bị ép giá, đôi lúc không biết bán cho ai. Luận cho biết hiện Xã đoàn An Hòa đã liên hệ với các siêu thị để tìm cách đưa nấm bào ngư sạch vào đó, nếu được sẽ mở ra cơ hội cho thanh niên trong vùng ổn định cuộc sống từ cây nấm.

Khoa Chiến - Thanh Dũng

>> Hỗ trợ thanh niên làm giàu chính đáng
>> Làm giàu từ biển
>> Làm giàu từ biển
>> Dám thay đổi để làm giàu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.