Hướng nghiệp hạn chế, học sinh thiếu động lực học nghề

10/09/2010 19:33 GMT+7

(TNO) Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT (ảnh) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên Online xung quanh vấn đề hướng nghiệp cho học sinh (HS) phổ thông hiện nay.

* Xin ông cho biết, công tác hướng nghiệp cho HS phổ thông hiện nay được thực hiện qua những hình thức nào?

- Ông  Hoàng Ngọc Vinh: Công tác hướng nghiệp trong những năm qua được thực hiện thông qua các hình thức dạy nghề trong trường phổ thông, qua hoạt động lao động sản xuất, qua giới thiệu các ngành nghề, qua hoạt động ngoại khóa. Đồng thời Bộ GD-ĐT ban hành các quy định khuyến khích HS tham gia học nghề phổ thông để được cộng điểm khi xét công nhận tốt nghiệp THCS, tuyển sinh THPT và thi tốt nghiệp THPT.

Cho đến nay, cả nước có 256 trung tâm kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp trên địa bàn cấp huyện, góp phần giáo dục định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề cho HS, đặc biệt là những HS ở vùng miền núi.

Bên cạnh đó, bước đầu đã hình thành chính sách và cơ chế liên thông trong GD-ĐT, góp phần khuyến khích thanh niên vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo khảo sát xu hướng chọn nghề nghiệp của 30.648 người tại website của Bộ GD-ĐT, có đến 57% người trả lời việc chọn nghề là do bản thân tự tìm thông tin và muốn tự quyết định, chỉ có khoảng 31% là nghe theo lời khuyên của cha mẹ, thầy cô và người khác.

Ông Hoàng Ngọc Vinh
Tuy nhiên, còn có rất nhiều mặt chưa được trong công tác này.  Một số chính sách ban hành, khi được thể chế hoá thành các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu sự nghiên cứu thực tiễn, nặng về tư tưởng chủ quan duy ý chí khi đưa ra quyết định. Ví dụ, việc xoá bỏ mô hình trường trung học nghề, trong khi đây là mô hình rất tốt, nhiều nơi áp dụng để phần luồng HS tốt nghiệp THCS như Hàn Quốc, Đài Loan…trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa đất nước.

* Lâu nay dư luận vẫn phàn nàn về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Vậy xu hướng hiện nay, HS tốt nghiệp THPT xong có chọn các trường nghề để học theo khả năng của mình hay vẫn chỉ có một mơ ước duy nhất là vào trường ĐH, thưa ông?

- Ông  Hoàng Ngọc Vinh: Thực trạng phân luồng HS sau THPT cho thấy, HS tốt nghiệp THPT thường tham dự thi ĐH, CĐ, nếu không đỗ những trường này mới quay sang học TCCN hoặc đi học nghề, một phần lớn còn lại có thể ở nhà ôn tập và chờ để năm sau thi lại hoặc đi làm. Có năm, nếu cộng cả số HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số HS bỏ học và trượt tốt nghiệp hằng năm thì con số này lên tới hàng trăm nghìn HS. Nếu những HS này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

* Như vậy là công tác hướng nghiệp của chúng ta chưa tốt?

- Ông  Hoàng Ngọc Vinh: Đúng vậy. Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS hoặc THPT còn nhiều hạn chế như vậy là do yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Những yếu kém này lại bắt nguồn từ những nguyên nhân khác như thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, am hiểu về thực tế ngành nghề xã hội, kinh tế học lao động; chương trình giáo dục hướng nghiệp dạy nghề phổ thông được thiết kế thiếu kết cấu liền mạch phát triển con đường học nghề cho các em, tạo điều kiện liên thông ở cấp sau THPT.

Bên cạnh đó, động cơ tham gia các lớp học nghề của HS có những lệch lạc, nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp tên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp.

 
Học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM tham quan triển lãm về nghề nghiệp tại ĐH Bách khoa TP.HCM

* Thay đổi nhận thức của về việc chọn một con đường vào đời của bản thân HS không phải là dễ. Vậy thời gian tới Bộ GD-ĐT có đưa ra những giải pháp gì để phân luồng HS sau THPT tốt hơn, tránh lãng phí thời gian và kinh phí?

- Ông  Hoàng Ngọc Vinh: Mới đây Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo công tác nâng cao nhận thức có vai trò rất quan trọng trong việc hướng nghiệp cho HS. Để làm tốt công tác này, cần phải có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, doanh nghiệp và phương tiện thông tin đại chúng.

Trong công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của thanh niên đối với học nghề, T.Ư Đoàn thanh niên cần là lực lượng nòng cốt, triển khai Đề án “Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho thanh niên” đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề xuất việc cần phải đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Cụ thể, thực hiện đào tạo và tuyển dụng vị trí cán bộ theo ngành công tác xã hội trong trường THTP làm công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp. Hạn chế giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp không được đào tạo hoặc đào tạo sai chuyên ngành.

Cần đào tạo cán bộ hướng nghiệp tốt nghiệp ở trình độ ĐH để làm việc trong các trường phổ thông, dạy nghề, TCCN và CĐ.

Phát triển mô hình dạy chữ và dạy nghề kết hợp trên cơ sở nghiên cứu sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, dạy nghề hoặc thành lập trung tâm mới ở những huyện chưa có trung tâm nào. Ưu tiên phát triển các trung tâm ở 62 huyện nghèo trong cả nước.

Việc đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp giáo dục hướng nghiệp cần được tiến hành khẩn trương trên cơ sở nghiên cứu đánh giá của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của quốc gia khác.

* Xin cảm ơn ông!

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.